Tài chính

Lợi nhuận quý I của 'ông lớn' cao su GVR tăng 5% nhờ tiền đền bù đất

(VNF) - Kết thúc quý I, GVR bất ngờ nhận thêm khoản lợi nhuận khác hơn 400 tỷ đồng, cao gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái, là yếu tố giúp doanh nghiệp thoát khỏi tình cảnh tăng trưởng lợi nhuận âm.

Lợi nhuận quý I của 'ông lớn' cao su GVR tăng 5% nhờ tiền đền bù đất

Lợi nhuận quý I của 'ông lớn' cao su GVR tăng 5% nhờ tiền đền bù đất

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I cho thấy, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (HoSE: GVR) ghi nhận doanh thu 4.893 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Do chi phí giá vốn trên doanh thu giảm, lợi nhuận gộp của GVR ở mức 1.470 tỷ đồng, tăng 5% cùng kỳ.

Trong kỳ, hoạt động tài chính mang lại cho GVR 178 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ 4,5% so với quý I/2021. Ngoài ra, các chi phí đều tăng khá cao, trong đó chi phí tài chính tăng gấp 3 lần lên 145 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 20% lên 113 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 11,5% lên 345 tỷ đồng.

Phía GVR cho biết, mặc dù chi phí lãi vay trong quý này đã tiết giảm, song mức nền so sánh của quý I/2021 là rất thấp do doanh nghiệp thực hiện hoàn nhập giảm giá các khoản đầu tư và giảm giá chứng khoán kinh doanh.

Vì thế, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đã giảm 12% cùng kỳ xuống còn 1.097 tỷ đồng. Trước tình hình tăng trưởng lợi nhuận âm, GVR bất ngờ nhận thêm khoản lợi nhuận khác lên đến 402 tỷ đồng, cao gấp 7 lần quý I/2021, giúp cho lợi nhuận sau thuế vẫn đạt mức tăng trưởng dương 8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng 1.315 tỷ đồng.

Theo thuyết minh, trong cơ cấu doanh thu khác, chiếm 293 tỷ đồng là khoản tiền bồi thường, 56 tỷ đồng là thu nhập từ cây cao su thanh lý, gẫy đổ...

Kết thúc quý I, tổng tài sản của GVR đạt hơn 73.000 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Trong đó tiền và tương đương tiền đạt 5.051 tỷ đồng (giảm gần 5%), đầu tư tài chính ngắn hạn 9.858 tỷ đồng (giảm 4%), các khoản phải thu ngắn hạn 3.065 tỷ đồng (tăng 7,5%)...

Nợ phải trả của GVR giảm 6% so với cuối năm trước, còn hơn 25.000 tỷ đồng với tổng nợ vay gần 8.800 tỷ đồng, giảm 3%.

Dự báo triển vọng của GVR trong năm 2022, Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng giá cao su sẽ tiếp tục tăng, qua đó tạo đà phát triển lợi nhuận từ mảng kinh doanh trọng yếu của doanh nghiệp. Trước đó vào ngày 15/4, giá cao su đã đạt mức cao nhất trong 13 tháng trở lại đây với 2.250 USD/tấn, khi mà tác động từ cuộc chiến giữa Nga - Ukraine là rất lớn, khiến nguồn cung thiếu hụt cho dù nhu cầu tiêu thụ ở mức cao.

Ngoài ra, mảng khu công nghiệp cũng được kỳ vọng đem lại tăng trưởng tốt cho GVR trong năm 2022. Hiện doanh nghiệp định hướng đẩy mạnh đầu tư khu công nghiệp, dự kiến chuyển đổi 20.000ha đất cao su sang quy hoạch phát triển khu công nghiệp trong 5-10 năm tới, đồng thời lên kế hoạch nâng diện tích khu công nghiệp cho thuê lên gần 2.700ha trong giai đoạn 2021-2025, gấp 10 lần so với diện tích cho thuế năm 2020, đạt CAGR là 17%.

Triển vọng tích cực của bất động sản khu công nghiệp tạo tiền đề tăng trưởng bền vững cho GVR trong tương lai. Thị trường bất động sản khu công nghiệp được dự báo sẽ là điểm sáng trong năm 2022 thậm chí có thể kéo dài sang năm 2023 với giá thuê đất tăng khoảng 4%/năm (theo CBRE), đặc biệt tại các tỉnh miền Nam.

MBS cũng kỳ vọng thương vụ thoái vốn khỏi Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) sẽ được hoàn tất trong năm 2022, đem lại khoản lãi thoái vốn cho GVR khoảng 800 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngày 17/6 tới, theo kế hoạch GVR sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022.

Tin mới lên