Công nghệ

Khi viễn thông không còn là 'mỏ vàng' của nhà mạng

(VNF) - Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tổng doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2023 ước đạt 139,26 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng 0,41% so với cùng kỳ năm 2022 và chỉ đạt 99,5% kế hoạch.

Viễn thông truyền thống đang co hẹp

Năm 2023, ngành viễn thông tiếp tục chứng kiến sự suy giảm mạnh của các dịch vụ viễn thông truyền thống.

Kết thúc năm 2023, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 139.260 tỷ đồng, tăng 0,41% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước trong lĩnh vực viễn thông ước đạt 46.000 tỷ đồng, tăng khoảng 0,27% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 93% so với kế hoạch năm 2023.

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang ước đạt 79,4% tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 94,2% kế hoạch năm 2023. Tỷ lệ người sử dụng Internet ước đạt 78,59%, tăng 4,09% so với năm 2022. Số thuê bao băng rộng di động đạt 84,9 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 85,5 thuê bao/100 dân), tăng 1,75% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 95,4% kế hoạch năm 2023.

Tốc độ băng rộng cố định tháng 10/2023 (theo Ookla) đạt 104,08 Mbit/s,tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2022 xếp thứ 41/181 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tốc độ truy cập Internet băng rộng di động tháng 10/2023 (theo Ookla) 44,92 Mbit/s, tăng 13,78% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 57/181 quốc gia,vùng lãnh thổ.

Năm 2023, số thuê bao sử dụng smartphone ước đạt 100,1 triệu, tăng 5,7% so với năm2022. Tỷ lệ người dùng smartphone/người dùng điện thoại di động ước đạt 84,4%,cao hơn tỷ lệ trung bình quốc tế (trung bình quốc tế là 63%)...

Nhà mạng đối mặt với thách thức doanh thu giảm mạnh từ các dịch vụ viễn thông truyền thống.

Những con số này cho thấy doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm qua gần như không tăng trưởng, và ở mức thấp nhất trong nhiều năm lại đây. 

Không chỉ là bức tranh chung chung của ngành viễn thông, chính các nhà mạng như Viettel, VNPT và MobiFone cũng đang đối mặt với thách thức doanh thu giảm mạnh từ các dịch vụ viễn thông truyền thống. Đó cũng là lý do khiến các nhà mạng phải tăng tốc chuyển đổi xu hướng cung cấp dịch vụ số, giải pháp số, thay vì chỉ trong chờ vào các dịch vụ viễn thông truyền thống đã đến ngưỡng bão hòa và không còn dư địa tăng trưởng.

"Nếu không có không gian mới thì sẽ nguy hiểm"

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2024 của VNPT mới đây.

Theo báo cáo của VNPT, năm 2023, tổng doanh thu của doanh nghiệp này đạt 54.856 tỷ đồng, bằng 102,14% so với cùng kỳ, đạt 98,2% kế hoạch. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 4.468 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch, bằng 100,7% so với cùng kỳ.

Điểm đáng chú ý là năm 2023, mảng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất và cũng là lĩnh vực cốt lõi nhất của VNPT là dịch vụ di động chỉ chiếm 34,6% doanh thu. 

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, VNPT vẫn chưa thật sự bứt phá, chưa thấy quyết tâm chiến lược để mở ra được một giai đoạn phát triển mới.

"Các nhà mạng như VNPT chưa đầu tư đi trước về xây dựng hạ tầng số để tạo nền tảng cho phát triển đất nước, phát triển kinh tế xã hội. Cũng vì vậy mà VNPT cũng chưa tìm thấy không gian tăng trưởng mới, trong khi không gian cũ đã hết dư địa, thậm chí suy giảm", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Bộ trưởng lấy ví dụ như các dịch vụ truyền thống là thoại và SMS đã từng chiếm gần 100% doanh thu di động của nhà mạng, thì cơ bản sẽ giảm xuống chỉ còn dưới 10%; những dịch vụ truyền thống này của VNPT vẫn đang chiếm tới 40% thì phải chuẩn bị sẽ giảm xuống dưới 10%. "Nếu không có không gian mới thì VNPT sẽ nguy hiểm”, Bộ trưởng nói.

Đây là thực tế chung của các nhà mạng khi các dịch vụ thoại và SMS bị suy giảm doanh thu mạnh mẽ trên từng thuê bao, cũng như toàn hệ thống. Trong 5 năm qua, Chỉ số doanh thu trung binình (ARPU) trên thuê bao di động đang hoạt động, chỉ từ 59.000 - 63.000 đồng/thuê bao/tháng, thuộc vào nhóm thấp nhất khu vực châu Á.

Điểm sáng năm 2023 của VNPT là dịch vụ cáp quang - chiếm doanh thu lên 29,5% và dịch vụ MyTV - chiếm 14,5% tổng doanh thu. Đây cũng là năm đầu tiên doanh thu băng rộng và truyền hình của VNPT vượt qua doanh thu của dịch vụ di động.

Rõ ràng, đây là những dư địa mà VNPT cần tập trung và với chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ, lãnh đạo VNPT cũng cho biết đang tập trung phát triển hạ tầng số, cùng danh mục các dịch vụ số đặc biệt. "Trong thời gian tới, VNPT sẽ tiếp tục mở rộng không gian mới này để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ cho tập đoàn", lãnh đạo VNPT nói.

Về phía MobiFone, năm 2023, tổng doanh thu công ty mẹ ước đạt 25.440 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ghi nhận mức tăng trưởng dương ước đạt 1.638 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu ước đạt 7,25%.

MobiFone sẽ tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh trên lĩnh vực không gian mới trong năm 2024.

Nhà mạng này cho biết hoạt động khai thác “không gian mới” trong năm 2023 tiếp tục nhận được nhiều kết quả khả quan, cho thấy đây là bước đi đúng đắn, góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh, dẫn dắt của nhà mạng này trên thị trường viễn thông.

Năm 2023, thay vì tập trung vào các dịch vụ viễn thông truyền thống, MobiFone đã tăng cường đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng trung tâm dữ liệu, phát triển hạ tầng số dựa trên công nghệ điện toán đám mây và nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata)…

Kế hoạch năm 2024, MobiFone cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh trên lĩnh vực không gian mới, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện và đưa ra thị trường các sản phẩm dịch vụ mới; hình thành và dần hoàn thiện hệ sinh thái số cho khách hàng cá nhân.

Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt kế hoạch tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt 21 tỷ USD. Chủ đề năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông là phổ cập hạ tầng số, sáng tạo, ứng dụng số để phát triển kinh tế số, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động...

Cùng với việc Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua. Đây rõ ràng là những dư địa mới mà các nhà mạng sẽ cần lên kế hoạch một cách cụ thể và chiến lược để thoát khỏi bóng dáng một doanh nghiệp viễn thông truyền thống và trở thành những tập đoàn công nghệ hàng đầu.

Tin mới lên