Tài chính quốc tế

Không chỉ khí đốt, Nga tính yêu cầu thanh toán nhiều mặt hàng bằng đồng ruble

(VNF) - Bên cạnh khí đốt, Nga có thể tung ra động thái cứng rắn hơn khi yêu cầu thanh toán toàn bộ năng lượng và các hàng hóa xuất khẩu trọng yếu của Nga bằng đồng ruble, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Không chỉ khí đốt, Nga tính yêu cầu thanh toán nhiều mặt hàng bằng đồng ruble

Không chỉ khí đốt, Nga tính yêu cầu thanh toán nhiều mặt hàng bằng đồng ruble.

Ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, chính là người kêu gọi định giá các mặt hàng xuất khẩu lớn của Nga bằng đồng ruble, bao gồm cả ngũ cốc, dầu mỏ và gỗ.

Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 30/3 cho rằng đây là một ý tưởng nên được cân nhắc.

Theo ông Peskov, vai trò của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ trên toàn cầu đã bị ảnh hưởng và kế hoạch định giá tất cả các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga bằng đồng ruble sẽ giúp đảm bảo “lợi ích của Nga và lợi ích của các đối tác”.

Hiện Nga là nhà cung cấp lớn về dầu mỏ, khí đốt, thực phẩm, kim loại, gỗ và nhiều mặt hàng khác cho các thị trường trên toàn cầu.

Hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ chuyển tất cả các khoản thanh toán khí đốt tự nhiên của Nga từ các “quốc gia không thân thiện” sang đồng ruble.

Hiện danh sách này bao gồm 27 thành viên EU, Mỹ, Australia, Anh, Canada, Monaco, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Singapore…

Chính phủ Nga, ngân hàng trung ương Nga và tập đoàn năng lượng Gazprom dự kiến trình ông Putin hệ thống cho phép thanh toán khí đốt bằng đồng ruble vào ngày 31/3.

Các nhà phân tích coi động thái này là nỗ lực nhằm gây áp lực lên châu Âu của Nga, để trả đũa loạt biện pháp cấm vận khắc nghiệt sau khi nước này động binh với Ukraine. Với các lệnh trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga, phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD, gần một nửa dự trữ quốc tế của Nga.

Khi mệnh lệnh của ông Putin được thực hiện, châu Âu sẽ phải mua lượng ruble trị giá hàng trăm triệu euro mỗi ngày. Với Nga, việc đó sẽ cung cấp cho họ dòng chảy ngoại tệ mạnh, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với đồng ruble.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 30/3, ông Putin cho biết việc thanh toán của châu Âu từ tháng tới có thể tiếp tục bằng đồng euro và chuyển khoản như thông lệ cho ngân hàng Gazprombank, ngân hàng vốn không chịu tác động của các lệnh trừng phạt.

Cũng theo ông Hebestreit, sau khi nhận tiền, ngân hàng Gazprombank sẽ chuyển đổi sang đồng ruble.

Xem thêm >> Tổng thống Biden hoan nghênh Vinfast xây dựng nhà máy sản xuất xe điện ở Mỹ

Tin mới lên