Vay nợ để 'an cư': Người trẻ đối mặt nhiều rủi ro

Minh Nhật - 19/08/2024 11:30 (GMT+7)

(VNF) - Trước tình trạng giá nhà tăng nhanh hơn thu nhập, nhiều người trẻ quyết định dùng đòn bẩy tài chính để mua nhà. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Công Hòa, cố vấn tài chính cá nhân độc lập, dùng nợ vay để mua nhà giống như một “con dao hai lưỡi” và không phải ai cũng biết sử dụng con dao này đúng cách.

Âu sầu vì giấc mơ “an cư”

Thời gian gần đây, bài viết của một bạn trẻ sinh năm 2005 về câu chuyện mua nhà của người trẻ hiện nay bất ngờ nổi lên và nhận được sự quan tâm của đông đảo người dùng mạng xã hội.

Trong bài đăng của mình, bạn trẻ này cho biết: “Mình sinh năm 2005, là một thế hệ Gen Z chính hiệu. Mình lên Hà Nội được 1 năm, không phải là sinh sống nữa mà là sinh tồn ở Hà Nội. Mình hiện đang làm phó phòng marketing cho một công ty lớn, mức lương cũng gọi là có dư dả nhưng khi tiếp xúc với nhiều người, mình mới nhận ra rằng làm văn phòng bình thường không thể mua được nhà và sẽ có một thế hệ không mua được nhà. Nhiều lúc mình tự hỏi rằng phải làm bao nhiêu nữa thì mới đủ…”

Không ít bạn trẻ tỏ ra đồng cảm với trăn trở của chủ nhân bài đăng. Nhiều người bày tỏ sự lo lắng và bế tắc trong việc mua nhà, hiện thực hóa ước mơ “an cư, lạc nghiệp”, nhất là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt đắt đỏ, thu nhập bị ảnh hưởng sau đại dịch Covid-19.

Theo khảo sát của Tập đoàn công nghệ bất động sản Property Guru, những người trẻ trong độ tuổi từ 26 – 42 là nhóm có nhu cầu tìm mua bất động sản nhiều nhất năm 2023. Những người thuộc thế hệ Gen Z và Gen Y với độ tuổi dưới 35, có mức độ tìm kiếm thông tin bất động sản tăng liên tục trong vòng ba năm trở lại đây. Song, trong bối cảnh giá nhà liên tục tăng, không phải bạn trẻ nào cũng có thể sở hữu một căn nhà cho riêng mình.

Nhiều người trẻ "đau đầu" với giấc mơ an cư.

Anh Phạm Khải (26 tuổi, Nam Định), chuyên viên IT tại một công ty phần mềm có tiếng tại Hà Nội cho biết: “Mỗi lần về quê, tôi chỉ biết cười trừ khi nhận được câu hỏi từ bố mẹ và người thân về việc bao giờ thì mua nhà. Với mức lương 20 triệu đồng/tháng cộng thêm với 3 triệu đồng/tháng tiền làm thêm dự án ngoài, tôi chỉ đủ chi trả cho tiền nhà, ăn uống và các khoản chi tiêu hàng ngày và gửi một ít tiền về quê. Thực sự tôi cũng đã từng nghĩ đến việc mua một căn chung cư ở Hà Nội nhưng mỗi lần nghe nhân viên môi giới báo giá, tôi lại thấy giấc mơ trở nên ngày càng xa vời”.

Trong khi đó, chị Thu Trang (28 tuổi, Thái Bình) cho rằng: “Nếu không có hỗ trợ tài chính từ gia đình hoặc làm kinh doanh thì khó có nhân viên văn phòng nào có thể mua được nhà. Cứ tiết kiệm được 1 đồng, thì giá nhà lại tăng đến 3, 4 đồng thì làm đến bao giờ mới đủ tiền mua được một căn hộ”.

Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, ông Trịnh Công Hòa, cố vấn tài chính cá nhân độc lập, nhà sáng lập Blog tài chính cá nhân và đầu tư tích lũy TienCuaToi.vn, cho rằng nếu chỉ dựa vào tích lũy tiền của bản thân thì người trẻ khó có thể sở hữu căn nhà đầu tiên sớm. Ông dẫn chứng: “Lấy ví dụ một bạn trẻ với mức lương 10 triệu đồng/tháng – mức lương bình quân của nhiều người trẻ hiện nay. Nếu chi tiêu một cách tiết kiệm, mỗi tháng bạn trẻ này cũng đã phải bỏ ra 6,5 triệu đồng, bao gồm 2 triệu đồng tiền nhà, 3,5 triệu đồng tiền ăn, 500.000 đồng tiền điện nước, 500.000 đồng tiền đi lại. Như vậy, số tiền tiết kiệm mỗi tháng là 3,5 triệu đồng, tương đương với 42 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, giá chung cư ở Hà Nội bây giờ rẻ nhất là khoảng 40 triệu/m2. Để mua căn chung cư diện tích nhỏ tối thiểu khoảng 22 m2, số tiền bạn trẻ phải bỏ ra là khoảng 880 triệu đồng. Nếu cứ tích lũy tiết kiệm đều đặn thì bạn trẻ này sẽ phải mất 21 năm mới kiếm đủ số tiền để mua căn nhà rộng 22 m2. Đáng nói, điều kiện cần là căn nhà chỉ tăng giá bằng lãi tiết kiệm ngân hàng”.

Vay nợ để mua nhà, nên hay không?

Đứng trước tình trạng “giá nhà tăng không đợi lương tăng”, nhiều bạn trẻ đã nghĩ đến việc vay nợ để mua nhà.

Theo ông Trịnh Công Hòa, việc những người trẻ vay nợ, hay còn gọi là sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà không hiếm. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng sử dụng đòn bẩy tài chính là con dao hai lưỡi, nó giúp cho mọi người đạt được mục tiêu sở hữu căn nhà sớm hơn, nhưng nếu không cẩn thận, người trẻ có thể rơi vào những rủi ro khó lường.

Ông cho biết: “Rủi ro lớn nhất của việc vay nợ mua nhà chính là lãi suất. Các ngân hàng thường áp dụng trong các hợp đồng vay là lãi suất thả nổi. Nếu lãi suất tiết kiệm tăng thì lãi suất khoản vay cũng sẽ tăng. Việc tăng lãi suất thường xuyên xảy ra trong thời gian của khoản vay 20 - 30 năm do chính sách điều hành tiền tệ của nhà nước. Khi đó, tiền lãi vay mà bạn phải trả sẽ tăng lên. Câu hỏi đặt ra lúc này là bạn có đủ tiền để trả khi lãi tăng lên không?”.

Ông Trịnh Công Hòa, cố vấn tài chính cá nhân độc lập, nhà sáng lập Blog tài chính cá nhân và đầu tư tích lũy TienCuaToi.vn

Bên cạnh đó, người trẻ còn phải đối mặt với rủi ro về thu nhập trả nợ nếu phụ thuộc hoàn toàn vào tiền lương hàng tháng. “Nếu không may công ty gặp khó khăn, bạn phải nghỉ việc. Khi đó, bạn sẽ mất nguồn trả nợ vay ngân hàng. Khi có nợ xấu, căn nhà này sẽ phải xử lý để trả nợ ngân hàng”, ông Hoà ví dụ.

