Tài chính quốc tế

Kinh tế Nga vẫn kiên cường trước loạt lệnh trừng phạt, nhưng trong bao lâu?

(VNF) - Bất chấp nhiều lệnh cấm vận của các cường quốc phương Tây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, nền kinh tế Nga vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023 sau cuộc suy thoái năm 2022. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sự kiên cường này sẽ kéo dài trong bao lâu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tự tin rằng nền kinh tế Nga sẽ vẫn phát triển bất chấp loạt đòn trừng phạt của phương Tây.

Nga đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi kinh tế suy thoái năm 2022, vượt qua nhiều dự báo của chuyên gia. Rosstat, cơ quan thống kê quốc gia Nga, báo cáo tốc độ tăng trưởng 3,6% cho nền kinh tế Nga vào năm 2023 trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó ước tính chỉ khoảng 3%. Do đó, IMF đã  điều chỉnh  dự báo tăng trưởng năm 2024 của Nga lên 2,6%.

Ông Igor Delanoë, phó giám đốc Đài quan sát Pháp-Nga cho biết: “Thật thú vị khi lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng của Nga đã vượt qua cả những dự báo lạc quan nhất, bao gồm cả dự báo của các tổ chức của nước này”.

Lệnh trừng phạt không hiệu quả?

Trong những tuần gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục lên án các lệnh trừng phạt trên diện rộng của phương Tây và coi chúng là một "thất bại".

“Chúng ta tăng trưởng còn họ thì suy giảm”, ông Putin nói trong bài phát biểu hồi tháng 1 tại Moscow, đề cập đến các đồng minh của Ukraine.

Mặc dù hầu hết các nền kinh tế phương Tây không rơi vào tình trạng "suy thoái" như ông Putin tuyên bố, nhưng những số liệu mới nhất đánh giá mức tăng trưởng GDP của Nga tương đương với mức tăng trưởng của Mỹ, vốn cũng vượt kỳ vọng vào năm 2023. 

Đúng thời điểm tròn 2 năm Nga tiến hành chiến dịch quân sực đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Canada đã công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow, đánh dấu vòng trừng phạt thứ 13 được EU áp đặt kể từ tháng 2/2022.

Tuy nhiên, tính hiệu quả của các biện pháp này đã bị đặt dấu hỏi sau khi IMF công bố số liệu tăng trưởng toàn cầu vào tháng 1.

Trong khi Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng GDP 2,5% vào năm 2023 thì khu vực đồng euro có tốc độ tăng trưởng trung bình 0,5% do suy thoái kinh tế ở Đức, nền kinh tế lớn nhất khối.

"Tình hình kinh tế của các nước châu Âu không thể chỉ được phân tích dựa trên mối quan hệ của họ với Nga. Nhưng sự thật là quyết định cắt khí đốt của Nga đã ảnh hưởng nặng nề đến Đức, vì nước này phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng của Nga và điều này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế khu vực đồng euro", ông Delanoë giải thích.

Tuy nhiên, theo ông Julien Vercueil, chuyên gia kinh tế học và giảng viên tại INALCO (Viện quốc gia về ngôn ngữ và văn minh phương Đông), các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào hệ thống tài chính ngân hàng của Nga, lệnh cấm vận đối với linh kiện điện tử và giá trần đối với dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga thực sự đã có “tác động đáng kể” đến nền kinh tế Nga.

Giám đốc IMF Kristalina Georgieva  tháng trước cho  biết nền kinh tế Nga có thể đang phải đối mặt với một cú sốc. Bà nói: “Tôi thực sự nghĩ rằng nền kinh tế Nga đang ở trong thời kỳ rất khó khăn vì dòng người di cư ra nước ngoài, và do khả năng tiếp cận công nghệ giảm đi kèm theo các lệnh trừng phạt”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đứng đầu Cộng hòa Tatarstan, Rustam Minnikhanov, thăm Nhà máy Hàng không Kazan ở Kazan, thủ đô của Cộng hòa Tatarstan, ngày 21/2/2024. 

Lợi nhuận không đồng đều

Trong bài phát biểu thường niên trước lưỡng viện quốc hội vào cuối tháng 2, ông Putin đã tiết lộ tầm nhìn của mình đối với nước Nga trước cuộc bầu cử tổng thống. Ông đã công bố kế hoạch đầu tư khổng lồ kéo dài 6 năm, tập trung vào cơ sở hạ tầng, với các ưu tiên bao gồm giảm nhập khẩu và tăng tỷ lệ sinh thấp của đất nước.

Theo ông Vercueil, giống như tất cả các lệnh trừng phạt kinh tế trong suốt lịch sử, các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng đã dẫn đến chiến lược thích ứng cho các thực thể bị ảnh hưởng.

"Nhưng Nga bị ảnh hưởng bởi tác động tức thời của các lệnh trừng phạt nhiều hơn so với châu Âu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt vẫn chưa kết thúc", vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh thêm.

Còn theo ông ông Delanoë, nhìn chung, các con số tăng trưởng tất nhiên là làm hài lòng các nhà chức trách Nga, nhưng mức tăng trưởng được phân bổ rất không đồng đều. Các khu vực liên kết với tổ hợp công nghiệp quân sự đang ở vị trí đặc quyền.

"Điều này đúng với Moscow, Leningrad và các khu vực giáp Ukraine ở phía Tây Nam, một số trong đó đang có mức tăng trưởng hai con số. Các khu vực công nghiệp khác đang bị bỏ lại phía sau, chẳng hạn như Kaluga, nơi kế hoạch tiếp quản các nhà máy ô tô của Trung Quốc vẫn chưa có hiệu lực", ông Delanoë cho biết.

Một số lĩnh vực như công nghiệp ô tô đang rơi vào tình trạng bế tắc do bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm xuất khẩu linh kiện điện tử của phương Tây.

Nông nghiệp Nga cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động trầm trọng; vấn đề này đã lan rộng ở Nga và đã trở nên gay gắt hơn nhiều do ngày càng nhiều thanh niên tòng quân và hàng trăm nghìn người Nga di cư ra nước ngoài.

Theo Rosstat, những tác động này bao gồm lạm phát cao, ở mức 7,4% hàng năm trong tháng 1, so với 2,8% ở khu vực đồng euro.

Sự tăng giá này, đặc biệt đối với một số mặt hàng tiêu dùng chủ yếu như thịt bò và thịt gà, đã dẫn đến tình trạng thiếu trứng trong những tháng gần đây, giá trứng đã tăng 40% so với năm trước, buộc chính phủ phải hành động .

Xem thêm >> Khách hàng lớn hàng đầu bất ngờ 'quay lưng': Thế mạnh dầu Nga tổn thương

Tin mới lên