Khó chồng khó, Đạm Hà Bắc lỗ lũy kế 3.980 tỷ đồng

Thanh Thủy - 22/08/2020 16:32 (GMT+7)

Gánh nặng lãi vay khiến Đạm Hà Bắc phải chi đều đặn hàng trăm tỷ đồng mỗi quý. Dịch Covid-19 tác động đến giá phân bón bán ra càng khiến doanh nghiệp này khó chồng khó.

VNF
Khó chồng khó, Đạm Hà Bắc lỗ lũy kế 3.980 tỷ đồng

Công ty Cổ phần Hóa chất và Phân đạm Hà Bắc (UPCoM: DHB) ghi nhận khoản lỗ ròng gần 693 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020. Theo báo cáo tài chính soát xét vừa công bố, không chỉ giảm 6,7% doanh thu xuống còn 1.487 tỷ đồng mà giá vốn hàng bán còn tăng vọt. Lợi nhuận gộp của Đạm Hà Bắc nửa đầu năm do đó âm 136 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi tới 242 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Ninh, Tổng giám đốc Đạm Hà Bắc, cho biết tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp và việc giá dầu thô thế giới giảm mạnh đã kéo theo giá bán sản phẩm giảm hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, lưu thông sản phẩm cũng gặp nhiều trở ngại, công ty cũng đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và thiếu vốn để duy trì hoạt động.

Khó khăn của tình hình mới chồng lên những tồn tại trước đó mà Đạm Hà Bắc đã phải đối mặt. Luật thuế số 71/2014 đã đưa mặt hàng phân bón vào nhóm không chịu thuế giá trị gia tăng nên không được khấu trừ thuế đầu vào. Riêng trong nửa đầu năm, gần 70,7 tỷ đồng tiền thuế GTGT không được khấu trừ khiến giá vốn hàng bán trội lên.

Ngoài chi phí sản xuất, lãi vay là khoản chi tiêu tốt hàng trăm tỷ đồng mỗi kỳ của Đạm Hà Bắc. Nửa đầu năm 2020, chi phí lãi vay tăng tới 13% so với cùng kỳ lên 440 tỷ đồng. Nguyên nhân cũng bởi khoản nợ vay ngân hàng hơn 7.450 tỷ đồng, theo số liệu cập nhật đến cuối quý II/2020.

Trong đó, khoản vay lớn nhất là để đầu tư dự án cải tạo và mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc với giá trị tổng cộng 7.000 tỷ đồng. Gần 3.770 tỷ đồng được vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo hợp đồng tín dụng ký năm 2008, đáo hạn vào năm 2023. Khoản vay được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay, áp dụng lãi suất cố định 10,78%/năm. Cũng để tài trợ cho dự án này, Đạm Hà Bắc vay 222 triệu USD với lãi suất 5,5%/năm tại VietinBank hồi năm 2010.

Cập nhật tình hình dự án, phía công ty cho biết vẫn đang làm việc với nhà thầu EPC gói 8 - thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, xây lắp vận hành bàn giao nhà máy để quyết toán bổ sung dự án cái tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc. "Trong tương lai sau khi hoàn tất quyết tán có thể còn phát sinh các khoản công nợ phải thu phải trả với nhà thầu", Đạm Hà Bắc cũng nhấn mạnh.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Đạm Hà Bắc lỗ ròng 693 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần khoản lỗ cùng kỳ năm 2019 và cũng cao hơn con số thua lỗ của cả năm 2019. Đến cuối quý II, lỗ lũy kế 3.979 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Cùng vì thua lỗ liên tục, vốn chủ sở hữu của công ty âm gần 1.210 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả đã xấp xỉ 10.220 tỷ đồng.

Cuối tháng 5 vừa qua, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo kết luận thanh tra, Đạm Hà Bắc đã có vi phạm khi bổ sung liên danh nhà thầu WEC-CECO trái quy định (WEC-CECO thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ xác định tổng mức đầu tư...). Đạm Hà Bắc vẫn nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng đã ký. Điều này dẫn đến công ty không chọn được nhà thầu EPC và làm phát sinh chi phí.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 568 triệu USD, trong đó tỷ lệ vốn tự có của Đạm Hà Bắc chỉ chiếm hơn 17% tổng mức đầu tư, số còn lại là vốn vay chiếm hơn 82%, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài. Ngoài ra, khi dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư năm 2009, Đạm Hà Bắc dù không đủ điều kiện, năng lực nhưng vẫn tự lập dự án điều chỉnh và được Vinachem thẩm định, phê duyệt. Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc điều chỉnh này là thiếu căn cứ, cơ sở, không đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Theo Đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác