Tài chính quốc tế

Lo ngại an ninh quốc gia, Trung Quốc kêu gọi không sử dụng nhân sự từ Big 4 kiểm toán

(VNF) - Chính quyền Trung Quốc đã thúc giục các công ty nhà nước ngừng sử dụng kiểm toán viên từ Big 4 kiểm toán do lo ngại về bảo mật dữ liệu, ngay cả sau khi Bắc Kinh đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt cho phép Mỹ kiểm toán hàng trăm công ty trong nước niêm yết ở New York.

Lo ngại an ninh quốc gia, Trung Quốc kêu gọi không sử dụng nhân sự từ Big 4 kiểm toán

Lo ngại an ninh quốc gia, Trung Quốc kêu gọi không sử dụng nhân sự từ Big 4 kiểm toán

Theo nguồn tin của Bloomberg, Bộ Tài chính Trung Quốc đã đưa ra hướng dẫn cho một số doanh nghiệp nhà nước vào tháng trước, trong đó khuyến khích các công ty này kết thúc hợp đồng với các công ty kiểm toán Big 4 (bao gồm PricewaterhouseCoopers - PwC, Deloitte, Ernst and Young - EY, và KPMG).

Trong trường hợp các doanh nghiệp nhà nước có công ty con tại nước ngoài, họ vẫn có thể sử dụng các nhân sự kiểm toán của Mỹ, nhưng với công ty mẹ trong nước, Bộ Tài chính khuyến khích thuê kế toán viên hoặc kiểm toán viên là người Trung Quốc, hoặc Hong Kong.

Theo Bloomberg, Trung Quốc đang tìm cách kiềm chế ảnh hưởng của các công ty kiểm toán toàn cầu có liên kết với Mỹ và đảm bảo an ninh dữ liệu của quốc gia, cũng như củng cố ngành kế toán địa phương.

Được biết, Bắc Kinh cũng đã đưa ra đề xuất tương tự cho các công ty do nhà nước hậu thuẫn trong nhiều năm, nhưng gần đây đã nhấn mạnh lại rằng các công ty nên sử dụng các công ty kiểm toán khác ngoài Big 4. Không có thời hạn nào được đặt ra buộc các công ty phải thay đổi, do đó, việc từ bỏ các mối liên hệ với các công ty kiểm toán nước ngoài có thể diễn ra dần dần khi hợp đồng giữa các bên hết hạn.

Lưỡng bại câu thương

Trong trường hợp "cắt đứt" với các công ty kiểm toán nước ngoài, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải đổi mặt với rủi ro khó thu hút vốn từ các nhà đầu tư quốc tế.

Richard Harris, giám đốc điều hành của công ty tư vấn kinh doanh đầu tư và quản lý quỹ Port Shelter Investment Management có trụ sở tại Hong Kong, cho biết: “Điều này tạo ra một rào cản lớn hơn đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc về mặt thu hút vốn quốc tế. Tôi không chắc liệu dữ liệu được giữ bí mật đó có đủ quan trọng để đánh đổi với việc tiếp cận vốn quốc tế hay không vì các kế toán viên có nghĩa vụ pháp lý phải giữ bí mật”.

Bộ tài chính Trung Quốc và đại diện của các văn phòng Trung Quốc của PwC, EY, KPMG và Deloitte, không đưa ra bình luận chính thức về tin tức này.

Đáng chú ý, thông tin này được đưa ra sau khi Trung Quốc và Mỹ hồi cuối năm ngoái đã đạt được thỏa thuận mang tính "đột phá" về việc thanh-kiểm toán. Theo đó, sau nhiều năm bất hợp tác và khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết, Bắc Kinh đã đồng ý cho Mỹ kiểm toán hoạt động kinh doanh của các công ty niêm yết chứng khoán tại Mỹ. 

Có thể thấy, Bắc Kinh hiện tại dường như vẫn đang dè chừng với Mỹ trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước và công nghệ tiên tiến. 

Mặc khác, việc bị các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc "nghỉ chơi" cũng sẽ là một đòn giáng mạnh vào các công ty kế toán. Theo Bộ Tài chính, Big 4 đã kiếm được tổng doanh thu 20,6 tỷ NDT (3 tỷ USD) từ tất cả các khách hàng Trung Quốc vào năm 2021.

Ai được hưởng lợi?

Được biết, có khoảng 60 công ty niêm yết tại Hong Kong có trụ sở tại Trung Quốc, thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân, đã thay đổi kiểm toán viên kể từ tháng 9 năm ngoái. Nhờ đó, các công ty nhỏ hơn của Trung Quốc và Hong Kong đã giành được gần 20 hợp đồng từ Big 4. 

Những công ty chuyển sang các công ty kiểm toán nhỏ hơn trong những tháng gần đây bao gồm nhà phát triển bất động sản Sino-Ocean Group Holding và công ty con Sino-Ocean Service Holding. Nhà sản xuất đồ nội thất Red Star Macalline Group mới đây cũng đã đề xuất chấm dứt hợp đồng với EY vì “không đạt được sự đồng thuận về lịch trình làm việc và chi phí.” 

Trong khi Big 4 giữ thế thống trị Trung Quốc vào thời điểm hiện tại, thì động thái mới nhất từ chính quyền Bắc Kinh chính là cơ hội cho các đối thủ nhỏ hơn vươn lên. Những công ty kiểm toán tiềm năng được dự đoán sẽ hưởng lợi lớn nhất nếu Big 4 thất thế tại Trung Quốc bao gồm Pan-China Certified Public Accountants, BDO China Shu Lun Pan CPA, Moore Global và RSM China. 

Hơn 80 công ty niêm yết ở Thượng Hải và Thâm Quyến cũng đã thay đổi kiểm toán viên kể từ tháng 12/2022, hãng tin Trung Quốc Jiemian đưa tin. Mặc dù vậy, các nhà quản lý Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng công việc và khả năng xử lý các khách hàng của một số công ty nhỏ. 

Theo ông Richard Harris: “Big 4 đã phát triển nhờ tính độc lập và quy mô của họ, đồng thời mang tính toàn cầu và chịu sự điều chỉnh của các cơ quan quản lý khác nhau. Mặc dù các công ty nhỏ hơn cũng nên áp dụng các biện pháp kiểm soát nội bộ và quy định bên ngoài giống nhau, nhưng họ phải cố gắng nhiều hơn nữa để chứng minh niềm tin mà các tên tuổi lớn đã phải mất hàng thập kỷ mới gây dựng được”.

Xem thêm >> Deloitte: Mô hình đa kênh ‘chắp cánh’ cho ngành bán lẻ Việt Nam 

Tin mới lên