Tiêu điểm

'Kinh doanh dựa trên công nghệ số đòi hỏi đổi mới tư duy, thể chế và phương thức quản lý'

(VNF) - Tối 23/1 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự và phát biểu tại buổi tiệc "ASEAN: Thịnh vượng trong biến chuyển dưới tác động của CMCN 4.0".

'Kinh doanh dựa trên công nghệ số đòi hỏi đổi mới tư duy, thể chế và phương thức quản lý'

Đây là sự kiện bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 48 (WEF Davos) tại Davos, Thụy Sĩ. VietnamFinance xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng trong sự kiện này.

"Thưa Quý vị và các bạn,

Để thích ứng và phát triển thịnh vượng trong một thế giới đang chuyển động nhanh dưới tác động của công nghệ mới, từng Chính phủ của ASEAN và doanh nghiệp các nước ASEAN cần phát huy tự cường, tìm các hướng đi và giải pháp mới, tạo dựng môi trường thuận lợi cho cái mới nảy nở và lan tỏa, khuyến khích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới sáng tạo. Biết phát hiện vấn đề và có một tầm nhìn khác biệt là vô cùng quan trọng để đưa các quốc gia tiến lên phía trước trong bối cảnh ngày nay. Tôi xin trao đổi một số vấn đề sau:

1. Tăng trưởng kinh tế ấn tượng của ASEAN trong 5 thập kỷ qua có phần tận dụng cơ hội thuận lợi của cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 3 với sự ra đời của Internet.

Là nền kinh tế đứng thứ 6 trên thế giới, có 260 triệu người dân thường xuyên tiếp cận Internet và dự báo sẽ tăng lên 480 triệu vào năm 2020, ASEAN có nền tảng thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới trong CMCN 4.0.

2. Thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. Đây chính là cơ hội cho phát triển bao trùm. Môi trường siêu kết nối cũng tạo nên cách mạng về giao dịch, thanh toán, tiếp vận logistics, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Thế giới hôm nay, với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo, phá hủy, đã loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, của hạ tầng cũ, của mô hình kinh doanh cũ. Trong CMCN 4.0, tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên những quốc gia đang phát triển như ASEAN, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển.

Hơn nữa, CMCN 4.0 là một cuộc cách mạng về phát hiện nhu cầu hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Các quốc gia đang phát triển như ASEAN với nhiều nhu cầu hơn, nhiều vấn đề hơn phải giải quyết lại là một lợi thế để tạo ra nhiều hơn sự phát triển.

3. CMCN 4.0 mở ra những cơ hội phát triển đầy hứa hẹn, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Tự động hóa sâu rộng, thay đổi mô hình kinh doanh gây ra xáo trộn, chuyển dịch, thay thế lao động quy mô lớn, nhất là trong các ngành thâm dụng lao động, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với giáo dục, đào tạo nghề ở nhiều nước ASEAN. 

Những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, thanh toán thông minh, taxi Uber, Grab... đòi hỏi sự đổi mới về tư duy, thể chế và phương thức quản lý của các Chính phủ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Thưa Quý vị và các bạn,

Việt Nam với thị trường trên 93 triệu dân, lợi thế dân số trẻ, chất lượng giáo dục ngày càng ưu việt, hiện có trên 55% dân số thường xuyên kết nối Internet và 130 triệu thuê bao di động, trong đó có 60 triệu kết nối mobile băng thông rộng, một nền kinh tế đang mở cửa, hội nhập sâu rộng, nằm trong một khu vực kinh tế phát triển năng động, hoàn toàn có thể cùng ASEAN phát triển thịnh vượng trong biến chuyển dưới tác động của CMCN 4.0.

Năm 2017, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất 10 năm qua với lạm phát thấp. Năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước; môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2016 và 30 bậc so với 2012, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 12 bậc lên vị trí 47/127 nền kinh tế; số lượng doanh nghiệp thành lập mới, thu hút FDI, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng kỷ lục…Việt Nam đang cùng cộng đồng ASEAN tự tin tạo nên dòng chuyển động mạnh mẽ hướng tới phát triển thịnh vượng và bao trùm.

Thưa Quý vị và các bạn,

Hơn 20 năm đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng và đang nỗ lực thực hiện Tầm nhìn 2025 về xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trên cương vị Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã cùng các thành viên APEC thông qua nhiều sáng kiến, tầm nhìn và hướng đi chiến lược về phát triển bao trùm, tăng cường liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại điện từ qua biên giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số...

Vào tháng 9/2018, Việt Nam sẽ cùng WEF tổ chức Hội nghị WEF- ASEAN. Tôi hoan nghênh và trân trọng mời các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế và Quý vị tham dự Hội nghị WEF-ASEAN 2018 để cùng chia sẻ các ý tưởng, tầm nhìn về phát triển và hội nhập của ASEAN trong bối cảnh mớỉ của CMCN 4.0.

Cuối cùng, xin chúc toàn thể Quý vị sức khỏe và thành công.

Xin cảm ơn!"

Tin mới lên