Tài chính quốc tế

Lãnh đạo châu Âu lo ngại 'phụ thuộc thái quá' vào Trung Quốc

(VNF) - Châu Âu sẽ hợp tác với Trung Quốc nhưng cần “tái cân bằng” mối quan hệ để tránh trở nên phụ thuộc thái quá vào nước này trong các lĩnh vực như công nghệ mới, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết hôm 15/11.

Lãnh đạo châu Âu lo ngại 'phụ thuộc thái quá' vào Trung Quốc

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel.

Châu Âu sẽ hợp tác với Trung Quốc bất chấp những khác biệt giữa hai bên, vì "điều quan trọng là phải lắng nghe nhau, để thấu hiểu tốt hơn", ông Michel nói trong một cuộc họp báo trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 tại Bali, Indonesia.

Tuy nhiên, cũng theo ông Michel, châu Âu phải tránh mắc phải "những sai lầm tương tự" khi phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

“Với Trung Quốc, chúng tôi không muốn quá phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến, lĩnh vực mà chúng tôi cần hiện nay và sẽ còn cần nhiều hơn nữa trong tương lai. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải cân bằng lại mối quan hệ", theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu.

Nói về cuộc gặp 1 ngày trước đó của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Michel cho biết đây là một buổi gặp gỡ “tích cực” theo hướng có cạnh tranh nhưng không tạo ra xung đột.

Trong một diễn biến liên quan, cuối tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế và Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cho biết nền kinh tế hàng đầu EU sẵn sàng tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhưng sẽ cần phải thận trọng về bất kỳ khoản đầu tư nào.

“Chúng tôi là một thị trường mở. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi là một thị trường ngờ nghệch, vì vậy chúng tôi phải cẩn thận”, ông Habeck phóng viên của CNBC cuối tuần trước tại Singapore.

“Không có gì sai trái” khi các công ty Trung Quốc đầu tư vào Đức và ngược lại, nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy rằng “những người tưởng chừng là một đối tác đáng tin cậy lại có thể sớm trở thành một đối tác đang chiếm đoạt bạn”, bộ trưởng kinh tế Đức nói với CNBC, ám chỉ việc phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Moscow cuối cùng đã khiến EU phải chịu “đòn đau” kinh tế.

Bình luận của ông Habeck được đưa ra sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz thực hiện chuyến đi gây tranh cãi tới Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào đầu tháng 11. Ông là nhà lãnh đạo G-7 đầu tiên đến Trung Quốc kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.

Ông Habeck cũng tiết lộ rằng Đức sẽ thận trọng khi tiếp nhận nguồn đầu tư nước ngoài vào những ngành như dịch vụ y tế, bán dẫn, viễn thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng quan trọng của Berlin.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh của nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) đã khai mạc tại Bali (Indonesia) ngày 15/11, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng gặp mặt Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để đẩy mạnh hợp tác thương mại với quốc gia châu Âu này.

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc và Pháp dự kiến sẽ đi sâu hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng không cũng như năng lượng hạt nhân dân dụng.

Xem thêm >> EU thừa nhận Trung Quốc là đối tác kinh tế chủ chốt

Tin mới lên