Khởi sự đầu tư tài chính tuổi 20: Điều quan trọng hơn cả 'tiền đâu'
(VNF) - Giới trẻ Việt Nam hiện vẫn chưa chú trọng nhiều đến tài chính cá nhân, điều này khiến họ phải đối mặt với nhiều rủi ro như thiếu tích lũy, rơi vào nợ nần, đầu tư sai lầm, hoặc bị lừa đảo. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực trong tương lai
Trong bối cảnh kinh tế đầy biến động hiện nay, quản lý tài chính cá nhân đang ngày càng trở thành một kỹ năng thiết yếu, đặc biệt đối với những người trẻ độc thân. Việc tích lũy, đâu tư tài chinhs và quản lý tài chính cá nhân không chỉ giúp đảm bảo một tương lai tài chính vững chắc mà còn tạo bước đệm cho sự thành công và ổn định trong cuộc sống của các bạn trẻ sau này.
Bị lãng quên giáo dục đầu tư tài chính
Chị Nguyễn Thuỷ Linh, 31 tuổi, quê Bắc Giang, hiện đang làm việc tại một công ty truyền thông ở Hà Nội, mặc dù đã đi làm gần 10 năm nhưng Linh không tích lũy được nhiều tài sản, chỉ có một khoản tiết kiệm cá nhân nhỏ. Xuất thân từ gia đình khá giả, Linh không để ý nhiều đến việc tích lũy và quản lý tài chính.
Linh chia sẻ: “Có thời điểm chi tiêu quá nhiều, phải dùng đến cả thẻ tín dụng của bố mẹ gửi cho. Gia đình có kinh tế khá giả, chính vì vậy mà mình không để ý nhiều đến tích lũy nền tảng tài chính cá nhân cho bản thân”.
Linh cũng không còn tham gia đầu tư vào các kênh như bất động sản, chứng khoán hay chứng chỉ quỹ vì từng gặp thất bại khi đầu tư chứng khoán.
Trong khi đó, Lê Thanh Tâm, 30 tuổi, quê Thái Nguyên, xuất thân từ một gia đình khó khăn, luôn sống tiết kiệm và tìm kiếm các kênh đầu tư để gia tăng tài sản, quan tâm đến tài chính cá nhân từ rất sớm. Tuy nhiên, Tâm lại gặp phải dự án bất động sản không sinh lời, dẫn đến nguy cơ mất trắng số tiền tích lũy.
“Toàn bộ số tiền tích góp của bản thân đều ở đó, nay có nguy cơ mất trắng, chưa biết khi nào lấy lại được. Vừa rồi gia đình gặp chút sự cố mà phải đi vay mượn khắp nơi để trang trải”, Thanh Tâm nói thêm.
May mắn hơn Tâm, Lê Tiến Anh, 26 tuổi, gốc Nam Định, đã mua được một căn hộ và đang cho thuê, đồng thời tham gia đầu tư chứng khoán và mua bảo hiểm với số vốn từ thu nhập của bản thân. Tiến Anh không có điều kiện học đại học nhưng nhờ chuyên môn tốt, anh đang làm việc cho một công ty công nghệ của Nhật với mức thu nhập khá cao. Tuy nhiên, Tiến Anh vẫn gặp khó khăn trong việc tối ưu dòng tiền và lên kế hoạch tài chính dài hạn.
“Mình thấy tài chính bản thân khá ổn, một phần nhờ các kiến thức tài chính học được từ YouTube, tuy nhiên vẫn đang loay hoay với các kênh đầu tư, chưa làm thế nào để tối ưu được dòng tiền cũng như lợi nhuận”, Tiến Anh nói.
Những câu chuyện trên phản ánh rõ những thách thức mà người trẻ độc thân tại Việt Nam đang phải đối mặt.
Theo báo cáo từ Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội Chongluadao, năm 2023, người Việt bị lừa đảo qua mạng gần 16 tỷ USD trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Trong vòng 12 tháng, trung bình mỗi người Việt tham gia khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo, 29% người tham gia cho biết phải gánh chịu thiệt hại về tiền bạc. Trung bình số tiền thiệt hại khoảng 17,7 triệu đồng.
