Không thể bán 'tất tay', Bộ Xây dựng chấp thuận chuyển nhượng 1 phần dự án HUD Tower

Hoàng Lan - 15/07/2018 15:43 (GMT+7)

(VNF) - Sau 8 năm Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) “sa lầy” tại dự án nghìn tỷ HUD Tower trên đường Lê Văn Lương, mới đây Bộ Xây dựng đã chấp thuận để đơn vị này được phép chuyển nhượng một phần dự án.

VNF
Giá trị đầu tư của dự án HUD Tower tính đến thời điểm 31/3/2018 khoảng 1.540 tỷ đồng

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này đã có văn bản số 1682/BXD-KHTC về việc chấp thuận để HUD nghiên cứu các hình thức kinh doanh đối với tòa nhà HUD Tower - Dự án Trụ sở Tổng Công ty HUD kết hợp với văn phòng cho thuê hạng A.

Theo đó, HUD được phép chuyển nhượng một phần diện tích sàn văn phòng, diện tích sàn thương mại hoặc chuyển nhượng một phần dự án; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và theo đúng quy định của pháp luật.

Hội đồng thành viên của HUD có trách nhiệm bàn bạc, thống nhất hình thức kinh doanh, báo cáo Bộ Xây dựng phương án chi tiết trước khi thực hiện.

HUD là chủ đầu tư Dự án HUD Tower tại lô đất 2.4-NO (số 37), đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2010, đã thực hiện nộp tiền thuê đất một lần cho hết thời gian thuê (ngày 30/7/2059).

Về quy mô, HUD Tower được xây dựng trên khu đất 6.500m2, có vị trí đắc địa góc ngã tư đường Lê Văn Lương và Hoàng Minh Giám, tổng diện tích sàn khoảng 70.000m2.

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, giá trị đầu tư của dự án HUD Tower tính đến thời điểm 31/3/2018 khoảng 1.540 tỷ đồng.

Năm 2010, khi bắt đầu triển khai dự án, HUD thể hiện tham vọng với dự án có quy mô khoảng 2.000 tỷ đồng này. Công trình được thiết kế với 3 tầng hầm đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe cho tòa nhà, phần nổi gồm hai khối nhà cao 32 tầng và 27 tầng với đầy đủ công năng thương mại, văn phòng gồm nhiều dịch vụ tiện ích cao cấp.

Tuy nhiên, thực tế diễn ra không như những gì mà HUD từng kỳ vọng. Năm 2015, Thanh tra chính phủ đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong đầu tư, kinh doanh của HUD. Trong đó, giai đoạn trước năm 2011 (thời điểm đầu tư HUD Tower), HUD đã đầu tư nhiều dự án vượt xa khả năng tài chính, quản trị dẫn đến việc chậm trể triển khai.

Do đầu tư dàn trải, khi thị trường BĐS suy thoái HUD phải chuyển nhượng lại nhiều dự án, một phần dự án cho các doanh nghiệp khác, thậm chí bị thu hồi dự án.

Trước khi đồng ý cho HUD chuyển nhượng một phần dự án HUD Tower, Bộ Xây dựng từng có ý kiến chỉ đạo HUD chuyển nhượng toàn bộ dự án này cho đối tác.

Tuy nhiên, Tổng công ty cho biết “với thực trạng sử dụng và kinh doanh hiện tại, việc chuyển nhược toàn bộ dự án là khó khả thi, thậm chí không thực hiện được”.

Chính vì vậy, Bộ Xây dựng buộc phải cho phép HUD chuyển nhượng một phần dự án “trước nhu cầu của khách hàng cũng như áp lực thu hồi vốn đầu tư”.

Cùng chuyên mục
Tin khác