Tài chính quốc tế

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc có kéo lùi các quốc gia Đông Nam Á?

(VNF) - Mặc dù bị ảnh hưởng bởi sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc nhưng các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có thể bù đắp thiệt hại bằng cách thu hút và mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Nikkei Asia, mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư của Trung Quốc đã đạt đến giới hạn và nó chính là nguồn cơn của những khó khăn mà quốc gia này đang phải chống đỡ.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng nợ của nền kinh tế Trung Quốc tương đương với 300% GDP. Các lỗ hổng tài chính xuất hiện ngày càng nhiều cùng với những rạn nứt trong mối quan hệ với các đối tác thương mại lớn như Mỹ và châu Âu đã phủ sương mờ lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có khả năng sẽ giảm xuống còn 3,5% vào cuối thập kỷ này.

Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chững lại và triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc dần xấu đi, các chuyên gia lại lần nữa đặt câu hỏi về tương lai của khối kinh tế ASEAN này.

Mối quan hệ thương mại song phương giữa ASEAN và Trung Quốc phát triển qua từng năm.

Trong nhiều năm qua, các quốc gia Đông Nam Á đã được hưởng lợi đáng kể từ giao dịch thương mại và mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Vào năm 2019, kim ngạch thương mại hàng hóa song phương giữa ASEAN và Trung Quốc đã vượt 500 tỷ USD.

Chi tiêu cho dịch vụ của người Trung Quốc ngày càng lớn cũng mang đến cơ hội tốt cho các nước láng giềng ở phía nam. Các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Singapore cùng nhiều nước Đông Nam Á khác đã và đang được hưởng lợi đáng kể từ lượng khách du lịch khổng lồ của Trung Quốc.

Làn sóng khách du lịch Trung Quốc không chỉ góp phần vào phát triển ngành du lịch, tăng trưởng GDP mà từ đó còn tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập của người dân của các nước này.

Tuy nhiên, theo Nikkei Asia, mối quan hệ thương mại song phương ngày càng mất cân bằng hơn, khi các quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoại trừ Indonesia, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các nền kinh tế lớn trong khối ASEAN hầu như không có quá nhiều biến động trong suốt thập kỷ qua. Điều này dấy lên lo ngại khi kinh tế Trung Quốc chững lại, liệu các quốc gia Đông Nam Á có suy yếu theo hay không?

Sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc phần nào ảnh hưởng đến ASEAN nhưng không cản được
đà tăng trưởng của khu vực này.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự suy yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không cản được đà tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á. Các quốc gia ASEAN đang sở hữu một lợi thế mới, đó là tiềm năng thu hút chuỗi cung ứng trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp cố gắng đa dạng hóa dây chuyền sản xuất bên ngoài thị trường Trung Quốc.

Điều này có thể góp phần bù đắp tác động tiêu cực từ sự chững lại của Trung Quốc. Chưa kể, các quốc gia Đông Nam Á cũng có thể xuất khẩu thêm nhiều hàng hóa ra phần còn lại của thế giới, từ đó giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thế nhưng để có thể tận dụng tối đa tiềm năng này, các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Các quốc gia Đông Nam Á trong nhiều năm qua đã phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về nguyên vật liệu trung gian cũng như nhận nhiều vốn FDI từ Trung Quốc. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể khiến các quốc gia Đông Nam Á bị “kẹt ở giữa”, đòi hỏi họ phải có những chính sách thương mại khéo léo.

Chưa kể, Đông Nam Á không phải là khu vực duy nhất đang nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng. Trên thực tế, khu vực này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nền kinh tế như Mexico và Ấn Độ, những quốc gia không hề thua kém Đông Nam Á về cơ sở hạ tầng cũng như lực lượng lao động và tiềm năng phát triển.

Tin mới lên