Cũng theo vị chuyên gia này, có nhiều người rơi vào tình trạng “vừa mất nhà, vừa ôm nợ” khi sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà trong lúc giá nhà đang ở mức đỉnh. “Nếu thị trường bất động sản bị suy giảm, giá trị căn nhà của bạn cũng sẽ giảm. Khi đó, ngân hàng có thể yêu cầu bạn trả nợ sớm hoặc thêm tài sản để đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định. Nếu bạn không thể làm vậy, ngân hàng sẽ bán căn nhà để trả nợ. Tuy nhiên, nếu số tiền từ việc bán nhà không đủ trả hết nợ, bạn sẽ vừa mất nhà, vừa phải gánh thêm khoản nợ còn lại”, ông Hòa nói.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp chủ đầu tư có các chương trình ưu đãi mua nhà cam kết trả lãi. Nhưng khi chủ đầu tư gặp khó khăn, việc cam kết này trở nên vô nghĩa, nợ vẫn là của khách hàng.

Để tránh những rủi ro kể trên, ông Hòa cho rằng, người mua nhà nên lựa chọn các gói vay có thời gian ưu đãi và cố định lãi suất dài nhất. “Hiện các ngân hàng có nhiều gói vay ưu đãi và cố định tới 5 năm. Như vậy, trong 5 năm đó, bạn sẽ được ổn định lãi mà không phải lo lãi suất thả nổi. Sau thời gian này, nếu vẫn muốn có lãi suất ổn định như vậy bạn có thể chuyển đổi ngân hàng khác có gói ưu đãi tốt tương đương. Ngoài ra, lựa chọn gói vay có lãi suất tham chiếu theo lãi suất tiết kiệm của những ngân hàng TMCP nhà nước thì khi có điều chỉnh lãi suất, khoản vay của bạn sẽ bị tăng ít lãi suất hơn”, ông khuyến nghị.

Đồng thời, người mua cũng nên cân đối giữa thu nhập – chi tiêu – trả nợ, đảm bảo sao cho tổng số tiền trả nợ/thu nhập dưới 30%, ví dụ như có thu nhập 10 triệu thì chỉ nên dành 3 triệu trả nợ. Tuy nhiên, số tiền còn phụ thuộc vào mức độ ổn định của thu nhập và số thu nhập hàng tháng. Ngoài ra, không nên phụ thuộc vào một nguồn tiền trả nợ mà nên xây dựng cho mình nhiều khoản thu nhập để tránh rủi ro khi mất nguồn thu nhập duy nhất.

Một điều tối quan trọng trong sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà là tạo quỹ dự phòng nợ vay từ 3 – 6 tháng, tránh chậm trả ngân hàng. “Với ngân hàng, bạn không thể chậm trả 1 ngày bởi sẽ phát sinh nhiều các loại phí, lãi kèm theo. Nếu quá hạn lâu ngày sẽ dẫn tới phải trả toàn bộ gốc, lãi, thậm chí, trong trường hợp xấu nhất còn phải xử lý tài sản đảm bảo. Chính vì thế, việc có một quỹ dự phòng sẽ giúp giảm áp lực tài chính khi đối mặt với những tình huống phát sinh bất ngờ”, ông lý giải.

Ông Hòa khẳng định, nếu biết sử dụng đòn bẩy tài chính đúng cách, lên kế hoạch một cách chi tiết, đa số các bạn trẻ đều có thể mua được nhà. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nên mua căn nhà phù hợp với khả năng tài chính của cá nhân, tránh cố quá để rồi tạo áp lực tài chính lên cuộc sống của chính mình. “Đừng để áp lực mua nhà trở thành một cái gông kìm hãm sự phát triển sự nghiệp cũng như khiến cuộc sống của bản thân nặng nề hơn”, ông nói.

Cùng chuyên mục
 DN liên quan Trương Mỹ Lan khất nợ 445 tỷ đồng lãi trái phiếu

DN liên quan Trương Mỹ Lan khất nợ 445 tỷ đồng lãi trái phiếu

(VNF) - Setra Corp, công ty liên quan hệ sinh thái bà Trương Mỹ Lan, góp vốn xây tháp Vietcombank, đang nợ gần 445 tỷ đồng lãi trái phiếu.

