Tài chính quốc tế

Kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng thế nào bởi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine?

(VNF) - Việc Nga tấn công Ukraine và Mỹ liên tục áp các đòn trừng phạt nhắm vào kinh tế của Nga vì không chỉ đơn thuần làm tổn hại tới các lợi ích kinh tế của Nga, mà xét trên góc độ thực tế, cũng gây ra những tác động nhất định với chính nền kinh tế của Mỹ.

Kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng thế nào bởi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine?

Kinh tế Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.

Chi phí năng lượng cao hơn

Ngày 24/2, ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, giá dầu tại Mỹ đã tăng đột biến. Giá dầu Brent đạt đỉnh 105 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014.

Giá năng lượng cao hơn có thể ăn vào ngân sách của người tiêu dùng và gây thêm áp lực lên lạm phát vốn đã ở mức cao nhất trong 40 năm.

Theo Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng của EY-Parthenon, nếu giá dầu duy trì ở mức khoảng 100 USD/thùng, chi phí năng lượng cho các hộ gia đình Mỹ có thể tăng trung bình 750 USD trong năm nay so với năm ngoái, khiến họ còn ít tiền hơn để chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ khác.

Ông Daco cho biết những khoản chi phí tăng thêm đó cũng có thể là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế, đồng thời dự đoán rằng giá dầu cao hơn có thể làm tăng lạm phát 0,6 điểm phần trăm trong năm nay và làm chậm tăng trưởng kinh tế 0,4 điểm phần trăm.

Thương mại và chuỗi cung ứng

Cả Nga và Ukraine cộng lại chỉ chiếm dưới 1% xuất nhập khẩu của Mỹ, vì vậy sẽ không có tác động thương mại lớn đối với nền kinh tế từ cuộc xung đột. Hơn nữa, không giống như các đồng minh châu Âu, Mỹ là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới nên có thể hạn chế những tác động lớn tới giá cả và nguồn cung khí đốt.

Tuy nhiên, việc người tiêu dùng Mỹ đang căng thẳng trước sự gia tăng chóng mặt của chi phí sinh hoạt đối với mọi thứ, từ ô tô đến thực phẩm khi chuỗi cung ứng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cuộc tấn công hay bất kỳ sự leo thang nào nữa trong cuộc xung đột có thể khiến áp lực lạm phát gia tăng.

Ngoài ra, Nga và Ukraine cũng xuất khẩu hơn 1/4 lượng lúa mì của thế giới, và Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn. Mặc dù tác động trực tiếp của chi phí hàng hóa nông nghiệp cao hơn đối với giá tiêu dùng có xu hướng khá yếu, nhưng nó vẫn có thể cộng thêm từ 0,2 đến 0,4 điểm phần trăm vào lạm phát chính ở các nền kinh tế phát triển trong vài tháng tới, theo các nhà phân tích.

Theo nhà kinh tế Michael Strain của AEI, thương mại và đầu tư nước ngoài của Mỹ có thể bị tác động tiêu cực gián tiếp bởi bất kỳ biến động nào ở châu Âu.

Chứng khoán sụt giảm

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ giảm trong vài giờ sau khi Nga tấn công Ukraine, và mặc dù đã phục hồi sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố trừng phạt Nga, "nếu không có bất kỳ sự cải thiện ở Ukraine, các chỉ số này có thể xuống thấp hơn nữa”, nhà phân tích Jonas Goltermann của Capital Economics cho biết.

Bất kỳ sự sụt giảm nào cũng làm xói mòn - ít nhất là trên giấy tờ - một yếu tố chính của tài sản hộ gia đình Mỹ, có khả năng giáng một đòn mạnh vào niềm tin của người tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng.

Sau đợt lao dốc ban đầu khi bắt đầu đại dịch, cổ phiếu đã tăng gấp đôi giá trị, và việc nắm giữ trực tiếp cổ phiếu và quỹ tương hỗ đã tăng lên để chiếm tỷ trọng kỷ lục trong tài sản hộ gia đình. Điều đó có thể khiến các thước đo tâm lý người tiêu dùng - một số đã ở mức thấp nhất thập kỷ do lạm phát gay gắt - thậm chí còn thấp hơn và đe dọa triển vọng chi tiêu của người tiêu dùng.

Một số tác động khác

Nhà phân tích Carl Weinberg của Tổ chức High Frequency Economics dự đoán việc Nga tấn công Ukraine sẽ chuyển các nền kinh tế của châu Âu và có thể cả Mỹ sang một "vị thế thời chiến", dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa và áp lực tăng giá hơn nữa.

Ông cũng cảnh báo rằng Nga có thể cố gắng chống lại các lệnh trừng phạt bằng các cuộc tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng tài chính của Mỹ hoặc châu Âu.

Một nhà kinh tế của Northern Trust là Carl Tannenbaum cũng cho biết: "Một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Đông Âu có thể dẫn đến việc đánh giá lại triển vọng đối với chính sách tiền tệ, thúc đẩy sự không chắc chắn và làm gia tăng tâm lý lo ngại. Ở thời điểm hiện tại, rủi ro đang tăng và rất có thể các ngân hàng trung ương sẽ thắt chặt chính sách để đối phó với việc này".

Mặt khác, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mới đây đã báo hiệu rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ không làm thay đổi lộ trình tăng lãi suất dự kiến sắp tới.

Xem thêm >> 'Lạm phát cao là cái giá phải trả cho tăng trưởng'

 

Tin mới lên