Lý do TP. HCM cần làm metro ngầm gần 680.000 tỷ đồng

Kiên Cường - 19/05/2023 08:13 (GMT+7)

Theo đề xuất của Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển, tuyến metro ngầm ở TP. HCM dài từ 300km đến 500km với số vốn đầu tư rất lớn, gần 680.000 tỷ đồng.

VNF

Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP. HCM vừa có văn bản chuẩn bị nội dung hội thảo “Các giải pháp quản lý phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD) trong quy hoạch xây dựng TP. HCM”. Điểm đáng chú ý, báo cáo cho biết Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (PDI) đề xuất quy hoạch tổng thể hệ thống metro ngầm với chiều dài 300-500km. Tổng phí đầu tư chưa tính nhà ga là 29 tỷ USD (khoảng 680.000 tỷ đồng) cho 500km, phủ kín vành đai 2 (bao quanh vùng lõi TP. HCM).

45 triệu USD cho 1km metro ngầm

Theo PDI, tuyến metro ngầm sẽ có ba hợp phần. Hợp phần 1, đường hầm - đường ray dự kiến có đơn giá 45 triệu USD/km, dùng vốn nhà nước. Theo tính toán sơ bộ, với suất đầu tư 45 triệu USD/km đường ống cho hệ thống chạy ngầm dưới lòng đất bao gồm: khoan ngầm, gia cố, lắp đặt ống bê tông, đường ray và hệ thống công nghệ (điện, thông gió...) thì tổng mức đầu tư 500km sẽ là 22,5 tỷ USD.

Hợp phần 2, đầu máy toa xe - hệ thống điều hành, khái toán tổng chi phí đầu máy toa xe là 6,4 tỷ USD. Hợp phần này dùng vốn tư nhân, thu hồi vốn và lãi thuần túy từ phí bán vé (giá vé giả sử là 1-1,5 USD/hành khách).

Hợp phần 3, nhà ga - đô thị TOD sẽ dùng vốn tư nhân, mỗi TOD sẽ bao gồm nhà ga - đô thị vệ tinh. Trong đó có khu chung cư ở tầng trên, các dịch vụ công cộng: trường học, y tế; hoạt động thể thao, giải trí công cộng; trung tâm thương mại tổng hợp… Nếu trên toàn tuyến chọn được 300 địa điểm để làm TOD thì diện tích bình quân mỗi TOD là 7,5ha.

Chỉ tính chi phí làm hợp phần 1 và 2 cho 500km có thể lên đến 29 tỷ USD (gần 680.000 tỷ đồng).

Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có 2,6km đi ngầm, dự kiến đưa vào khai thác vào năm sau. Ảnh: Đ.TRANG

Lý do TP. HCM cần làm metro ngầm

Theo PDI, kinh nghiệm thế giới cho thấy các đô thị từ 1 triệu dân đều bắt buộc có hệ thống tàu điện ngầm nhằm giảm ùn tắc giao thông. “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050: Dự báo dân số TP năm 2030 là trên 11 triệu người, năm 2040 là 14 triệu người, năm 2050 là 24-25 triệu người. Như vậy, vùng TP sẽ cần khoảng 500km metro” - PDI lý giải.

Ngoài ra, PDI cũng cho rằng phát triển metro dựa vào ODA lâu nay tồn tại nhiều bất cập như lãi suất vay được ưu đãi nhưng bị ràng buộc sử dụng công nghệ, thiết bị, nhà thầu của bên cho vay. Đơn cử, năm tuyến - năm nhà tài trợ - năm công nghệ khác nhau dẫn đến không đồng bộ về công nghệ gây lãng phí chi phí vận hành, bảo trì và bảo dưỡng thiết bị.

“Phát triển các dự án ODA không xem xét đến kết nối các tiềm năng phát triển đô thị TOD gắn với nhà ga. Do đó, không tận dụng được các lợi thế của các dự án TOD để đấu giá đất trong quy hoạch tạo nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị thay vì TP phải đầu tư 100%” - PDI nhấn mạnh.

Theo tính toán sơ bộ của PDI, nếu thực hiện khoảng 300km -500 km hệ thống metro ngầm kết hợp với phát triển TOD (đô thị nén) thì có thể tạo thêm chỗ ở cho khoảng 6 triệu cư dân của TP. Tương đương sẽ có khoảng 1,5 triệu căn hộ đầy đủ tiện nghi, trong khu đô thị hiện đại với đầy đủ các dịch vụ, tiện ích liền kề gồm thương mại, giáo dục, giải trí, thể thao... Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian đi lại mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho đa số người dân TP.

“Ngoài ra, chi phí xây nhà ga do các chủ đầu tư bất động sản xây dựng để được khai thác quỹ đất quanh nhà ga theo quy hoạch và chỉ cần bản quy hoạch tốt của TP để phát triển các đô thị vệ tinh bám sát theo các nhà ga” - PDI phân tích.

Chuyên gia nói gì?

TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, chuyên gia TOD: TOD quan trọng nhất là ở các ga metro

Bản chất TOD thì việc làm metro ngầm hay nổi không phải là vấn đề chính, mà quan trọng là về ga của tuyến metro, khi có ga thì mô hình TOD sẽ phát triển đô thị xung quanh đó.

Việc quan trọng tiếp theo là khâu tổ chức không gian của nhà ga. Ga metro ở khu vực trung tâm thì thường là ga ngầm, còn các ga phía ngoài (không phải trung tâm) thì thường là ga nổi. Chi phí làm ga nổi sẽ thấp so với làm ga ngầm.

Theo tôi, mô hình phát triển đô thị theo TOD thì cần lưu ý tới Luật Đất đai và những quy định của luật này vì một trong những giá trị quan trọng nhất của mô hình là giá trị gia tăng từ đất.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP. HCM: Nên hoàn thành mạng lưới tám tuyến metro trước

Theo quy hoạch được duyệt, TP. HCM có tám tuyến metro (tổng chiều dài khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD). Nguyên tắc là chúng ta phải hoàn chỉnh mạng lưới tám tuyến này theo quy hoạch trước đã.

Việc hoàn thiện tám tuyến này để phủ đều hệ thống metro trên địa bàn TP, vì phủ đều metro mới hiệu quả chứ một hay hai tuyến chưa phát huy tốt. Sau đó chúng ta mới tính tới việc bổ sung metro ngầm hay dự án gì sau đó qua cơ sở nghiên cứu, xác định quy hoạch rõ ràng…

Còn TOD thì ngay từ bây giờ chúng ta phải có kế hoạch khoanh vùng từng trạm, ga metro để phát triển. Khu vực nào có đất trống thì đầu tư trước, còn khu vực nào đã có công trình - nhà cửa thì quản lý như thế nào để phù hợp cho việc đầu tư TOD sau này.

Về mặt kỹ thuật, làm metro ngầm không có gì khó khăn, thậm chí làm xuyên qua tòa cao ốc vẫn được. Chỉ có điều làm ngầm sẽ tốn kém hơn, tôi thấy với chi phí quá lớn khi làm 300-500 km ngầm thì có thể không khả thi so với tình hình nguồn vốn còn khó khăn như hiện nay.

 

Theo PLO
Cùng chuyên mục
Tin khác