Hình dáng Cao tốc Vân Phong – Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích

Hình dáng Cao tốc Vân Phong – Nha Trang 12.000 tỷ tăng tốc về đích

(VNF) - Cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 1/2023. Hiện các nhà thầu đang khẩn trương thi công, phấn đấu hoàn thành dự án vào dịp 30/4/2025, vượt tiến độ 8 tháng.

'Việt Nam hưởng lợi từ sắp xếp lại thị trường xuất khẩu toàn cầu'

'Việt Nam hưởng lợi từ sắp xếp lại thị trường xuất khẩu toàn cầu'

(VNF) - Theo nhận định của các chuyên gia,Việt Nam là quốc gia tại ASEAN được hưởng lợi từ việc sắp xếp lại các thị trường xuất khẩu toàn cầu

Lần theo bước chân  khối ngoại trên TTCK Việt Nam

Lần theo bước chân khối ngoại trên TTCK Việt Nam

(VNF) - Nhìn lại cả hành trình của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam, có thể thấy sau thời gian chạy đà gom gió cho “con diều chứng khoán Việt” bay lên, đến nay thị trường đã “tự bay” được, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm dần.

Kinh doanh ô tô, xe máy tại Việt Nam, Honda thu lợi hơn 1 tỷ USD

Kinh doanh ô tô, xe máy tại Việt Nam, Honda thu lợi hơn 1 tỷ USD

(VNF) - Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Honda Việt Nam, Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Honda Việt Nam ghi nhận hơn 30.399,7 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bão Yagi hướng vào đất liền: Chính phủ lập Bộ Chỉ huy tiền phương

Bão Yagi hướng vào đất liền: Chính phủ lập Bộ Chỉ huy tiền phương

(VNF) - Tính đến 9h sáng 7/9, tâm bão vẫn còn cách đất liền khoảng 120km, nhưng đĩa mây đã xâm lấn ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng gây mưa to.

Top 10 DN vốn hoá lớn nhất sàn: Sự trở lại ấn tượng của ‘ông lớn’

Top 10 DN vốn hoá lớn nhất sàn: Sự trở lại ấn tượng của ‘ông lớn’

(VNF) - HPG đã cắt đứt chuỗi giảm điểm liên tiếp trong 7 phiên, đồng thời duy trì vị trí của mình trong top 10 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất thị trường.

CEO Nvidia: Thà 'tra tấn nhân viên để họ trở nên vĩ đại' còn hơn sa thải

CEO Nvidia: Thà 'tra tấn nhân viên để họ trở nên vĩ đại' còn hơn sa thải

(VNF) - CEO "gã khổng lồ" ngành chip Nvidia, ông Jensen Huang, mới đây đã bày tỏ quan điểm về việc đào tạo nhân viên. Theo đó, vị tỷ phú này lựa chọn đẩy những nhân viên của mình tới giới hạn cuối cùng để thấy họ bứt phá, thay vì lựa chọn sa thải.

An Phát Holdings: Đằng sau sự rút lui Chủ tịch Phạm Ánh Dương

An Phát Holdings: Đằng sau sự rút lui Chủ tịch Phạm Ánh Dương

(VNF) - Cùng với việc Chủ tịch HĐQT từ nhiệm, An Phát Holdings cũng thông báo hạ chỉ tiêu kinh doanh năm nay. Sắp tới, Tập đoàn sẽ thay đổi ngành nghề kinh doanh và sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu APH đã có phản ứng "dữ dội".

HDBank triển khai mạnh mẽ các sáng kiến về tài trợ thương mại và ESG

HDBank triển khai mạnh mẽ các sáng kiến về tài trợ thương mại và ESG

(VNF) - Lần thứ hai liên tiếp nhận giải thưởng “Ngân hàng đối tác hàng đầu tại Việt Nam” từ ADB, HDBank một lần nữa khẳng định năng lực quản lý rủi ro, sự minh bạch và hiệu quả trong hoạt động tài trợ thương mại, hỗ trợ phát triển bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam.