Tài chính quốc tế

Mỹ - Trung trong cuộc đua mới: Dốc lòng 'tán tỉnh' các quốc gia Đông Nam Á

(VNF) - Theo nhà kinh tế chính trị nổi tiếng Zheng Yongnian, người đã tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh, Trung Quốc cần phải củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước láng giềng Đông Nam Á trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Mỹ - Trung trong cuộc đua mới: Dốc lòng 'tán tỉnh' các quốc gia Đông Nam Á

ASEAN đang trở thành "miếng bánh ngọt" mà cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn có được.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khơi mào cuộc chiến thuế quan kể từ năm 2018 và bắt đầu “ăn miếng trả miếng” khi liên tục đưa ra các lệnh hạn chế trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực công nghệ.

Trong bối cảnh này, thị trường Đông Nam Á với hơn 600 triệu dân đã trở thành 'chiến trường' quan trọng mà cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn có để tăng sức ảnh hưởng trong khu vực và tạo ra quyền lực kinh tế vượt trội hơn so với quốc gia còn lại. “ASEAN đang sở hữu sức hút khó cưỡng, khiến Trung Quốc và Mỹ đều muốn giành lấy”, nhà kinh tế Zheng Yongnian nói.

Khối ASEAN gồm 10 thành viên là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - đã vượt qua Mỹ và Liên minh châu Âu để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.

ASEAN là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, trong đó có sự tham gia của cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Trung Quốc và khối ASEAN còn nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) phiên bản 3.0 với mục đích mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới nổi là kinh tế số và kinh tế xanh.

Trong khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đang tiến triển vượt bậc thì Mỹ cũng không chịu ngồi yên. Mỹ, nhà đầu tư lớn nhất ở khu vực ASEAN, cũng đang thúc đẩy hợp tác chặt chẽ và sâu rộng hơn với các quốc gia ASEAN thông qua sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Sáng kiến kinh tế này được Tổng thống Joe Biden đưa ra vào ngày 23/5 năm ngoái và được coi là chiến lược nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tập trung vào thương mại, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, nền kinh tế kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng, công nghệ, năng lượng sạch, thuế và chống tham nhũng.

Mỹ đang tăng cường đầu tư vào ASEAN.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, một cơ quan cố vấn được Bộ Ngoại giao Trung Quốc hậu thuẫn, cho biết: “ASEAN đang là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc nhưng cũng là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ”.

ASEAN hiện đang phát triển mối quan hệ với cả hai siêu cường và chọn giữ thái độ trung lập. Tuy nhiên, “nếu xảy ra xung đột thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á sẽ nghiêng về phía Mỹ”, ông Zheng Yongnian nhận định.

Ông kêu gọi Bắc Kinh nên bắt đầu bằng việc mở cửa biên giới với Lào và tận dụng tuyến đường sắt giữa hai nước một cách hiệu quả hơn. Từ đó, Trung Quốc có thể sử dụng câu chuyện lợi ích kinh tế của Lào như một hình mẫu để thu hút thêm nhiều nước Đông Nam Á khác.

Tin mới lên