Mở tài khoản riêng, dễ dàng tiền bạc với con: Thế nào là vừa đủ?
(VNF) - Một số cha mẹ cho rằng việc cởi mở về tài chính gia đình giúp con cái hiểu về tiền bạc một cách trực quan, từ đó có động lực trang bị kiến thức quản lý tài chính cá nhân, trong khi số khác lại lo ngại rằng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con, tạo ra sự ỷ lại của con cái vào tài sản của bố mẹ
Hai quan điểm trái chiều
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, quản lý tài chính cá nhân không chỉ là vấn đề của những “trụ cột kinh tế” trong gia đình mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ trẻ. Một câu hỏi đặt ra cho nhiều gia đình trung lưu hiện nay là: “Có nên chia sẻ tình hình tài chính gia đình cho con cái?”. Quan điểm về việc này hiện không thống nhất, mỗi gia đình có cách tiếp cận riêng.
Anh Cao Hoàng (42 tuổi) ở Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết vợ chồng anh ít chia sẻ chuyện tiền bạc, kinh doanh trong gia đình với các con. Đồng thời quan điểm của anh về việc để lại tài sản cho con sau này là không cho quá nhiều, con cái phải tự nỗ lực phấn đấu như cách bố mẹ của chúng đã từng trải qua. Mặc dù theo anh Hoàng, gia đình không phải là không có điều kiện, hiện đang có tài sản khá lớn bao gồm bất động sản, vàng, tiền mặt, các khoản đầu tư kinh doanh…
“Con cái không nên biết bố mẹ có bao nhiêu tiền, cho chúng tự phấn đấu để biết kiếm tiền khó khăn như thế nào, giống bố mẹ nó ngày xưa”, anh Hoàng nêu quan điểm, đồng thời chia sẻ thêm rằng không nhất thiết phải cho con học trường tư hoặc đi du học nước ngoài mặc dù khả năng gia đình hoàn toàn có thể. Hiện anh đang cho con theo học trường công, đồng thời hướng con đi theo một vài trường chuyên khi con vào cấp THPT.
Ngược lại, anh Bùi Quang Văn (41 tuổi), gốc Nghệ An, trưởng phòng của một công ty hàng tiêu dùng ở Hà Nội, cho biết gia đình anh khá cởi mở với con cái chuyện tiền bạc, kể cả bố mẹ thu nhập bao nhiêu, có tài sản gì đều không có ý định giấu các con. Thêm nữa, do 2 vợ chồng đang thuận lợi trong công việc nên việc chi tiêu khá “phóng khoáng”, chi phí hưởng thụ cao.
Anh Văn cũng đầu tư rất nhiều cho việc học của con. Hiện con trai lớn 12 tuổi đang học tại một trường tư thục có tiếng tại Hà Nội với mức chi phí mỗi tháng khoảng hơn 20 triệu đồng. Đứa con thứ hai cũng học tại trường đó với chi phí thấp hơn. “Riêng tiền học của 2 con khoảng hơn 35 triệu đồng mỗi tháng, có thời điểm chiếm quá 50% tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng”, anh Văn cho biết thêm.
Tuy nhiên, anh Văn cũng khá băn khoăn, bởi tuổi anh năm nay đã ngoài 40 nhưng nhìn lại, tài sản tích lũy không được nhiều, phần lớn tiền kiếm ra là để tiêu, việc quản lý tài chính và đầu tư của gia đình cũng chưa được tốt, khiến cho nhiều thời điểm đã từng đối mặt với áp lực tài chính.
“Nhìn bạn bè đồng trang lứa có nhiều tài sản tích lũy, có thêm nhà, thêm đất, trong khi tôi vẫn đang loay hoay làm sao để quản lý tài chính gia đình hợp lý, vừa muốn đầu tư cho con, vừa muốn tích lũy thêm tài sản” anh Văn trăn trở.
