Khó chứng minh thiệt hại, nhà đầu tư của VNDIRECT 'hẹp cửa' đòi bồi thường
Khánh Tú -
27/03/2024 16:49 (GMT+7)
(VNF) - Mặc dù nhà đầu tư có thể khởi kiện, yêu cầu phía VNDIRECT bồi thường sau sự cố gián đoạn giao dịch nhưng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, rất khó để có thể chứng minh thiệt hại thực tế và đưa ra mức bồi thường hợp lý.
Lỗi thuộc về ai?
Sáng 25/3, VNDIRECT thông báo hệ thống của công ty bị hacker tấn công khiến toàn bộ giao dịch bị "đóng băng". Đến ngày 27/3, người dùng VNDIRECT mới chỉ tra cứu được trạng thái và tài khoản của mình trên My Account.
Trong khi phía VNDIRECT đang nỗ lực khắc phục sự cố để hệ thống có thể vận hành trở lại vào ngày 28/3 thì ở phía các nhà đầu tư, nhiều người đã lên tiếng đòi quyền lợi.
Trên nhiều hội nhóm của các nhà đầu tư chứng khoán, không ít người bày tỏ sự lo lắng khi không thể giao dịch trong những ngày qua. “Thời gian nhà đầu tư không thể giao dịch được khiến tài sản bị thất thoát, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”, một nhà đầu tư bức xúc.
Chia sẻ với VietnamFinance, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty Luật SBLaw, nhận định: “Về nguyên tắc, nhà đầu tư được phép yêu cầu bồi thường nếu thấy sự cố này gây thiệt hại tới quyền lợi của mình. Tuy nhiên, theo quy định của luật Việt Nam, nhà đầu tư phải chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra”.
Trong trường hợp này, các nhà đầu tư rất khó chứng minh được thiệt hại vì có nhiều yếu tố. “Ví dụ như nhà đầu tư nói rằng muốn mua cổ phiếu A nhưng không được vì giao dịch gián đoạn. Sang ngày hôm sau, cổ phiếu A tăng giá nên phải chịu thiệt. Thì khi đó, thiệt hại này chủ yếu là thiệt hại tương lai, suy diễn nếu – thì và không có bằng chứng chắc chắn rằng nhà đầu tư định mua vào hay bán ra vào thời điểm đó”, ông Hà nói.
Đối với trường hợp của VNDIRECT, các nhà đầu tư và phía công ty có thể thỏa thuận để đưa ra mức bồi thường hợp lý. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận thì có thể đem ra tòa, tuy vậy, rất khó để chứng minh thiệt hại thực tế.
Về phía VNDIRECT, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng công ty có thể không bị phạt vì sự cố lần này là bất khả kháng và không phải lỗi từ phía họ.
Theo ông Hà, “nếu để quy trách nhiệm cho VNDIRECT, nhà đầu tư cần chứng minh được sự cố lần này xảy ra là do lỗi của công ty, chẳng hạn như công ty lơ là, không có đủ nhân sự hay không chú trọng đến vấn đề công nghệ mới dẫn đến bị tấn công như thế. Hiện UBCK cũng đang tiến hành thanh tra, kiểm tra liệu VNDIRECT có sai phạm, thiếu trách nhiệm không”.
Tuy nhiên, trên thực tế, UBCK cũng chưa có quy định cụ thể nào về những trường hợp tương tự như sự cố của VNDIRECT. Chính vì thế, trong những trường hợp tương tự, hầu hết các nhà đầu tư đều phải tự chịu trách nhiệm khi giao dịch bị gián đoạn, ông Hà nói.
Có phần khác quan điểm với luật sư Nguyễn Thanh Hà, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu lại nhấn mạnh VNDIRECT sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi quyền lợi của nhà đầu tư bị thiệt hại trong quá trình gián đoạn giao dịch.
“Nếu rơi vào trường hợp như hỏa hoạn, thiên tai,… thì khó có thể quy trách nhiệm cho công ty chứng khoán. Tuy nhiên, trường hợp nguyên nhân chủ quan như hệ thống an ninh không đảm bảo, không có server dự phòng để rò rỉ dữ liệu hoặc làm mất dữ liệu khách hàng thì phía VNDIRECT phải chịu trách nhiệm”, ông Hiếu nói.
Để xác định nguyên nhân sự cố, theo ông Hiếu, “cần phải có 2 bên khác cùng điều tra nguyên nhân, thứ nhất là công ty kiểm toán và công ty công nghệ, ngoài ra cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng”.
Nhà đầu tư cần tự bảo vệ mình
Theo chia sẻ của một chuyên gia an ninh mạng, những hệ thống lớn như ngân hàng hay các công ty chứng khoán đều là con mồi lớn cho các đối tượng hacker.
Trên thực tế, đã có nhiều sự cố tương tự xảy ra trên thế giới. Đầu năm 2024, nền tảng cho vay cổ phiếu EquiLend (Mỹ) đã bị hacker tấn công vào hệ thống khiến giao dịch của công ty này bị gián đoạn trong gần 2 tuần. Công ty môi giới chứng khoán lớn thứ 2 của Ấn Độ theo số lượng khách hàng là Upstox cũng bị tấn công mạng vào tháng 4/2021 khiến hơn 2,5 triệu khách hàng đã bị đánh cắp thông tin.
Để nhà đầu tư có thể xử lý khi gặp tình huống tương tự, ông Trần Mạnh Hoàng Việt, chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, cho biết: “Việc đầu tiên là các nhà đầu tư cần giữ bình tĩnh, cập nhật các thông tin chính thống và cảnh giác các đối tượng lừa đảo có thể nhân cơ hội này đánh cắp dữ liệu và thông tin cá nhân”.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có thể chuẩn bị tham vấn các đơn vị pháp luật để nghiên cứu các trường hợp pháp lý có thể xảy ra trong trường hợp sự cố có thể diễn biến xấu hơn. “Mỗi nhà đầu tư cần phải tìm hiểu về nghĩa vụ về bảo mật, xử lý sự cố hoặc sao kê và báo cáo về tình hình tài sản hợp pháp của công ty chứng khoán khi ký hợp đồng giao dịch hoặc mở tài khoản chứng khoán. Việc hiểu rõ tính pháp lý của hợp đồng là rất quan trọng”, ông nói.
Đây cũng là lời cảnh báo các nhà đầu tư nên có phương án dự phòng cho mọi tình huống xấu. “Các nhà đầu tư có thể sử dụng hai tài khoản chứng khoán tại các công ty khác nhau để phân tán bớt rủi ro tập trung. Trong tương lai, những sự kiện tương tự vẫn có khả năng xảy ra. Chính vì thế, việc lựa chọn đơn vị chứng khoán tốt là cần thiết, cũng như đa dạng là cách để các nhà đầu tư bảo vệ tài sản của mình”, ông Việt khẳng định.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone