Máy bay 'made in China' nỗ lực đẩy Airbus và Boeing ra khỏi thị trường
(VNF) - Comac, nhà sản xuất máy bay nhà nước của Trung Quốc, hiện đang là đối tác của một số hãng hàng không lớn nhất nước này và có kế hoạch mở rộng hơn nữa sang các thị trường Đông Nam Á trước khi hướng đến các thị trường phương Tây.
Theo tờ Financial Times, Trung Quốc đã bắt tay vào quá trình mở rộng nhằm mục đích tăng nhanh chóng thị phần máy bay của mình thông qua Comac, nhà sản xuất hàng không vũ trụ đầu tiên do nhà nước sở hữu của nước này.
Nếu thành công, Comac có thể tạo ra sự cạnh tranh đáng kể với các hãng hàng không lâu đời như Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ.
Một số hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc như China Eastern Airlines, Air China và China Southern Airlines hiện đang sử dụng máy bay chủ lực của Comac là C919 trên các tuyến bay nội địa.
Chiếc máy bay phản lực chở khách một lối đi, thân hẹp này đã nhận được một số khoản trợ cấp và đã hoàn thành chuyến bay thương mại đầu tiên tháng 5/2023, đánh dấu sự gia nhập chính thức của Trung Quốc vào thị trường hàng không dân dụng.
Tuy nhiên, mặc dù đã được sử dụng cho các tuyến bay chính, C919 vẫn đang chờ một số chứng nhận để có thể bay quốc tế.
Comac cũng đang phát triển C929, đây sẽ là máy bay phản lực thân rộng đầu tiên của công ty.
Muốn sớm bay sang Đông Nam Á
Chính phủ Trung Quốc hiện nay đã đầu tư rất nhiều vào Comac nhằm mục đích tăng quy mô thị trường hàng không nội địa, đồng thời củng cố vị thế của mình trên thị trường quốc tế.
Mục tiêu của Bắc Kinh là giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất máy bay nước ngoài. Điều này phù hợp với kế hoạch của Trung Quốc nhằm nâng cao sức mạnh công nghệ trong vài năm tới.
Cả du lịch hàng không chặng ngắn và chặng dài đều tăng vọt sau đại dịch, được thúc đẩy bởi giá vé rẻ hơn và nhiều ưu đãi hơn tại các điểm đến phổ biến. Mordor Intelligence dự kiến thị trường hàng không sẽ mở rộng từ 343,54 tỷ USD lên 395,76 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Comac tiết lộ rằng họ đặt mục tiêu đưa máy bay phản lực C919 của mình bắt đầu bay trên các tuyến thương mại đến Đông Nam Á vào năm 2026 như một bước đầu tiên để mở rộng ra ngoài thị trường nội địa, một quan chức cấp cao của công ty nói với truyền thông Trung Quốc.
COMAC cũng lên kế hoạch được cấp chứng nhận châu Âu cho C919 sớm nhất là trong năm nay, ông Yang Yang, phó tổng giám đốc trung tâm tiếp thị của công ty, đã chia sẻ với trang tin tức Jiemian của Thượng Hải trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
China Eastern Airlines, hãng khai thác đầu tiên của C919, đã đưa Hồng Kông vào mạng lưới tuyến bay C919 của mình từ ngày 1/1, biến trung tâm tài chính này thành điểm đến đầu tiên của máy bay bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, ông Yang không tiết lộ liệu COMAC có đang đàm phán với bất kỳ hãng hàng không nào về các chuyến bay đến Đông Nam Á hay các thị trường nước ngoài khác hay không.
Tham vọng giành được thị phần từ Boeing và Airbus
Được định vị là đối thủ cạnh tranh của Boeing 737 và Airbus A320, C919 hiện chỉ bay ở Trung Quốc và cần có chứng chỉ bay quốc tế để thâm nhập thị trường toàn cầu.
"Chúng tôi hy vọng có thể tăng cường triển khai hoạt động máy bay C919 tại Trung Quốc để xác định kỹ lưỡng mọi vấn đề tiềm ẩn trước khi mở rộng sang Đông Nam Á", ông Yang cho biết.
COMAC tham vọng thâm nhập các thị trường toàn cầu vào thời điểm hai gã khổng lồ trong ngành là Boeing và Airbus đang phải vật lộn với những thách thức như vấn đề về chuỗi cung ứng và lao động.
Vào năm 2024, COMAC đã giao tổng cộng 12 máy bay C919 cho ba hãng hàng không nhà nước. Công ty cho biết vào năm 2023 rằng họ kỳ vọng công suất sản xuất hàng năm của C919 sẽ đạt 150 trong 5 năm.
Nhưng việc mở rộng quy mô sản xuất để sánh ngang với các hãng hàng không lớn như Boeing và Airbus có thể là một thách thức, vì Comac hiện đang sản xuất 1 chiếc máy bay C919 mỗi tháng. IBA, một công ty tư vấn hàng không, ước tính rằng con số này có khả năng tăng lên tới 11 máy bay mỗi tháng vào năm 2040.
Ngược lại, Boeing hiện sản xuất 38 máy bay 737 MAX mỗi tháng và có kế hoạch tăng gấp ba con số này vào năm 2027. Airbus cũng thông báo rằng họ kỳ vọng sản lượng máy bay A320 sẽ đạt khoảng 75 chiếc mỗi tháng vào năm 2027.
Do đó, Comac có thể mất khá nhiều thời gian để đạt được mức sản xuất này, đồng thời cũng phải xây dựng được lượng thị trường trung thành.
Tuy nhiên, các vụ tai nạn gần đây của Boeing, cũng như một loạt các vấn đề sản xuất và giao hàng trễ đã ảnh hưởng đến tâm lý của cả nhà đầu tư và người tiêu dùng, đồng thời gây ra đòn giáng nặng nề vào giá trị thị trường của công ty.
Tương tự như vậy, Airbus cũng đang gặp phải một số vấn đề về sản xuất và chuỗi cung ứng, dẫn đến việc giao hàng trễ và thậm chí bị hủy trong một số trường hợp, cũng như tình trạng sản xuất chậm lại nói chung.
NASA: Đại công trình 36 tỷ USD của Trung Quốc làm Trái Đất quay chậm lại
Vào công trường thi công 600 căn nhà ở xã hội tại Long Biên - Hà Nội
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.