Số liệu khảo sát cho thấy 71% người được hỏi bị lừa thông qua Facebook và Gmail, theo sau là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%). GASA cho rằng: Nếu như áp dụng số liệu trên phạm vi toàn quốc, thiệt hại có thể lên 391,8 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy dân trí tài chính của người Việt còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở đối tượng người trẻ.
Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này do phần lớn người trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về tài chính cá nhân. Nhiều người vẫn còn mơ hồ về các khái niệm cơ bản như tiết kiệm, đầu tư, quản lý rủi ro, và lập kế hoạch tài chính. Việc thiếu kiến thức này dẫn đến việc không biết cách quản lý chi tiêu, không có kế hoạch tài chính rõ ràng, và dễ dàng rơi vào bẫy nợ hoặc bị lừa đảo tài chính.
Một số bạn trẻ, chưa chú trọng đến việc quản lý tài chính cá nhân. Họ không có thói quen tiết kiệm và đầu tư, dẫn đến việc không tích lũy được tài sản và dễ dàng rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính khi gặp khó khăn. Một số khác, mặc dù có sự quan tâm đến tài chính nhưng lại thiếu kinh nghiệm và kiến thức để đầu tư một cách hiệu quả. Họ dễ dàng bị lôi cuốn vào các dự án đầu tư không chắc chắn, dẫn đến việc mất mát tài sản và gặp khó khăn trong việc quản lý dòng tiền. Hoặc nếu may mắn đạt được mục tiêu tài chính ngắn hạn như Tiến Anh nhưng lại loay hoay trong những kế hoạch phát triển dài hạn hơn.
Quản lý chi tiêu là yếu tố sống còn
Trao đổi với Đầu tư tài chính, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân tại Công ty FIDT cho biết, để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, điều đầu tiên mà mỗi người trẻ cần làm là chủ động nâng cao kiến thức tài chính. Việc hiểu rõ các nguyên tắc tài chính cơ bản sẽ giúp người trẻ tự tin hơn khi ra quyết định về tiền bạc.
Lập kế hoạch tài chính cá nhân là bước tiếp theo không thể thiếu. Các bạn trẻ không nên vội vàng lập kế hoạch tài chính nếu chưa thực sự xác định được các mục tiêu mà bản thân thực sự mong muốn là gì, bởi mỗi người có những xuất phát điểm khác nhau với kiến thức, năng lực tài chính và mục đích sống cũng khác nhau. Chẳng hạn như không phải ai cũng có nhà có xe ở độ tuổi 30 hay đi du lịch nước ngoài mỗi năm.
Bởi vậy, các bạn trẻ cần tránh bị áp lực so với các bạn đồng trang lứa khi đặt ra các mục tiêu tài chính cho bản thân. Ngoài ra, cũng đừng quên tính đến các phương án dự phòng tài chính cho tương lai và các giải pháp bảo hiểm nếu chẳng may gặp các vấn đề về sức khỏe.
Thực tế cho thấy, có những bạn tuổi còn trẻ đã sở hữu cho mình ngôi nhà đầu tiên, có 1 tỷ đồng đầu tiên trước năm 30 tuổi nhưng rồi lại mất tất cả và vướng vào nợ nần chỉ 2 - 3 năm sau đó. Thời gian đầu làm ăn thuận lợi, họ nhanh chóng kiếm được tiền để mua nhà mua xe nhưng khi chu kỳ kinh tế đi xuống khiến công việc kinh doanh khó khăn, khoản tiền vay từ ngân hàng trước đó với lãi suất thả nổi ngày càng trở thành gánh nặng trong khi hàng nhập về tồn kho không bán được khiến kế hoạch ban đầu vốn tưởng sẽ cho thành quả lại trở thành gánh nặng tài chính đè lên vai.
