Lương của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước được trả thế nào trong năm 2020?

PV - 08/03/2021 21:34 (GMT+7)

Chính phủ đã lựa chọn 3 doanh nghiệp: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), Tổng Công ty Hàng không (VNA) và Tổng Công ty Quản lý bay (VATM)  thực hiện thí điểm cơ chế khoán lương gắn với năng suất, hiệu quả kinh doanh.

VNF
Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện thí điểm tiền lương của các doanh nghiệp nhà nước

Bộ LĐ-TB&XH đã có báo cáo gửi Chính phủ tổng kết việc thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Nghị định số 20/2020/NĐ-CP.

Việc thí điểm được thực hiện trong năm 2020, để từ đó áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước khác. Cơ chế khoán lương theo Nghị định 20/2020 được thí điểm tại 3 doanh nghiệp nhà nước gồm: VNPT, VNA, VATM.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2020 và quy định tại Nghị định 20/2020/NĐ-CP, VNPT có lãi lương dành cho lãnh đạo cao hơn mức đã trả; VATM có lãi thấp còn VNA lỗ nên mức lương giảm sâu, thậm chí chỉ bằng mức sàn.

Cụ thể, tại VNPT, năm 2020, dù kinh doanh có lãi, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19, tiền lương của lãnh đạo tập đoàn này vẫn bằng của năm 2019, trong đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên được trả 86,4 triệu đồng/tháng, thành viên Hội đồng thành viên 76,8 triệu đồng/tháng, kiểm soát viên 76,7 triệu đồng/tháng.

Mức lương nêu trên xác định bằng năm 2019 và chỉ bằng 80% mức tối đa được hưởng theo quy định tại Nghị định số 20/2020/NĐ-CP.

Nghị định 20/2020/NĐ-CP cũng cho phép VNPT xác định mức tiền lương của Ban điều hành (Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng) tối đa 7 lần tiền lương bình quân của người lao động. Tuy nhiên thực tế, Tập đoàn chỉ thực hiện mức lương của Tổng giám đốc bằng 4,42 lần tiền lương bình quân của người lao động.

Với VNA, đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, năm 2020 đã cơ cấu giảm 1.344 người lao động so với thực hiện năm 2019, hiện còn 4.308 người. Kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ-VNA dự kiến lỗ 14.487 tỷ đồng, chỉ tiêu khoán lương(tấn.km thực hiện có doanh thu) dự kiến chỉ bằng 44% so với năm 2019.

Do vậy, căn cứ quy định tại Nghị định số 20/2020/NĐ-CP và Thông tư số 04/2020/TT-BLĐTBXH, đến nay VNA đã triển khai xây dựng đơn giá tiền lương khoán với lãnh đạo giảm khá sâu. Cụ thể, mức lương của Chủ tịch Hội đồng quản trị là 55,065 triệu đồng/tháng, Thành viên Hội đồng quản trị 47,199 triệu đồng/tháng, Trưởng ban kiểm soát là 47,199 triệu đồng/tháng, Kiểm soát viên chuyên trách là 39,332triệu đồng/tháng (bằng khoảng 37% so với thực hiện năm 2019).

Tương tự như VNA, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng là đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, năm 2020 chỉ đặt mục tiêu bảo toàn vốn và cân bằng thu chi. Lợi nhuận sau thuế kế hoạch của công ty mẹ - VATM dự kiến 3,530 tỷ đồng, giảm 99,75% so với năm2019, chỉ tiêu khoán lương (km điều hành bay quy đổi) dự kiến chỉ bằng 40,66% so với thực hiện năm 2019.

Với mức này, theo Nghị định 20/2020/NĐ-CP, tiền lương bình quân người lao động chỉ 12,87 triệu đồng/tháng (bằng 45% năm liền trước). Cho nên, mức lương kế hoạch của Chủ tịch Hội đồng thành viên là 88,65 triệu đồng/tháng, Thành viên Hội đồng thành viên là 73,88 triệu đồng/tháng, Kiểm soát viên chuyên trách là 59,104 triệu đồng/tháng. Mức lương nêu trên bằng mức thu nhập năm 2019 và thấp hơn mức tối đa được hưởng.

Theo ANTĐ
Cùng chuyên mục
Tin khác