Theo ông Nguyễn An Huy, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân tại Công ty FIDT, cả 2 gia đình đều quan tâm đến tương lai con cái và mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho chúng. Tuy nhiên, cách tiếp cận của họ lại khác nhau hoàn toàn. Anh Hoàng chú trọng vào việc tích lũy tài sản và khuyến khích con tự lập, không cần dựa dẫm vào tài sản của bố mẹ. Trong khi đó, anh Văn đầu tư mạnh vào giáo dục, sẵn sàng chi tiêu lớn để con cái có nền tảng học vấn tốt.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh về hiện tượng Kế Toán Nhận Thức (Mental Accounting), nghĩa là các khoản tiền do may mắn mà có như các khoản trúng số hay thừa kế thường được chi tiêu một cách phung phí hơn là các khoản tiền do lao động làm ra. Tự mình kiếm tiền và xây dựng sự nghiệp giúp con cái hiểu rõ hơn về giá trị của lao động. Chúng sẽ biết trân trọng công sức bỏ ra để kiếm tiền, từ đó sử dụng tài sản một cách hợp lý và không lãng phí.
Ngược lại, khi được thừa kế một lượng tài sản lớn, nhiều người trẻ có thể rơi vào tâm lý ỷ lại, không cần phải cố gắng phấn đấu. Điều này dẫn đến sự thiếu nỗ lực trong công việc và cuộc sống, ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp.
Xét rộng hơn trên bình diện xã hội, một thế hệ trẻ tự lập và biết phấn đấu sẽ góp phần xây dựng một xã hội mạnh mẽ và bền vững hơn. Những người trẻ tự lập không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế mà còn tạo ra những giá trị mới cho cộng đồng và giảm gánh nặng tài chính lên xã hội.
Cần hiểu sớm về tiền, nhưng phải đúng cách
Thực tế cho thấy, việc để con tự lập về tài chính không nhất thiết là phải giấu giếm tình hình tài chính gia đình. Thay vào đó, cởi mở và hướng dẫn con cái về cách quản lý tài chính có thể mang lại nhiều lợi ích lâu dài. Cởi mở về tài chính gia đình là cơ hội để giúp con cái thực hành về các khái niệm tài chính cơ bản như thu nhập, chi phí, tiết kiệm và đầu tư. Kiến thức này sẽ là hành trang quý báu cho con cái khi chúng trưởng thành và bắt đầu tự quản lý tài chính của mình.
Thay vì giấu giếm, cha mẹ có thể giao cho con cái những trách nhiệm tài chính nhỏ, như quản lý tiền tiêu vặt hoặc lập kế hoạch chi tiêu cho các hoạt động cá nhân. Điều này giúp con cái phát triển kỹ năng quản lý tài chính và ý thức trách nhiệm với tiền bạc.
“Điều kiện tiên quyết ở đây là chính cha mẹ phải có hiểu biết về tài chính cá nhân để có thể hướng dẫn con. Trong trường hợp cha mẹ chưa có các hiểu biết về tài chính cá nhân, việc nhờ đến sự trợ giúp của một chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân cho cả gia đình là một việc làm cần thiết”, ông Nguyễn An Huy nói thêm.
Theo một nghiên cứu của Giáo sư Jarkko Peltomäki, Đại học Stockholm, Thụy Điển, bố mẹ mở tài khoản chứng khoán cho trẻ dưới 18 tuổi rồi đầu tư giúp mang lại 2 tác động tích cực khá thú vị. Một là kết quả đầu tư của tài khoản dành cho con có kết quả tốt hơn bố mẹ tự đầu tư. Hai là kết quả đầu tư của trẻ được mở tài khoản sớm có kết quả vượt trội so với trẻ mở tài khoản trễ. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh, việc tiếp cận thị trường chứng khoán cần phải theo phương pháp bài bản, dưới sự tư vấn của chuyên gia để đảm bảo hoạt động này là tích sản, đầu tư bền vững chứ không phải là đầu cơ, đánh bạc.
