Kỷ lục lịch sử của Đạm Cà Mau: Hưởng lợi tăng giá, thu về 15.000 tỷ đồng

Duy Phan - 24/12/2022 00:12 (GMT+7)

(VNF) - Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HoSE: DCM), tổng doanh thu năm 2022 của công ty ước đạt hơn 15.000 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu cao nhất được ghi nhận kể từ khi doanh nghiệp đi vào hoạt động.

VNF
Doanh thu năm 2022 của Đạm Cà Mau (DCM) ước đạt 15.000 tỷ đồng, cao nhất lịch sử hoạt động.

Trong năm 2022, sản lượng sản xuất urê quy đổi ước đạt 914,38 nghìn tấn; sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 820,57 nghìn tấn. Nhà máy Đạm Cà Mau cán mốc sản lượng 9 triệu tấn ure.

Trước đó, Đạm Cà Mau công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 3.307 tỷ đồng, tăng 82,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đạm Cà Mau cho biết sản lượng tiêu thụ các sản phẩm trong quý III tăng hơn 30% so với cùng kỳ kết hợp giá bán phân bón tiếp tục neo cao. Bên cạnh đó, các chi phí sản xuất, bán hàng đều gia tăng so với cùng kỳ do biến động giá nguyên vật liệu đầu vào. Song nhờ sản lượng tiêu thụ tăng, giá bán thuận lợi giúp công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III tăng 95% lên 731 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 728 tỷ, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau đạt 11.466 tỷ đồng doanh thu thuần, 3.272 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 90% và 298% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty giải thích nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận quý III tăng cao là vì sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm trong quý này tăng hơn so với cùng kỳ, kết hợp giá bản phân bón tiếp tục neo cao. Trong đó, doanh thu bán ure chiếm tỷ trọng lớn nhất với 78%, đạt 9.252 tỷ đồng. Riêng doanh thu xuất khẩu ure quý III gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái lên 4.255 tỷ đồng

Năm 2022, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng. Kết thúc quý III, doanh nghiệp đã vượt 27% kế hoạch doanh thu và gấp 6,3 lần mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Về tình hình tài chính, tại ngày 30/9, quy mô tài sản của doanh nghiệp là 13.436 tỷ đồng, tăng 21,5% so với đầu năm. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trên cơ cấu tài sản là khoản tiền, tiền gửi có kỳ hạn với 7.664 tỷ đồng, tăng 2.874 tỷ đồng so với ngày 1/1.

Cùng chuyên mục
Tin khác