Tài chính

Mở 1,4 triệu tài khoản phái sinh: Cảnh báo đầu cơ rủi ro thua lỗ rất cao

(VNF) - Sau 6 năm hoạt động, tính tới hết tháng 10/2023, đã có 1.440.000 tài khoản phái sinh được mở tại các công ty chứng khoán; so với 7.445.000 tài khoản đầu tư chứng khoán được mở chiếm tỷ lệ 19,35%. Khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh giai đoạn từ 2018 - 2022 có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 38,65%/năm.

Mở 1,4 triệu tài khoản phái sinh: Cảnh báo đầu cơ rủi ro thua lỗ rất cao

Ông Nguyễn Quang Đạt (giữa) và ông Ngô Thế Hiển tại chương trình.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Quang Đạt - Tổng giám đốc Công ty cổ phần DATX Việt Nam cho biết tại Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) mới đây.

Theo dữ liệu của DATX Việt Nam, quy mô chứng khoán phái sinh hiện chỉ ở mức 0,1% so với vốn hóa thị trường niêm yết, trong khi con số này ở các nước như Úc là 0,9% và Mỹ  là 13,6. Sự non trẻ còn thể hiện ở tỷ lệ rất cao số hợp đồng giao dịch hàng ngày so với số hợp đồng nắm giữ qua đêm, lên đến 600%, trong khi con số này ở Úc là 14% và 40% ở Mỹ.

Theo ông Đạt, để phát triển được thị trường chứng khoán nói chung thì các sản phẩm trên thị trường phái sinh cần đa dạng hơn nữa về hàng hoá để tăng quy mô, chất lượng. Việt Nam cần sớm hiện đại hoá hệ thống giao dịch, đảm bảo hệ thống giao dịch minh bạch, thông suốt, có thể đáp ứng được khối lượng giao dịch lớn. Đồng thời, cần đào tạo theo chiều rộng và chiều sâu để phát triển nhà đầu tư, giúp cho nhà đầu tư có thể sử dụng phái sinh như một công cụ để phòng ngừa rủi ro cho danh mục cơ sở, đúng như bản chất của thị trường phái sinh khi ra đời.

Bên cạnh đó, thị trường cần phát triển các sản phẩm theo hướng đa dạng hoá để gia tăng quy mô thì mới thu hút được sự quan tâm của các quỹ đầu tư lớn của nước ngoài. Các quỹ lớn cần có thêm nhiều sản phẩm cả về cơ sở, lẫn phái sinh như các rổ ETF khác nhau, như ETF chuyên về ngành ngân hàng, tài chính, bất động sản hay công nghệ,… đi kèm với đó là các sản phẩm phái sinh để khi thị trường có biến động có thể phòng ngừa rủi ro mà không cần phải bán cổ phiếu…

Ông Ngô Thế Hiển - Giám đốc Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho hay, từ khi thị trường chứng khoán phái sinh ra đời, nhà đầu tư có thêm sản phẩm và đặc biệt với các lợi thế có thể mua bán ngay lập tức, đóng vị thế ngay trong phiên, thậm chí rất nhanh, điều này đã giúp cho nhà đầu tư có thể phòng ngừa rủi ro rất hiệu quả.

“Khi thị trường chứng khoán có sản phẩm phái sinh, mức độ biến động trên thị trường tương đối lớn, đặc biệt trong những giai đoạn có những thông tin hoặc các sự kiện mang tính chất bất ngờ. Nhưng kể từ khi có thị trường phái sinh đến giờ, rõ ràng nhà đầu tư đã có thêm một công cụ để phòng ngừa và kể từ năm 2017 đến giờ, đặc biệt trong giai đoạn Covid hay biến động sụt giảm mạnh của thị trường trong năm 2022, nhà đầu tư đã có thêm một kênh để phòng ngừa rủi ro. Vì thế mức độ sụt giảm của thị trường cũng như biến động đã giảm hơn so với trước rất nhiều”, ông Hiển nhấn mạnh.

Hiện tại, thị trường chứng khoán phái sinh mới chỉ có một sản phẩm hợp đồng tương lai đối với một chỉ số VN30. Trong khi nếu nhìn ra các thị trường khác trong khu vực họ sẽ có rất nhiều các sản phẩm. Ngoài ra, kinh nghiệm một số nước khác, ngoài các chỉ số chính họ cũng sẽ có các chỉ số mang tính chất từng ngành nghề. Ví dụ, chỉ số về tài chính, ngân hàng, dựa trên các chỉ số đó họ cũng sẽ có các sản phẩm về hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn... Đây là là những yếu tố mà Việt Nam có thể nghiên cứu để dần dần ứng dụng đưa vào triển khai trong thời gian tới đối với thị trường chứng khoán phái sinh.

Theo ông Ngô Thế Hiển, trước khi tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh, cần được chuẩn bị kỹ càng về kiến thức bao gồm kiến thức về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán cơ sở. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên xác định thị trường chứng khoán phái sinh là một công cụ để phòng ngừa rủi ro, chứ không phải một công cụ để đầu cơ hoặc kiếm lời chỉ trong một ngày.

“Nếu chúng ta xác định đầu cơ thì khi tham gia thị trường nguy cơ dẫn đến thua lỗ rất cao”, ông Hiển nhấn mạnh.

Tin mới lên