Livestream bán hàng:Quyền Leo thu 100 tỷ, Võ Hà Linh khiến TikTok Shop ‘sập’
Livestream bán hàng trên TikTok Shop tiếp tục bùng nổ khi kênh Quyền Leo đạt doanh thu 100 tỷ trong 1 phiên, Võ Hà Linh chưa kịp giới thiệu đã “cháy hàng”, khiến TikTok Shop sập.
Nhiều kỷ lục được thiết lập
TikTok Shop bắt đầu ra mắt thị trường Việt từ giữa năm 2022 và cũng là sàn thương mại điện tử đầu tiên có hình thức bán hàng qua livestream ở Việt Nam.
Những phiên livestream được dẫn bởi người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tạo ra hiệu ứng thu hút hàng chục vạn mắt xem. Các kỷ lục liên tục bị xô đổ khiến mạng xã hội không khỏi xôn xao, thậm chí nhiều người còn sốc khi thấy doanh thu khủng.
Mới đây, kênh TikTok Quyền Leo Daily đã có phiên livestream kéo dài 17 tiếng đồng hồ, đạt doanh thu "chấn động" 100 tỷ đồng.
Trong phiên lives có hơn 100 mặt hàng đến từ nhiều ngành hàng như đồ gia dụng, đồ điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm... Sản phẩm có mức giá bán "rẻ chưa từng có", nhiều "deal hời”... được đưa ra liên tiếp để thu hút khách mua hàng.
Nhờ đó, mắt xem xuyên suốt phiên livestream trên kênh Quyền Leo Daily duy trì trung bình ở mức 30.000 mắt xem cùng lúc, cao điểm ghi nhận tới hơn 60.000 mắt xem. Các sản phẩm đưa ra nhanh chóng “cháy hàng”.
Với con số 100 tỷ đồng doanh thu, Quyền Leo Daily đã tự phá kỷ lục phiên livestream bán hàng 75 tỷ đồng của kênh mình được thiết lập ngày 4/3 vừa qua.
Giữa tháng 5 này, “chiến thần” livestream Võ Hà Linh cũng có phiên lives bán hàng bùng nổ. Các sản phẩm trên livestream được giảm giá từ 30-70%, deal sốc kèm voucher freeship, giảm giá khi mua combo cùng nhiều quà tặng… Ngay khi bắt đầu livestream bán hàng, mắt xem đã vọt lên con số 150.000, sau đó duy trì ở mức 110.000–130.000 mắt xem cùng thời điểm.
Với lượng mắt xem khủng, nhiều sản phẩm trong phiên lives “cháy hàng” dù chủ kênh TikTok này chưa kịp giới thiệu và cũng dẫn đến sự cố lỗi giỏ hàng. Đáng nói, chỉ sau 1 tiếng 45 phút livestream, Võ Hà Linh đã đạt 85% doanh thu cam kết với các nhãn hàng nên phiên lives có thể kết thúc sớm hơn so với dự kiến.
Trên kênh TikTok của mình, Võ Hà Linh cho biết, cô không công bố doanh thu của phiên lives với lý do “nhạy cảm”. Song nhiều người dự đoán phiên lives này doanh thu có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.
Trước đó, Võ Hà Linh đã có phiên lives lập kỷ lục khi có tới 58.000 người mua hàng cùng lúc, đạt doanh thu 1,5 triệu USD, đồng thời khiến TikTok Shop Đông Nam Á "sập".
Doanh nghiệp và TikTok Shop chấp nhận “cắt máu” để bán hàng
Trao đổi với PV.VietNamNet về những phiên livestream với các con số khủng vừa qua, ông Hạ Hồng Việt - Founder & CEO Công ty Cổ phần Truyền thông & Chiến lược Sellator - thốt lên: “Doanh thu đáng mơ ước”. Bởi với con số 100 tỷ đồng hay hàng chục tỷ mà các phiên lives đạt được có thể là doanh thu của vài doanh nghiệp cộng lại trong 1 năm.
