Một đợt ốm nặng mất 3 năm thu nhập: Biến cố sức khỏe 'đè bẹp' an toàn tài chính

Xuân Thạch - 23/08/2024 07:00 (GMT+7)

(VNF) - Khách hàng thông thái hiện nay đều nhận thức rằng việc tham gia bảo hiểm là cần thiết để bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro có thể gây ra tổn thất tài chính. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mức độ bảo vệ nào là đủ và căn cứ vào đâu để xác định những con số này. Đây chính là bài toán về “khoảng thiếu hụt bảo vệ”mà mỗi gia đình cần phải giải quyết

Trước những tình huống rủi ro có thể gây tổn thất tài chính, sự bảo vệ cần thiết là khả năng tài chính để chi trả cho việc điều trị, phục hồi sức khỏe và trang trải cuộc sống. Khái niệm “Khoảng thiếu hụt bảo vệ” (Protection Gap) giúp chúng ta xác định nguồn lực tài chính còn thiếu cho gia đình.

Hiện nay, có hai khái niệm phổ biến về khoảng thiếu hụt bảo vệ. Thứ nhất là khoảng thiếu hụt bảo vệ sinh mạng (Mortality Protection Gap), là số tiền cần có để duy trì mức sống của gia đình trong trường hợp người trụ cột qua đời. Thứ hai là khoảng thiếu hụt bảo vệ sức khỏe (Health Protection Gap), là số tiền cần thiết cho chi tiêu y tế và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong các trường hợp nghiêm trọng như bệnh hiểm nghèo hoặc các tình trạng cần chăm sóc lâu dài.

Hai khoảng thiếu hụt này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính của cá nhân và gia đình. Nếu không chuẩn bị phương án tài chính để lấp đầy những khoảng trống này, gia đình có thể gặp khó khăn nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và an sinh xã hội.

Gặp biến cố sức khỏe, gia đình Việt tiêu tốn 3 năm thu nhập

Theo một khảo sát với gần 15.000 khách hàng tại 10 quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Swiss Re, kết quả cho thấy có đến hơn 75% hộ gia đình không thể tự trang trải các khoản tài chính để duy trì mức sống nếu nguồn thu nhập chính bị mất đi. Sự thiếu hụt này được ước tính lên đến 8 lần trung bình thu nhập năm của hộ gia đình.

Tổng giá trị bảo vệ sinh mạng còn thiếu hụt trong khu vực ước tính là 83 nghìn tỷ USD vào năm 2020 và ước tính tăng trung bình 4% mỗi năm trong giai đoạn 2020-2030.

Đối với tình trạng bảo vệ sức khỏe, cũng theo một nghiên cứu khác của Swiss Re, tổng giá trị thiếu hụt tại Châu Á là 1,8 nghìn tỷ USD (ước tính vào 2018). Gánh nặng tài chính cho chi tiêu y tế này có thể thấy khá rõ tại các quốc gia đang phát triển (chiếm 75% giá trị còn thiếu), chủ yếu do dân số đông, mức thu nhập nhàn rỗi còn khiêm tốn và tỷ lệ tham gia bảo hiểm thấp, dẫn đến việc tự chi trả cho các rủi ro sức khỏe còn quá cao.

Tại Việt Nam, báo cáo của Swiss Re nhận định có đến 86% nhu cầu bảo vệ sinh mạng chưa được lấp đầy, với giá trị trung bình lên đến hơn 12 lần thu nhập năm của hộ gia đình, và khoảng cách này ngày càng tăng lên với tốc độ ước tính 9% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2030.

Khi phân tích sự ảnh hưởng của các gánh nặng chi tiêu y tế lên thu nhập năm của hộ gia đình, nghiên cứu của Swiss Re chỉ ra rằng Việt Nam là quốc gia có tỷ trọng thiếu hụt tài chính cao nhất khu vực (22%). Nếu chỉ xem xét 5% các hộ gia đình có khả năng tài chính thấp nhất, thì tỷ trọng trung bình này lên đến 330%; nghĩa là nếu gặp một biến cố lớn về sức khỏe, một gia đình trung bình sẽ phải tiêu tốn một khoản tài chính tương đương hơn 3 năm thu nhập, để trang trải các chi phí y tế. Đáng lưu ý, chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình chiếm khoảng 43% tổng chi phí y tế, gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Đó là chưa kể đến khoản thu nhập chưa được bù đắp và các cơ hội tăng trưởng tích lũy bị mất đi trong suốt thời gian điều trị và phục hồi.

