Thị trường

Lãnh đạo Vingroup, Sun Group hiến kế kích cầu du lịch nội địa

Lãnh đạo 2 tập đoàn lớn cho rằng kích cầu du lịch nội địa lúc này có ý nghĩa quan trọng, vì đây là thời điểm vàng để du khách lựa chọn du lịch trong nước.

Lãnh đạo Vingroup, Sun Group hiến kế kích cầu du lịch nội địa

Các doanh nghiệp du lịch cho rằng kích cầu du lịch nội địa hiện tại mang ý nghĩa quan trọng với ngành.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” để khuyến khích người dân du lịch trong nước, nhằm kích cầu ngành du lịch nội địa trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp trên thế giới.

Zing đã trao đổi với lãnh đạo 2 tập đoàn có nhiều khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, khách sạn… hàng đầu hiện nay là Vingroup và Sun Group để lắng nghe hiến kế, kiến nghị kích cầu du lịch nội địa, đó là ông Đặng Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinpearl (Vingroup) và bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Sun Group.

Du khách Việt đang trong thời điểm vàng để du lịch

Ông Đăng Thanh Thủy đánh giá cao việc Chính phủ quan tâm phục hồi du lịch, coi du lịch là trọng điểm của chương trình “Người Việt dùng hàng Việt”.

Ông cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ quảng bá mạnh mẽ về các “dịch vụ du lịch tiêu chuẩn”, đảm bảo được “3 lớp an toàn - chất lượng vượt trội” để du khách an tâm khám phá Việt Nam.

"Trong bối cảnh này, những hỗ trợ như vậy là vô cùng thiết thực, sẽ tiếp sức hiệu quả không chỉ cho ngành du lịch mà còn cho cả nền kinh tế tiêu dùng", vị này chia sẻ.

Nói về thị trường du lịch hiện tại, ông Đặng Thanh Thủy đánh giá các doanh nghiệp du lịch hiện nay đều đang đẩy mạnh các gói khuyến mãi với ưu đãi lớn, chất lượng dịch vụ tốt, thời hạn áp dụng kéo dài để thu hút khách trong nước.

Do đó, ông cho rằng du khách Việt đang trong thời điểm vàng để du lịch bởi có rất nhiều lựa chọn, và có cơ hội hiếm có để được đi du lịch phù hợp với mong muốn của mình với chi phí hợp lý nhất.

Về riêng Vinpearl, ông Thủy thông tin doanh nghiệp đã tung ra nhiều chương trình kích cầu lớn để kích cầu nội địa. Chỉ trong 2 tuần, Vinpearl đón nhận hơn 20 triệu lượt khách hàng tiếp cận dịch vụ, tạo chuyển động tích cực cho thị trường.

Đưa khu nghỉ dưỡng vận hành lại không hề đơn giản

Trong khi đó, bà Bùi Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Sun Group, cho rằng du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi các doanh nghiệp cùng hợp tác với nhau để tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng.

"Tôi nghĩ rằng chỉ có tăng chất lượng và hạ giá cả thì mới có khả năng thu hút số đông du khách trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt hầu bao hơn", bà chia sẻ.

Bà cũng nhấn mạnh những chương trình kích cầu sớm và có sức hấp dẫn sẽ giúp hâm nóng thị trường du lịch nội địa, từng bước phá băng thị trường du lịch Việt Nam vốn bị tê liệt trong thời gian qua, từ đó tạo công ăn việc làm cho nhân sự ngành du lịch.

Khi được hỏi các doanh nghiệp gặp khó khăn gì để đưa các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng trở lại như trước kia, trong bối cảnh số lượng du khách còn hạn chế, bà Thanh Hương cho rằng đó là một thử thách lớn.

CEO Sun Group chia sẻ nếu như trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất tại Việt Nam, ưu tiên lớn nhất của doanh nghiệp là làm sao để tồn tại, vượt qua “cơn bão” thì điều cần làm ngay lúc này là làm sao để hoạt động bình thường trở lại.