“Nhiều người phải bán nhà bán xe vẫn không trả hết nợ. Từ một người tưởng như đã thành công bỗng trở thành tay trắng và không còn vốn để vực dậy kinh doanh khi cơ hội tới”, chuyên gia Thanh Hoa quan ngại.
Bà Hoa khuyên, các bạn trẻ nên lưu ý nguyên tắc “Pay yourself first” khi lập kế hoạch tài chính, nghĩa là bạn cần trả tiền cho chính bạn hôm nay và trả cho chính bạn sau này với những quỹ dự phòng rủi ro và một giải pháp bảo hiểm phù hợp phòng khi xảy ra điều bất trắc. Khoản này cân nhắc ở mức 5-8% tổng thu nhập năm.
Đồng thời, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, tuổi trẻ là khoản thời gian vàng để đầu tư và tích lũy tài sản khi lợi thế của các bạn trẻ chính là thời gian. Vì vậy, hãy đầu tư càng sớm càng tốt để có thể tận dụng được sức mạnh của lãi suất kép, giúp bản thân sớm hình thành thói quen tốt, có kỷ luật trong đầu tư.
Giai đoạn này người trẻ, nhất là các bạn còn độc thân cũng chưa có nhiều trách nhiệm tài chính với người phụ thuộc, vì vậy ít gánh nặng tài chính cộng với lợi thế của tuổi trẻ là sức khoẻ cho nên các bạn cũng có khả năng chịu đựng rủi ro cao hơn trong đầu tư cũng như có nhiều cơ hội để học hỏi và gia tăng nguồn thu nhập cho bản thân.
Tuy nhiên, một sai lầm các bạn trẻ dễ gặp phải đó là nghĩ rằng “khi nào có nhiều tiền mới nên đầu tư, bây giờ còn trẻ thì nên đi du lịch để trải nghiệm đã”. Song chỉ với khoản đầu tư 2 triệu đồng mỗi tháng với lãi suất trung bình 8% mỗi năm, hoàn toàn có thể đạt được 1 tỷ đồng đầu tiên sau 20 năm từ việc đầu tư có kỷ luật với số vốn nhỏ và tận dụng sức mạnh của lãi kép.
Nhưng cuối cùng, tiền đâu để bắt đầu lập kế hoạch tài chính và đầu tư, vẫn là câu hỏi nhức nhối của rất nhiều người trẻ. Câu trả lời chính là cần phải biết quản lý chi tiêu hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa cho rằng, đây thực sự là một thách thức khi ở độ tuổi còn trẻ, thu nhập còn hạn hẹp nhưng có quá nhiều cám dỗ chi tiêu và đôi khi, truyền thông khiến các bạn trẻ bối rối giữa việc tiết kiệm hay chi tiền để có trải nghiệm vì “tuổi trẻ ta chỉ sống một lần trong đời”.
Vì vậy, một kế hoạch chi tiêu khoa học, phân bổ tiết kiệm trước rồi chi tiêu sau sẽ giúp người trẻ không bị dẫn dắt cảm xúc dẫn đến những quyết định chi tiêu sai lầm. Phổ biến nhất là áp dụng nguyên tắc 50/30/20 (50% thu nhập dành cho chi tiêu thiết yếu, 30% dành cho mong muốn cá nhân và 20% dành cho tiết kiệm, đầu tư).
Đầu tư chính là chìa khóa để các bạn trẻ có thể gia tăng tài sản, hướng đến một đời sống thịnh vượng trong tương lai. Tuy nhiên, để đầu tư thành công, các bạn trẻ cần có kiến thức sâu rộng và một kế hoạch tài chính toàn diện. Việc đưa ra quyết định đầu tư mà không có thông tin rõ ràng hoặc không chuẩn bị phương án dự phòng rủi ro là rất nguy hiểm, vì không ai có thể đảm bảo rằng bạn sẽ không phải bán tháo tài sản khi gặp biến cố.
Chung cư thời 'ngáo' giá: Có 2 - 3 tỷ tìm mua phân khúc nào?
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.