Lo lương hưu không đủ sống, hàng triệu người tìm thêm nguồn tài chính cho tuổi già

Xuân Thạch - 10/08/2024 12:00 (GMT+7)

(VNF) - Trước thực trạng nhiều người dân hiện nay không tham gia bảo hiểm xã hội, hoặc tham gia mức tối thiểu, chưa đảm bảo nguồn tài chính vững chắc cho tuổi hưu “an nhàn”, điều này đang đặt áp lực lên hệ thống an sinh xã hội. Một trong những giải pháp được quan tâm là quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, nhưng hiện còn nhiều vướng mắc

Lo lắng cho tuổi già không BHXH

Mới đây, trên cộng đồng về tài chính có hơn 500.000 thành viên, nhiều độc giả thắc mắc rằng: Hiện bản thân mình chưa có BHXH, nay muốn tìm hiểu tự đầu tư vào một quỹ hưu trí cho kế hoạch nghỉ hưu.

Bạn độc giả cũng quan tâm, ngoài BHXH thì ở Việt Nam còn có các phương án hưu trí của các công ty tài chính, có thể tham gia với tư cách cá nhân. Đồng thời, nhờ mọi người tư vấn giúp phương án để bắt đầu tham gia.

Nhiều người dân lo lắng khi chưa tham gia BHXH

Tương tự, chị Bùi Mai Phương (35 tuổi) ở Thanh Xuân Hà Nội cho biết, công việc của chị là làm tự do, nên hiện chưa tham gia BHXH ở một công ty, tổ chức nào. Điều chị quan ngại là chưa có một nguồn tài chính chắc chắn cho tuổi nghỉ hưu, khoảng 25 - 30 năm tới. Do đó, chị đang tìm hiểu để tham gia BHXH tự nguyện của nhà nước. Tuy nhiên, bản thân chị Phương cũng đang băn khoăn thêm phương án Quỹ hưu trí của các công ty quản lý quỹ.

“Ví dụ như Quỹ hưu trí của VBCF, tuy nhiên theo tìm hiểu thì Quỹ này hiện chỉ nhận tham gia của doanh nghiệp, chưa chấp nhận cho cá nhân”, chị Phương nói thêm.

Tương tự, theo Anh Lê Văn Thao (40 tuổi) gốc Thanh Hoá, hiện anh đang tham gia BHXH ở công ty được 10 năm, nhưng đóng mức thấp nhất. Anh Thao lo lắng với mức tham gia như vậy, sau này nghỉ hưu khoảng 15 - 20 năm tới, cũng sẽ nhận về mức lương tương ứng, chưa chắc đã đủ cho mức sống cơ bản. Do đó, anh cũng tìm kiếm đến 1 số phương án để bổ sung cho quỹ hưu trí nhưng cũng đang mông lung chưa rõ cách thức và điều kiện tham gia.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, thực tế hiện nay có một thế hệ "Baby Boomer" của Việt Nam sinh từ khoảng 1970 - 1980, đã và sẽ đến độ tuổi hưu trí, trong số đó rất nhiều người trong tình trạng chưa có BHXH. Nguy cơ, nếu không được bao phủ bởi bảo hiểm xã hội, rất có thể sẽ là gánh nặng cho an sinh xã hội khi có rủi ro tài chính xảy ra.

Số liệu thống kê cũng dự báo, Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ ngày càng nhanh, theo ước tính của UNFPA Việt Nam, đến năm 2050 dân số có độ tuổi trên 60 sẽ chiếm tới 25% (so với 9.4% năm 2010), tuổi thọ trung bình cũng tăng lên 74.5 tuổi vào năm 2023.

Tỷ lệ người tham gia đóng góp trên người thụ hưởng ngày càng suy giảm, số năm thụ hưởng lương hưu ngày càng tăng, điều này cộng với một danh mục đầu tư tập trung vào các lớp tài sản có độ an toàn cao như trái phiếu Chính chủ, cho vay ngân sách nhà nước… đã đặt ra nhiều thách thức và áp lực cho Quỹ BHXH.

