Mẫu ô tô điện của Campuchia gây chấn động Đông Nam Á rồi âm thầm biến mất

Mai Lý - 19/06/2023 14:09 (GMT+7)

(VNF) - Ước mơ xe điện giá rẻ "made in Campuchia" thất bại vì nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự thờ ơ của người dân và chính phủ cũng như những thiếu sót trong quá trình sản xuất.

VNF

Thời gian gần đây, hai cái tên VinFast VF 3 và Wuling Hongguang Mini EV đang là tâm điểm chú ý tại thị trường ô tô Việt Nam. Trong khi Wuling Hongguang Mini EV được kỳ vọng sẽ giúp những người lương 13 – 15 triệu cũng có thể sở hữu ô tô thì VinFast VF 3 lại tham vọng trở thành mẫu xe quốc dân, giống như những gì VinFast Fadil đã làm được.

Bên cạnh những triển vọng, trái lại, nhiều người vẫn còn hoài nghi về tiềm năng của phân khúc xe điện mini giá rẻ. Không chỉ những yếu tố như chất lượng, độ an toàn, cơ sở hạ tầng, người ta còn cho rằng khách Việt chưa thực sự sẵn sàng với một chiếc xe điện mini, dù giá có vừa túi tiền đi chăng nữa. Nhiều người lấy ví dụ về mẫu xe “made in Campuchia” từng gây sốt nhiều năm về trước để làm minh chứng cho luận điểm của họ.

Mẫu xe điện mini đầu tiên của Campuchia - Angkor EV 2013 đã ra mắt cách đây cả một thập kỉ. Angkor EV 2013 từng được kỳ vọng sẽ thay đổi giao thông Campuchia, mang lại một nền giao thông xanh – sạch hơn.

Angkor EV 2013

Giấc mơ ô tô điện giá rẻ của Campuchia bắt đầu vào năm 2013 khi chiếc Angkor EV 2013 lần đầu được giới thiệu bởi công ty Heng Development Company. Vào thời điểm ra mắt, Angkor EV 2013 đã thực sự gây được tiếng vang ở thị trường nội địa lẫn quốc tế.

Angkor EV 2013 được chế tạo bởi kỹ sư Nhean Phaloek. Bắt đầu từ mẫu xe Angkor EV đầu tiên sử dụng động cơ của Honda C100 vào năm 2003, ông Nhean Phaloek đã cải tiến và cho ra đời mẫu Angkor EV 2013 vào 10 năm sau. Nhean Phaloek sau đó đã bắt tay với Heng Development Company với tham vọng mở bán thương mại mẫu Nhean Phaloek.

Angkor EV 2013 có hai chỗ ngồi cùng thiết kế nhỏ gọn. Angkor EV 2013 có thể di chuyển với tốc độ tối đa 60 km/h và đi được quãng đường lên tới 300 km sau một lần sạc đầy trong 3 tiếng. Nói cách khác, phạm vi hoạt động và tốc độ di chuyển của Angkor EV 2013 đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân Campuchia lúc bấy giờ.

Nguyên mẫu của Angkor EV 2013 (Ảnh: South Asia Globe)

Chia sẻ với tờ South Asia Globe, ông Nhean Phaloek cho hay: “Lý do tôi bắt đầu dự án ô tô điện là vì tính tò mò và muốn tạo ra một cái gì đó mới mẻ, khác biệt. Thế nhưng sau khi Angkor EV 2013 ra đời, tôi kỳ vọng rằng nó có thể thay thế những chiếc SUV ngốn xăng xuất hiện trên khắp nẻo đường ở Campuchia. Dự án này rất quan trọng với tôi và gia đình. Những người xung quanh cũng đã ủng hộ tôi rất nhiều”.

Ở thời điểm đó, Angkor EV 2013 có giá bán chỉ từ 5.000 USD. Điều đáng nói là Angkor EV 2013 còn có nhiều trang bị và tính năng hấp dẫn như hệ thống GPS, hệ thống giải trí kết nối với điện thoại thông minh. Thậm chí, Angkor EV 2013 còn được trang bị công nghệ mở cửa bằng dấu vân tay và khởi động máy bằng thẻ điện tử.

Với màn ra mắt hết sức suôn sẻ, Angkor EV 2013 khi đó được kỳ vọng sẽ sớm chạy đầy đường, thực hiện hóa giấc mơ ô tô “made in Campuchia”. Thế nhưng, sau 1 thập kỷ ra mắt, chiếc xe điện đầu tiên của Campuchia dường như đã dừng lại ở vạch xuất phát.

Nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của Angkor EV 2013 là không tìm được nhà máy sản xuất và thiếu vốn đầu tư. Ban đầu, công ty Heng Development Company cho hay họ đã ký một thỏa thuận trị giá 20 triệu USD với Tập đoàn Chau Leong có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc). Trong thỏa thuận này, Chau Leong sẽ giúp sản xuất các thiết bị lắp ráp cho 1.000 chiếc xe Angkor EV 2013 đầu tiên.

Thế nhưng sau khi đến Hong Kong, bà Seang Chan – giám đốc của Heng Development Company mới ngỡ ngàng khi tập đoàn Chau Leong này không có bất kỳ một nhà máy nào cả.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Angkor EV 2013 (Ảnh: The World)

Không nhận được sự giúp đỡ từ đối tác Hong Kong, Heng Development Company buộc phải tự sản xuất một số chiếc Angkor EV 2013 đầu tiên với các bộ phận, linh kiện được nhập khẩu từ Trung Quốc và Đức. Giữa lúc đó, giám đốc của Heng Development Company vướng vào tranh chấp đất đai trên khắp Campuchia và bị hủy thị thực tại Mỹ vì một số rắc rối pháp lý. Không thu hút được nhà đầu tư trong khi nguồn vốn ngày càng cạn kiệt khiến dự án sản xuất Angkor EV 2013 bị đình trệ.

Bên cạnh đó, Angkor EV 2013 còn gặp phải nhiều lỗi cơ khí trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, thay vì thừa nhận và tìm cách khắc phục, nhà sáng chế Nhean Phaloek lại tìm cách né tránh. Ông cho rằng ngay cả những hãng xe lớn như Honda hay Toyota vẫn gặp phải lỗi khi sản xuất. “Một công ty mới như chúng tôi dĩ nhiên cũng sẽ gặp phải vấn đề tương tự. Chính vì thế, chúng ta đừng nói về điều này mà hãy tập trung vào những gì chúng ta có thể làm và mục đích chính của chúng ta”, ông chia sẻ. Tuy nhiên, chính sự phớt lờ này đã khiến nhiều người dân không dám bỏ tiền ra để mua một chiếc xe không chắc là có an toàn hay không.

Tiếp đến, Angkor EV 2013 ra mắt vào thời điểm xe điện chưa thực sự phổ biến và người dân còn khá mơ hồ về loại phương tiện này. Bất kỳ ai từng lái xe trong làn khói mù mịt trên những nẻo đường ở Phnom Penh đều biết rất rõ rằng xe điện chưa thực sự được ưa chuộng ở thủ đô này. Chưa kể, đối với một quốc gia hiện đang phải tăng gấp đôi số lượng nhà máy nhiệt điện than để giải quyết khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng thì người dân vẫn chưa sẵn sàng để bỏ lại những chiếc xe ô tô chạy xăng.

Người dân Campuchia chưa sẵn sàng với xe điện (Ảnh: South Asia Globe)

Một nguyên nhân khác khiến Angkor EV 2013 thất bại là do chính phủ Campuchia chưa thực sự hỗ trợ và muốn phát triển xe điện, ông Nhean Phaloek nói. “Người dân không muốn thay đổi trong khi chính phủ Campuchia lại không có động thái tích cực nào trong việc khởi xướng hay hỗ trợ cho sự phát triển của xe điện”. Trừ khi chính phủ Campuchia sẵn sàng đầu tư vào giao thông vận tải bền vững nếu không thì người dẫn sẽ có rất ít động lực để tìm đến các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, tờ South Asia Globe trích lời ông Nhean Phaloek.

“Chính phủ Campuchia nên khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện chạy bằng năng lượng tái tạo để giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như chi phí sử dụng. Đồng thời, họ cũng nên khuyến khích các nhà phát minh và hỗ trợ về mặt tài chính. Nếu được chính phủ quan tâm nhiều hơn, thì dự án Angkor EV 2013 của chúng tôi đã tiến triển thuận lợi hơn rất nhiều”.

Mặc dù dự án Angkor EV 2013 đã “nằm đắp chiếu” được nhiều năm nhưng kỹ sư Nhean Phaloek vẫn chưa từ bỏ ước mơ của đời mình. “Đối với dự án Angkor EV 2013, tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh và phát triển nó trong tương lai. Nếu tôi có một quỹ đầu tư lớn, tôi sẽ biến ước mơ Angkor EV 2013 chạy trên đường phố Campuchia thành sự thật”.

Cùng chuyên mục
Tin khác