Đối với vấn đề đầu tư cho giáo dục con cái, chuyên gia của FIDT cho biết trong bối cảnh nền giáo dục ngày càng phát triển và cạnh tranh, nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn cho con em mình học tại các trường tư thục và trường quốc tế. Một số chương trình tại các trường tư thục và trường quốc tế chất lượng cao sẽ giúp người trẻ phát triển kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề. Học tại các trường quốc tế, học sinh được tiếp xúc và học tập cùng bạn bè từ nhiều quốc gia khác nhau. Điều này giúp các em hiểu và tôn trọng sự đa dạng văn hóa, mở rộng tầm nhìn, khả năng tư duy và trở thành những công dân toàn cầu.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, một số chương trình học ở các trường quốc tế, trường tư thục có thể rất khác biệt so với chương trình học ở hệ thống trường công. Việc này dẫn tới một số rủi ro cho kế hoạch giáo dục khi thu nhập của phụ huynh không ổn định và tài sản tích lũy chưa được nhiều.
“Khi rủi ro xảy ra, con cái của chúng ta có thể phải dừng việc học ở hệ thống quốc tế và rất khó gia nhập vào hệ thống trường công”, anh Huy quan ngại.
Lấy ví dụ trường hợp của anh Văn, chuyên gia của FIDT cho hay ở độ tuổi 40, anh Văn đã có 10 năm trong chu kỳ thứ 2 của một cuộc đời tài chính. Đây là giai đoạn tích lũy và tăng trưởng tài sản, diễn ra từ năm 30 tuổi đến năm 60 tuổi.
Ở giai đoạn này, chúng ta phải tập trung vào việc tích lũy tài sản để chuẩn bị cho giai đoạn 3 là giai đoạn hưu trí. Theo các nghiên cứu, số tiền thặng dư tối thiểu mà chúng ta cần tích sản trong giai đoạn này là 20% thu nhập. Nếu riêng chi phí giáo dục đã chiếm hơn 50% thu nhập, anh Văn cần kiểm soát chi tiêu thiết yếu và hưởng thụ tối thiểu là 30% để đảm bảo số tiền tích sản tối thiểu, đây sẽ là một áp lực lớn đối với gia đình anh. Vì vậy, anh có thể bàn bạc với cả gia đình, và cả với con cái của anh để có thể xem xét lại lựa chọn hệ thống giáo dục phù hợp hơn.
Bởi lẽ, mặc dù các trường tư thục và quốc tế mang lại những lợi ích nhất định, nhưng việc lựa chọn học tập không nhất thiết phải tại những trường này. Hệ thống trường công cũng cung cấp môi trường học tập chất lượng và đáp ứng được nhu cầu giáo dục của đa số học sinh một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Hiện nay, cũng đã có các chương trình tích hợp ở hệ thống giáo dục công cấp 1,2,3 giúp trẻ vẫn tiếp cận một phần với các giáo trình quốc tế với chi phí hợp lý hơn so với các trường quốc tế. Điều quan trọng hơn, việc tự học và việc cha mẹ cùng tham gia vào quá trình giáo dục cho con mới là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
Vì vậy, nếu trong trường hợp chúng ta cảm thấy quá áp lực về vấn đề học phí cho con cái, chúng ta nên suy nghĩ kỹ để quyết định lựa chọn hệ thống giáo dục phù hợp cho con và cũng cần phù hợp với tình hình tài chính cá nhân của cả gia đình.
Các chuyên gia tài chính cũng cho rằng, quyết định về tài chính cá nhân và giáo dục nhìn chung không có một công thức phổ quát dành cho tất cả mọi người, quan trọng là các quyết định tài chính cá nhân này phải đảm bảo sự phù hợp với bản thân và gia đình, cần tránh việc rập khuôn đưa ra các quyết định theo số đông, tránh đưa ra các quyết định trực giác và thiếu căn cứ khoa học.
Một đợt ốm nặng mất 3 năm thu nhập: Biến cố sức khỏe 'đè bẹp' an toàn tài chính
- Vay nợ để 'an cư': Người trẻ đối mặt nhiều rủi ro 19/08/2024 11:30
- Lo lương hưu không đủ sống, hàng triệu người tìm thêm nguồn tài chính cho tuổi già 10/08/2024 12:00
- Nỗi lo lương mới chưa về tài khoản, giá cả ngoài chợ đã tăng 07/07/2024 06:30
Ngày hội thống nhất non sông
(VNF) - Ngắm nhìn các hoạt động trong Ngày hội thống nhất non sông qua ống kính máy ảnh của tác giả Nguyễn Hữu Tấn.