Không thể phủ nhận giá trị và tầm quan trọng của BHXH trong an sinh xã hội tuy nhiên mức lương hưu được đánh giá là chưa đủ để người lao động có thể hưởng một cuộc sống hưu trí an nhàn và an toàn về mặt tài chính

Đóng đủ BHXH có được tuổi hưu an nhàn?

Trao đổi với VietnamFinance, bà Lê Thị Minh Huệ, Chuyên gia hoạch định Tài chính cá nhân, Công ty cổ phần FIDT cho biết, BHXH là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của Nhà Nước, góp phần đảm bảo tài chính cho người lao động khi về hưu.

Với người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động việc tham gia BHXH là cơ chế bắt buộc, trong đó doanh nghiệp và NLĐ cùng tham gia đóng góp. Với NLĐ không thuộc các đối tượng này có thể tham gia theo hình thức BHXH tự nguyện, trực tiếp đóng góp và tích lũy để chuẩn bị cho quá trình hưu trí.

Tuy nhhiên, ước tính mức lương hưu NLĐ nhận được chỉ đạt khoảng 45% thu nhập trung bình 5 năm trước khi về hưu. Trong khi đó ở giai đoạn hưu trí chi phí sinh hoạt không giảm đi đáng kể, thậm chí tăng lên ở một số mặt, điển hình như chi phí chăm sóc sức khỏe và chi phí giải trí hưởng thụ. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên nhưng không phải là một tuổi già khỏe mạnh.

Bà Lê Thị Minh Huệ, Chuyên gia hoạch định Tài chính cá nhân, CTCP FIDT

Cũng theo bà Minh Huệ, người Việt có trung bình 10 năm bệnh tật trong giai đoạn hưu trí, trung bình mỗi người cao tuổi mắc 2-3 bệnh lý (Thống kê từ Tổng cục Dân số, Bộ Y Tế năm 2023).

Với tương quan giữa thu nhập và chi phí cho tuổi hưu như trên, Chính phủ đang khuyến khích sự phát triển một hệ thống BHXH đa tầng, có thêm những trụ cột khác trong chính sách an sinh xã hội để NLĐ có thêm sự chuẩn bị cho giai đoạn tuổi xế chiều, trong đó Quỹ Hưu Trí Bổ Sung Tự Nguyện (quỹ hưu trí) là một trong những sản phẩm đang được từng bước hoàn thiện và phát triển.

Quỹ hưu trí được hình thành dựa trên cơ chế đóng góp tự nguyện giữa doanh nghiệp và NLĐ hoặc NLĐ tự đóng góp một phần thu nhập cho đến khi về hưu. Tài sản của quỹ được quản lý và đầu tư bởi các đơn vị chuyên nghiệp là công ty uản lý quỹ (CTQLQ).

Hiện nay có 4 CTQLQ được cấp phép quản lý quỹ hưu trí tại Việt Nam gồm: Dragon Capital, VCBF, SSIAM và MB Capital. So với BHXH, phạm vi đầu tư của các quỹ hưu trí mang tính thị trường hơn và vẫn đảm bảo các quy định chặt chẽ của Bộ Tài Chính. Các quỹ này bắt buộc đầu tư tối thiểu 50% giá trị tài sản vào trái phiếu Chính Phủ, tỷ trọng còn lại được phân bổ cho các quỹ mở trái phiếu hoặc quỹ mở cổ phiếu tùy vào chiến lược đầu tư của từng CTQLQ.

Hoạt động quản lý quỹ hưu trí phải đáp ứng nguyên tắc về công khai và minh bạch, doanh nghiệp và NLĐ có thể theo dõi danh mục đầu tư, hiệu quả đầu tư của quỹ một cách định kì và có tài khoản hưu trí để theo dõi quá trình đóng góp, đầu tư.

Quỹ Hưu trí Bổ sung tự nguyện là giải pháp nhưng hiện đang còn nhiều vướng mắc

Một ưu điểm lớn của quỹ hưu trí đó là ưu đãi về thuế. Theo đó doanh nghiệp đóng góp quỹ hưu trí cho NLĐ được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế tối đa 3 triệu đồng/NLĐ/tháng. Đồng thời NLĐ được khấu trừ tối đa 1 triệu/NLĐ/tháng vào thu nhập chịu thuế khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

“Với một doanh nghiệp có 1,000 NLĐ với mức lương bình quân 20 triệu đồng, nếu mỗi NLĐ được đóng góp vào quỹ hưu trí 1 triệu đồng/tháng thì mỗi năm doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 2 tỷ đồng, con số này sau 40 năm lên tới 469 tỷ đồng”, bà Huệ ví dụ con số.

Tuy vậy, bà Lê Thị Minh Huệ cũng cho biết, sản phẩm này cũng còn nhiều hạn chế cần được hoàn thiện trong thời gian tới. Tính đến tháng 10/2023 cả nước chỉ có hơn 21,000 tài khoản quỹ hưu trí so với gần 53 triệu dân trong độ tuổi lao động ở cùng thời kì (số liệu từ VSDC và Tổng cục Thống Kê), cho thấy giai đoạn phát triển của sản phẩm này còn ở thời kì sơ khai.

Một trong những yếu tố góp phần làm sản phẩm này chưa được đông đảo doanh nghiệp và NLĐ hưởng ứng là bởi chưa có hành lang pháp lý toàn diện, cơ chế về thuế đối với các trường hợp rút trước hạn, rút một lần khi về hưu, quyết toán thuế trên phần vượt định mức,... chưa được quy định rõ ràng, chặt chẽ tạo nên sự lúng túng cho doanh nghiệp và NLĐ khi tham gia.

Bên cạnh đó, với việc danh mục đầu tư có tính thị trường quỹ hưu trí không được đảm bảo về hiệu quả đầu tư và mức chi trả, đặt ra yêu cầu các bên tham gia cần hiểu rõ sản phẩm trước khi tham gia quá trình đóng góp kéo dài hàng chục năm.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, quỹ hưu trí sẽ trở thành trụ cột không thể thiếu của một xã hội ngày càng phát triển, góp phần sẻ chia gánh nặng cho BHXH và tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu hướng tới hưu trí an nhàn. Với ưu thế về ưu đãi thuế, hiệu suất đầu tư tốt, quản trị minh bạch, được thiết kế linh hoạt dựa trên thỏa thuận của từng doanh nghiệp và người lao động, quỹ hưu trí ngày càng được nhiều doanh nghiệp và NLĐ quan tâm tìm hiểu.

Tuy vậy cũng còn nhiều hạn chế cần được khắc phục đặc biệt là việc hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao dân trí tài chính chung của toàn xã hội. Những thách thức này sẽ không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần có sự chung tay tham gia của nhiều bên, từ các Cơ quan Quản lý tới các CTQLQ, doanh nghiệp, và cả bản thân NLĐ.

“Đặc biệt, để các quỹ hưu trí tự nguyện này có thể đến với người dân sớm, cần phải có sự xuất hiện của thế hệ các nhà hoạch định tài chính cá nhân”, một vị chuyên gia khẳng định.

50 tuổi chưa có kế hoạch về hưu: 10 năm nữa cuộc sống sẽ ra sao?

50 tuổi chưa có kế hoạch về hưu: 10 năm nữa cuộc sống sẽ ra sao?

Tài chính
(VNF) - Bước sang tuổi 50, tài sản cũng đã tích luỹ kha khá, vẫn còn trách nhiệm tài chính với con cái, không tham gia BHXH, nhiều người vẫn chưa nghĩ đến chuyện mình sẽ nghỉ hưu như thế nào, dù cho thời điểm đó cũng đang đến rất gần
Cùng chuyên mục
Tin khác