Tài chính quốc tế

Kinh tế Trung Quốc khởi sắc, bất động sản vẫn 'thụt lùi'

(VNF) - Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm phục hồi sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, với sản lượng công nghiệp và đầu tư vượt kỳ vọng của thị trường, nhưng tình trạng suy thoái bất động sản đang diễn ra sẽ thách thức mục tiêu tăng trưởng hàng năm của Bắc Kinh.

Kinh tế Trung Quốc khởi sắc, bất động sản vẫn 'thụt lùi'

Kinh tế Trung Quốc có nhiều khởi sắc trong những tháng đầu năm.

Công nghiệp và bán lẻ phục hồi

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố ngày 18/3 cho thấy sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng 7% trong 2 tháng đầu năm, vượt kỳ vọng về mức tăng 5% do các chuyên gia kinh tế của Reuters đưa ra. Con số này được ghi nhận sau mức tăng trưởng 6,8% trong tháng 12/2023, đồng thời đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất trong gần 2 năm.

Doanh số bán lẻ tăng 5,5% trong cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với dự đoán 5,2% nhưng thấp hơn mức tăng trưởng 7,4% trong tháng 12. Trong đó, doanh số bán lẻ trực tuyến hàng hóa vật chất tăng 14,4% so với một năm trước trong 2 tháng đầu năm.

Đầu tư tài sản cố định tăng 4,2%, cao hơn mức 3,2% mà các nhà phân tích ước tính.

Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 2 ở các thành phố ở mức 5,3%.

NBS công bố dữ liệu kết hợp về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 1 và tháng 2, do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán làm gián đoạn về thời gian thu thập dữ liệu.

Ông Huang Zichun, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho rằng việc các số liệu tăng trưởng trong năm nay cho thấy công nghiệp và bán lẻ đang thực sự phục hồi, vì thời điểm đầu năm ngoái cũng là lúc nhu cầu tăng cao do Bắc Kinh mới mở cửa trở lại.

Louise Loo, nhà kinh tế Trung Quốc tại Oxford Economics, cho biết: “Dữ liệu hoạt động của Trung Quốc nhìn chung đã ổn định vào đầu năm”.

Bất động sản vẫn suy giảm

Trái với những khởi sắc trong lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc ghi nhận mức suy giảm tới 9% trong 2 tháng đầu năm, theo NBS. Đầu tư bất động sản đã giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Sự yếu kém của lĩnh vực này được thể hiện rõ bởi nhu cầu kém. Doanh số bán bất động sản theo diện tích sàn ghi nhận mức giảm 20,5% trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã thu hẹp so với mức giảm 23% trong tháng 12 năm ngoái.

Điểm sáng là đầu tư vào cơ sở hạ tầng tăng 6,3% trong khi đầu tư vào sản xuất tăng 9,4% trong cùng kỳ.

Theo phân tích của Goldman Sachs, giá bất động sản trung bình tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 4,5% trong tháng 2 so với tháng 1. Goldman Sachs cho biết con số này còn cao hơn mức giảm 3,5% so với tháng trước của giá bất động sản trong tháng 1.

Các nhà phân tích cho biết trong một báo cáo: “Công cụ theo dõi tần suất cao của chúng tôi cho thấy rằng khối lượng giao dịch mua nhà mới tại 30 thành phố đã giảm 53,2% so với cùng kỳ năm ngoái vào đầu tháng 3".

Cơ sở dữ liệu đầu tiên cho mục tiêu tăng trưởng

Những con số về công nghiệp và bán lẻ của Trung Quốc đánh dấu sự khởi đầu vững chắc cho năm 2024 và mang lại niềm tin cho các nhà hoạch định chính sách cũng như nhà đầu tư, ngay cả khi sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản vẫn là lực cản đối với nền kinh tế.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý: “Chúng tôi tin rằng đà tăng trưởng của Trung Quốc vẫn vững chắc trong quý I, bất chấp sự khác biệt đáng chú ý giữa các lĩnh vực”.

“Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng “khoảng 5%” trong năm nay, vẫn cần phải nới lỏng chính sách nhiều hơn, đặc biệt là về phía cầu (ví dụ: tài chính, nhà ở và tiêu dùng)”, phía Goldman Sachs nhận định.

Bất chấp kết quả lạc quan, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Liu Aihua cảnh báo rằng nhu cầu trong nước vẫn chưa đủ để kích thích kinh tế. Các khoản vay mới trong tháng 2 không đạt kỳ vọng và giảm so với tháng trước, dữ liệu kinh tế cho thấy.

Năm nay, số lượng chuyến du lịch nội địa Trung Quốc và doanh thu trong kỳ nghỉ lễ đã tăng so với năm ngoái cũng như số liệu trước đại dịch từ năm 2019. Tuy nhiên, Nhà kinh tế trưởng Trung Quốc Ting Lu của Nomura chỉ ra rằng “chi tiêu du lịch trung bình cho mỗi chuyến đi vẫn thấp hơn 9,5% mức trước đại dịch năm 2019”.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết: “Sự yếu kém dai dẳng trong các giao dịch bất động sản và tâm lý tiêu dùng thấp có thể tiếp tục đè nặng lên việc vay mượn của các hộ gia đình. Cần nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa".

Người phát ngôn của NBS Liu Aihua cho biết: “Nhìn chung, từ tháng 1 đến tháng 2, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi với nhiều chính sách vĩ mô khác nhau có hiệu lực. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ thấy sự phức tạp, mức độ nghiêm trọng và sự không chắc chắn ngày càng tăng bên ngoài, cùng với nhu cầu trong nước không đủ và vẫn cần phải củng cố nền tảng để phục hồi kinh tế bền vững”.

Xem thêm >> BĐS Trung Quốc qua cơn khủng hoảng: Những tương đồng và khác biệt với Việt Nam

Tin mới lên