Việc đưa một doanh nghiệp du lịch hay các khách sạn, khu du lịch trở lại hoạt động bình thường tưởng như là điều đơn giản, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì thực sự cần một nỗ lực và quyết tâm lớn. Bởi vận hành một bộ máy cần rất nhiều chi phí, trong khi lượng khách nội địa hiện nay vẫn chưa đông, khách quốc tế gần như vắng bóng, thu không đủ bù chi.

Tuy nhiên, bà Hương nhấn mạnh nếu doanh nghiệp không hành động ngay lúc này, thị trường du lịch nội địa sẽ khó nhanh chóng phục hồi trong khi thị trường outbound (khách Việt Nam đi du lịch quốc tế), inbound (khách quốc tế đến Việt Nam) lại chưa thể dự đoán được thời điểm hồi phục, khi diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn khá phức tạp.

Mời KOLs quảng bá hình ảnh Việt Nam

Để tạo nên sức bật đột phá cho thị trường du lịch nội địa, CEO Sun Group đưa ra một số đề xuất. Bà mong muốn đẩy mạnh việc quảng bá điểm đến trong nước nhằm khuyến khích, kêu gọi người dân ủng hộ, đi du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, ở thời điểm hiện nay, toàn ngành du lịch cần phát động triển khai mạnh mẽ chương trình chào đón du khách trở lại với những ưu đãi đặc biệt để kích thích chi tiêu trong vòng 2 tháng. Tất cả du khách mỗi khi check-in các điểm đến đều nhận được tin nhắn chào mừng, gói ưu đãi hấp dẫn đến từ các đại lý du lịch, cửa hàng ăn uống, mua sắm, tất cả các phương tiện giao thông công cộng, các hãng taxi...

Việc triển khai cần áp dụng mạnh mẽ và trên quy mô cả nước, với tất cả các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch, bao gồm: Lữ hành, vận tải, lưu trú, mua sắm…. để tạo nên chuỗi sản phẩm có chất lượng tốt nhất và mức giá rẻ nhất để kích thích tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ngành du lịch, các địa phương, điểm đến và doanh nghiệp cần phối hợp tổ chức các chuyến FAM Trip, Presstrip quốc tế quy mô lớn, mời các KOLs, nhà báo du lịch trải nghiệm các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn để từ đó lan tỏa hình ảnh đẹp của du lịch Việt Nam đến du khách.

Các điểm đến, khu du lịch cũng cần tích cực triển khai các sự kiện vui chơi, giải trí, lễ hội quy mô lớn để thu hút sự quan tâm của du khách…

Về lâu dài, khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên thế giới, bà Hương kỳ vọng ngành du lịch sẽ lập tức triển khai chương trình quảng bá “Việt Nam - Điểm đến an toàn” như đã lên kế hoạch trước đó. Đây là bước khởi đầu quan trọng để du khách quốc tế ý thức được có một Việt Nam hấp dẫn, an toàn, thân thiện đang chào đón họ trở lại.

Ông Đặng Thanh Thủy thì nhắc đến việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020 về việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, trong đó có đối tượng là du lịch, dịch vụ lưu trú. Tuy nhiên, những thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra cho lĩnh vực này quá lớn, trong khi các điểm du lịch vừa được mở cửa lại, các đường bay quốc tế thì chưa biết bao giờ mới hoạt động lại được.

Việc hồi phục có thể phải tính bằng hàng năm, do đó, ông Thủy cho rằng các doanh nghiệp trong ngành du lịch đều mong muốn được Chính phủ xem xét giãn thời gian nộp thuế lên ít nhất 1 năm thay vì 5 tháng.

"Điều này rất có ý nghĩa với doanh nghiệp du lịch lữ hành để trụ vững trong giai đoạn khó khăn trước mắt và sớm hồi phục trong tương lai.", ông Thủy nói.

Tin mới lên