Tiêu điểm

Lo bị mất việc và giảm lương, lấy đâu tiền mua sắm Tết

(VNF) - Số liệu kinh doanh 9 tháng đầu năm cộng với các kết quả nghiên cứu, khảo sát từ thị trường tiêu dùng của các công ty tư vấn đang khiến các nhà sản xuất, kinh doanh lo lắng, bởi người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu mạnh hơn.

Lo bị mất việc và giảm lương, lấy đâu tiền mua sắm Tết

Ảnh minh hoạ

Người tiêu dùng sẽ càng xiết chặt chi tiêu

Tại hội thảo “Biến động thị trường và cơ hội kinh doanh mùa cuối năm”, do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức tại TP. HCM, chuyên gia của Kantar Việt Nam nêu vấn đề: lo lắng về thu nhập, chi phí và việc làm ổn định gia tăng. Ba điều này ảnh hưởng đến mức độ chi tiêu của người tiêu dùng. Sự khó khăn này bắt đầu từ khoảng nửa cuối năm 2022 và kéo dài cho tới thời điểm hiện nay.

Theo đó, người tiêu dùng đang tìm cách cắt giảm chi tiêu, hoặc tìm một phương án chi tiêu tối ưu nhất có thể để có thể vẫn đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng của gia đình. Thực tế, khảo sát của Kantar Việt Nam cho thấy, có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch chỉ 21%), điều này tạo ra biến động trong xu hướng tiêu dùng, nhất là giai đoạn cuối năm. Hiện gần một nửa số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí.

Dự báo tình hình mua sắm, sức mua trong mùa cao điểm Tết 2024 này, chuyên gia Kantar Việt Nam nhận định, người tiêu dùng sẽ không chi tiền ào ạt giống như những mùa Tết trước đây, mà sẽ chi tiêu một cách cầm chừng, mua từ từ, thiếu thì mua thêm chứ không mua nhiều. Họ cân nhắc, mua sản phẩm nào cũng vừa phải.

Nghiên cứu của Kantar cũng chỉ ra 40% ngành hàng trong nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) không thể giữ chân người tiêu dùng. Không chỉ ngành hàng nhỏ mà ngay cả những ngành hàng lớn cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này. 49% người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ tham khảo nhiều cửa hàng khác nhau để tìm kiếm chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đồng thời so sánh giá sản phẩm giữa các nhà bán lẻ để tìm sản phẩm có giá tốt nhất.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, cho biết thị trường có nhiều yếu tố bất định, xen lẫn tích cực và tiêu cực. Yếu tố quan trọng nhất hiện nay vẫn là chất lượng sản phẩm, thứ hai là chú ý tới hệ thống phân phối tiện lợi cho khách hàng. Ngoài ra, một yếu tố tuy thầm lặng nhưng đang là xu hướng, đó là sản phẩm xanh, thân thiện môi trường được người tiêu dùng ưu tiên trong mùa Tết này.

Nhận định về xu hướng mua sắm mùa Tết Nguyên đán 2024, các chuyên gia cho rằng, những sản phẩm thiết thực, thiết yếu sẽ chiếm lĩnh thị trường. Người tiêu dùng sẽ xem xét, cân nhắc lại mức độ quan trọng của hàng hóa và dịch vụ đối với gia đình, có xu hướng ưu tiên những sản phẩm mang lại giá trị trong cuộc sống hàng ngày.

Ứng phó với sức mua giảm

Áp lực chi tiêu đang trở thành bài toán khó với nhiều gia đình, vốn đang có thu nhập khá ổn định. Bà Nguyễn Thị Liên, ngụ tại quận 5 TP. HCM, kể: “Trước đây lương của chồng tôi (nhân viên phòng truyền thông tại công ty bất động sản) luôn trên 22 triệu đồng mỗi tháng, lương nhân viên phòng kế toán công ty xuất khẩu của tôi cũng 18 triệu đồng/tháng. Nhưng từ đầu năm đến nay, chồng tôi bị giảm lương 10%, lên 20%, và đỉnh điểm giảm lương 40%. Lương bản thân tôi giảm 20%”.