Để đạt được những con số “chấn động” này, ông Việt cho rằng cần có nhiều yếu tố. Cụ thể, người livestream bán hàng là ai, kênh TikTok có độ ảnh hưởng ra sao; sản phẩm gồm những gì, mức giá giảm như thế nào; sự ủng hộ của người theo dõi kênh, của fan với người nổi tiếng; các phiên lives cố định cùng những đợt giảm giá sâu khiến nhiều người để dành tiền từ trước và chờ canh mua…
Ngoài ra, tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ) cũng khiến người xem quyết định chốt mua ngay trên livestream. Thực tế, trong các phiên lives, rất nhiều nhãn hàng đã cam kết đưa ra những "deal" độc quyền, giá sốc. Chưa kể, còn có sự hỗ trợ từ nền tảng TikTok Shop cho các chủ kênh trong các phiên lives với những voucher giảm giá.
Từ những yếu tố trên, đặc biệt là chính sách “cắt máu” của doanh nghiệp và nền tảng TikTok đã tạo ra những phiên lives có doanh thu kỷ lục, lượt người xem và chốt đơn khủng, ông Việt nhấn mạnh.
Ở phiên lives ngày 15/5, Võ Hà Linh thừa nhận, giá trên phiên livestream rẻ là nhờ sự hỗ trợ từ TikTok Shop và các nhãn hàng. Vợ chồng Quyền Leo Daily cũng tuyên bố TikTok Shop đã tài trợ cho họ 1 triệu USD tiền voucher (khoảng 26 tỷ đồng), cùng với đó là "cú chơi lớn" freeship toàn bộ đơn hàng trong phiên lives có doanh thu đạt 100 tỷ đồng.
Về tỷ lệ hoàn, huỷ đơn hàng sau các phiên lives, ông Việt cho biết tuỳ vào sản phẩm. Doanh nghiệp của ông từng có sản phẩm bán trong phiên livestream, tỷ lệ hoàn, huỷ đơn sau đó chỉ chiếm 10-15%. Song, một số doanh nghiệp bị tỷ lệ hoàn, huỷ đơn lên tới 80%.
“Tỷ lệ hoàn, huỷ đơn do yếu tố đến từ sản phẩm, độ trung thành của fan các kênh”, ông Việt nói. Bởi, khi xem livestream, đa phần mọi người có tâm lý thấy giá rẻ liền chốt mua ngay. Sau đó, có thời gian sẽ so sánh giá cả của sản phẩm bán trên các sàn thương mại khác, không “ưng ý” sẽ huỷ đơn hàng.
Thực tế, doanh nghiệp chịu chi lượng tiền khủng để giảm giá sâu các sản phẩm, thậm chí bán lỗ trong phiên livestream của các kênh TikTok hợp tác vì họ muốn quảng bá thương hiệu.
Đồng thời, qua các phiên lives, doanh số bán hàng của doanh nghiệp có thể lọt top các sản phẩm bán chạy nhất trên TikTok Shop. Lúc đó, sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được xuất hiện ở những vị trí ưu tiên, dễ tiếp cận khách hàng trên nền tảng thương mại điện tử này.
“Có thể hiểu nôm na là doanh nghiệp chấp nhận bán hàng chịu lỗ ở phiên lives nhưng lãi về hiệu quả truyền thông và doanh thu bán hàng sau đó trên sàn”, ông Việt nhấn mạnh. Đây cũng là một trong những lý do hàng bán trên các phiên livestream thường có giá rất rẻ, thậm chí siêu rẻ và hút rất nhiều người mua.
Phiên livestream chốt đơn 75 tỷ 'chấn động': Vì sao chưa tiết lộ tỷ lệ hủy đơn?Chỉ sau 13 tiếng livestream bán hàng, chủ kênh TikTok Quyền Leo Daily thông báo doanh thu đạt hơn 75 tỷ đồng khiến cộng đồng mạng xôn xao, cùng không ít hồ nghi. Bởi, con số này ngang ngửa doanh thu một hệ thống siêu thị có gần 4.000 cửa hàng.
Một phiên livestream bán hàng trăm tỷ: Phải nộp thuế bao nhiêu?
Biệt thự, nhà phố ồ ạt biến thành kho hàng livestream
Không học cách livestream bán hàng, DN nguy cơ bị đào thải
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.