Tài chính quốc tế

Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc: Thêm một ‘ông lớn’ nguy cơ thanh lý tài sản

(VNF) - Tập đoàn bất động sản Shimao có trụ sở tại Thượng Hải ngày 8/4 cho biết họ đã nhận được đơn yêu cầu thanh lý từ Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), ghi nhận trường hợp hiếm hoi khi một ngân hàng quốc doanh thực hiện hành động pháp lý như vậy trong thời kỳ suy thoái bất động sản của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán của Shimao, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) đã đệ đơn kiện công ty này vào ngày 5/4 tại Hồng Kông. Đơn kiện “liên quan đến nghĩa vụ tài chính của công ty với số tiền khoảng 1.579,5 triệu đô la Hồng Kông (204 triệu USD)”, hồ sơ nêu rõ.

Shimao là tập đoàn bất động sản tiếp theo của Trung Quốc bị kiện vì không trả nợ đúng hạn.

Shimao cho biết họ sẽ "mạnh mẽ" phản đối vụ kiện và tiếp tục kế hoạch cơ cấu lại khoảng 11,7 tỷ USD khoản nợ nước ngoài, với mục tiêu cắt giảm 60%.

“Công ty cho rằng đơn khởi kiện không đại diện cho lợi ích tập thể của các chủ nợ ở nước ngoài và các bên liên quan khác của công ty”, văn bản của Shimao nêu rõ.

Các khoản vay bao gồm khoản vay trực tiếp từ Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và sự tham gia của ngân hàng vào các khoản vay hợp vốn.

Rắc rối nợ nần của Shimao bắt đầu từ tháng 7/2022, khi công ty này không trả được lãi và gốc của khoản trái phiếu trị giá 1 tỷ USD. Cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 14% tại Hồng Kông vào phiên đầu tuần, sau khi giảm gần 40% trong năm nay.

Nhà nghiên cứu Fern Wang của KT Capital, cho biết: “Thông thường các ngân hàng sẽ thích làm việc với các chủ nợ gặp khó khăn nếu họ sẵn sàng khả năng làm việc với các ngân hàng để đưa ra kế hoạch trả nợ. Trong tình hình này, rất có thể Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đang cạn kiệt lựa chọn và do đó đang tìm cách thanh lý Shimao”.

Cũng theo ông Wang, Shimao đã gặp phải sự phản đối của một số chủ nợ đối với đề xuất tái cơ cấu nợ ở nước ngoài, vì vậy Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc có thể muốn gây áp lực lên công ty và cổ đông kiểm soát để đưa ra các điều khoản tốt hơn.

Theo Reuters, Ngân hàng Deutsche cũng đang xem xét thực hiện các bước tương tự chống lại Shimao như CCB đã làm sau khi nhận thấy các điều khoản tái cơ cấu nợ trước đó của nhà phát triển bất động sản này là không thể chấp nhận được.

Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc

Lĩnh vực bất động sản khổng lồ của Trung Quốc rơi vào tình trạng khó khăn sau khi chính phủ hạn chế việc các chủ đầu tư vay quá mức vào năm 2020 trong nỗ lực hạ nhiệt bong bóng bất động sản. Kể từ đó, hàng chục nhà phát triển Trung Quốc đã vỡ nợ.

Kể từ đó, ngành này đã trở thành lực cản đối với nền kinh tế vốn đang phải vật lộn với sự phục hồi chậm chạp sau 3 năm phong tỏa vì đại dịch và một loạt trở ngại, từ tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục đến căng thẳng tài chính gia tăng tại chính quyền địa phương.

Vào tháng 1, Evergrande, nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới và là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài sản ở Trung Quốc, đã bị tòa án Hồng Kông ra lệnh thanh lý.

Động thái được đưa ra sau khi Evergrande và các chủ nợ nước ngoài không thống nhất được cách cơ cấu lại khoản nợ khổng lồ của công ty trong các cuộc đàm phán kéo dài 19 tháng.

Vẫn còn đó những câu hỏi về việc Evergrande sụp đổ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhà đầu tư, hàng nghìn công nhân và người mua nhà đang chờ nhận căn hộ của mình.

Country Garden, một nhà phát triển lớn khác đã vỡ nợ vào năm ngoái, đã nhận được đơn yêu cầu thanh lý vào tháng 2 từ một chủ nợ sau khi không trả được khoản vay.

Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn còn yếu nhưng mức giảm tính đến năm 2024 không còn mạnh như một năm trước đó.

Xem thêm >> Mỹ vượt xa Trung Quốc thành điểm đến đầu tư trọng tâm của Nhật Bản

Tin mới lên