Khó khăn mà gia đình bà Liên đang phải “gồng” là thu nhập đầu vào bị giảm, nhưng giá cả các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như: xăng, ga, điện, nước, thực phẩm… đều tăng. Do đó, gia đình bà đã đi từ cắt giảm bớt chi phí ăn ngoài vào cuối tuần, giảm chi phí mua sắm mỹ phẩm vào lúc ban đầu, tiếp tới việc cắt giảm các chi phí cơ bản, chẳng hạn như mua thực phẩm thì ưu tiên chọn hàng khuyến mãi, mua hàng chăm sóc cá nhân thì chọn các nhãn hiệu giá trung bình nội địa…

“Nhưng vợ chồng tôi vẫn lo, không biết có bị mất việc không”, bà Liên chia sẻ. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lao động bị mất việc trong quý III/2023 là 118.400 người, trong đó, tập trung chủ yếu ở Bình Dương là 33.600 người và TP. HCM là 34.600 người, do các địa phương này có nhiều lao động thuộc ngành dệt may và da giày.

Thống kê từ Liên hiệp Hợp tác xã TP. HCM (Saigon Co.op) cho thấy, sức mua trong 9 tháng năm 2023 suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, Saigon Co.op dự kiến chỉ tăng khoảng 20% - 30% lượng hàng phục vụ Tết (so với Tết 2023, mức tăng này là 30% - 50%).

Các hệ thống siêu thị khác như Go!, BigC, Tops market (trực thuộc Tập đoàn Central Retail), MM Mega Market, Satra… cũng tấp nập các đơn hàng lớn, chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, thông tin rằng cách nay vài tháng, các siêu thị đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng phục vụ Tết. Phần lớn nguồn hàng nông sản, tiêu dùng thiết yếu xuất xứ trong nước, trải dài từ Bắc vào Nam… Một số siêu thị cũng cho biết, có doanh nghiệp cung ứng đề nghị tăng giá bán, nhưng không nhiều và các bên đang làm việc nhằm thống nhất mức giá tốt nhất.

Tương tự, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt ghi nhận sức tiêu thụ trứng toàn thị trường trong 10 tháng qua giảm khoảng 50% so với năm ngoái. Năm nay công ty đã chuẩn bị khoảng 2 triệu quả trứng gia cầm/ngày từ ngày 23 tháng Chạp trở đi, cố gắng giữ giá ổn định từ nay đến Tết Nguyên đán.

Tại Công ty C.P, từ đầu năm đến nay sức mua các mặt hàng thịt lợn giảm 3%-5% so với cùng kỳ. Đơn vị này dự báo sức mua mùa Tết chỉ tăng nhẹ 4%-8% so với cùng kỳ chứ không sôi động. Với tình hình sức mua như vậy, nguồn hàng chuẩn bị phục vụ Tết của công ty năm nay cũng bằng so với năm ngoái.

Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam dự báo thời điểm cuối năm sức tiêu thụ các sản phẩm mì gói, miến… sẽ tăng. Do đó, công ty chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ Tết tăng khoảng 20% so với ngày thường.

Tại Công ty Vissan, ngân sách đầu tư và lượng hàng hóa cho mùa Tết năm nay tương đương năm ngoái. Số lượng hàng hóa chuẩn bị khoảng 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, phần lớn là thịt lợn; 4.200 tấn thực phẩm chế biến sẵn. Nguồn ngân sách dự trù của đơn vị khoảng 700 tỷ đồng.

Hiện nay, kinh tế có tăng trưởng nhưng người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập, đời sống nhiều gia đình vẫn khó khăn. Đáng chú ý là tâm trạng chung của đa số hộ gia đình là chi tiêu dè sẻn hơn. Ngay cả các hộ gia đình dù không bị giảm thu nhập cũng cắt giảm chi tiêu. Điều này ảnh hưởng lớn đến xu hướng, thói quen mua sắm, tiêu dùng mà trước mắt là trong mùa kinh doanh cuối năm nay.

Tin mới lên