Tài chính quốc tế

Kinh tế Trung Quốc chững lại: Malaysia, Singapore và Thái Lan... hứng chịu nhiều hậu quả

(VNF) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng không nhỏ trước sự chững lại của kinh tế Trung Quốc.

Theo một cuộc khảo sát hàng quý do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản và Nikkei thực hiện, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của 4 quốc gia Đông Nam Á là Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc giảm cùng nhiều yếu tố khác.

Nền kinh tế của nhiều quốc gia ASEAN sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm nay.

Cụ thể, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay của 4 quốc gia ASEAN đã được điều chỉnh còn 3,9%, giảm xuống từ mức 4,2% trong cuộc khảo sát trước đó vào tháng 6. Đây cũng là lần điều chỉnh giảm thứ hai liên tiếp trong năm nay.

Tăng trưởng GDP dự kiến của Malaysia trong năm nay đã được điều chỉnh giảm xuống 4%, giảm 0,4 điểm so với cuộc khảo sát trước đó, do xuất khẩu của quốc gia này tiếp tục giảm. Một phần của sự suy giảm là do xuất khẩu chất bán dẫn suy yếu.

Ông Suhaimi Ilias thuộc Tập đoàn Ngân hàng Đầu tư Maybank, cho biết ông đã nâng mức dự báo vào tháng 5 sau khi Malaysia công bố GDP quý đầu tiên đầy triển vọng trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, ông ấy nói rằng sự kỳ vọng này đã trở nên "chua chát".

Ông Mohd Sedek Jantan của UOB Kay Hian Securities, cho biết: “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, chiếm khoảng 20% xuất khẩu và nhập khẩu của Malaysia. Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Malaysia, như đồ điện tử, dầu cọ và cao su giảm mạnh, kéo lùi doanh thu xuất khẩu của Malaysia”.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia.

Không riêng Malaysia, dự đoán về tăng trường GDP của Thái Lan trong năm nay cũng đã bị hạ 0,9 điểm, xuống 2,9%. Sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc được coi là rủi ro đáng kể nhất đối với quốc gia này.

Ông Lalita Thienprasiddhi thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, nhận định: “Vẫn còn rủi ro suy thoái do suy thoái kinh tế toàn cầu, vốn có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu và doanh thu du lịch của Thái Lan trong thời gian còn lại của năm nay”.

Singapore, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài cũng chứng kiến mức giảm về triển vọng tăng trưởng GDP năm 2023.

Theo đó, GDP của Singapore trong năm 2023 được dự báo sẽ giảm thêm 0,6% so với dự báo trước đó. Nguyên nhân của sự sụt giảm này vẫn là do ảnh hưởng của xuất khẩu. Ngành xuất khẩu, đặc biệt là chất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ khác của Singapore đã bắt đầu giảm từ năm ngoái và tiếp tục lao dốc trong năm nay. 

Xuất khẩu của Singapore giảm trong nhiều tháng.

Ông Manu Bhaskaran của Centennial Asia Advisors, cho biết: “Trong thời gian tới, tăng trưởng của nền kinh tế Singapore sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm tốc và sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc".

Sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ở 3 trong số 6 quốc gia Đông Nam Á được khảo sát là Malaysia, Singapore và Thái Lan. Những yếu tố ảnh hưởng khác là chính sách tiền tệ của Mỹ, lạm phát và giá hàng hóa tăng cao. 

Đi ngược lại xu hướng khu vực là Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản đã nâng triển vọng tăng trưởng GDP năm 2023 của Indonesia lên 5,1%, tăng từ mức 4,9% trong cuộc khảo sát trước đó, với lý do nhu cầu trong nước ổn định.

El Nino có thể gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế Indonesia.

Ông Dendi Ramdani của Bank Mandiri giải thích: “Nền kinh tế nội địa của Indonesia đủ kiên cường để chống lại những áp lực từ bên ngoài”.

Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này lại đang phải đối mặt với thách thức khác mang tên El Nino. Ông Josua Pardede của Ngân hàng Permata chỉ ra: “El Nino có thể ảnh hưởng đến lạm phát ở Indonesia vào năm 2024, vì nó ảnh hưởng đến nguồn cung gạo và các loại thực phẩm khác của Indonesia”.

Tin mới lên