Theo Thạc sỹ Đặng Thuỳ Trang, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty FIDT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt bảo vệ này tại Việt nam cũng như các nước châu Á. Đầu tiên, phải kể đến các yếu tố kinh tế xã hội ảnh hưởng rõ rệt đến tình trạng thiếu hụt bảo vệ sinh mạng, khi tỷ lệ người cao tuổi tại Châu Á ngày càng tăng cao, dẫn đến áp lực lớn lên các hệ thống an sinh xã hội và các gánh nặng tài chính lên vai người trụ cột.

Kế đến, tình trạng suy thoái của nền kinh tế toàn cầu khiến giá trị tài sản cá nhân giảm sút, cộng với thực trạng vay nợ phổ biến (đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển) khiến cho nhu cầu bảo vệ ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, lạm phát chi phí y tế, sự nhận thức của người dân về sức khỏe là một trong những yếu tố chủ đạo ảnh hưởng sâu sắc đến việc nhìn nhận nhu cầu bảo vệ của chính họ.

Theo báo cáo của Swiss Re, trong số những người tham gia khảo sát tự cho là mình khỏe mạnh (“healthy”) có đến 61% hút thuốc mỗi ngày và 49% chỉ tập thể dục nhiều lắm là 1 lần (20 phút) mỗi tháng. Không khó để thấy người dân Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng còn đánh giá thấp các rủi ro về sức khỏe.

Xác định khoảng thiếu hụt phù hợp

Để giải quyết thực trạng này, bà Đặng Thuỳ Trang cho rằng, trước hết cần phải xác định được khoảng thiếu hụt bảo vệ của mỗi cá nhân, cũng như cả gia đình. Công thức đơn giản là: Khoảng thiếu hụt bảo vệ = Khoản tài chính cần thiết - Nguồn lực tài chính sẵn có.

Thạc sỹ Đặng Thuỳ Trang, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty FIDT

Thứ nhất, đối với việc bảo vệ sinh mạng người trụ cột, nếu nguồn thu nhập chủ đạo không còn nữa, “khoản tài chính cần thiết” sẽ phải đủ để trả các khoản nợ vay và trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình trong một khoảng thời gian nhất định (10-15 năm hoặc đến khi các con trưởng thành). Khi tính toán dòng chi phí này, cần chú ý yếu tố lạm phát và các nhu cầu thiết yếu của người phụ thuộc, như việc chăm sóc y tế cho cha mẹ lớn tuổi, tài chính cho việc học của con.

Thứ hai, đối với việc bảo vệ sức khỏe, cần xác định các khoản tài chính cần chuẩn bị không chỉ dành cho việc điều trị các tình trạng bệnh nghiêm trọng, mà còn là các khoản gia đình phải “cắt giảm, bù trừ” từ chi tiêu sinh hoạt, học tập... để duy trì sức khỏe cho người trụ cột. Ngoài ra, cần tính đến phần thu nhập có khả năng bị giảm sút hoặc mất đi trong khoảng thời gian hồi phục.

Nguồn lực tài chính sẵn có sẽ bao gồm các khoản tích lũy, tiết kiệm, thu nhập người trụ cột còn lại, hoặc các tài sản, bất động sản (không phải nơi ở chính). Bên cạnh đó, giá trị bảo vệ từ các chương trình bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, thương mại, bảo hiểm nhóm), nếu có, sẽ góp phần đáng kể làm tăng nguồn lực tài chính.

“Khi xác định được khoảng trống thiếu hụt này sẽ trả lời câu hỏi cho người tham gia bảo hiểm, rằng mức bảo vệ 1 tỷ đồng, 5 tỷ đồng, 10 tỷ đồng hay cao hơn mới là đủ. Đó không phải con số chung chung mà phải là một giải pháp được tùy chỉnh cho từng cá nhân và tình trạng tài chính cụ thể. Không ai giống ai”, bà Thuỳ Trang nhấn mạnh.

Làm sao để lấp đầy khoảng trống?

Trước thực trạng thiếu hụt bảo vệ, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030. Trong đó có mục tiêu đến năm 2025 có 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, đến năm 2030 con số này là 18%. Cùng với đó, phí bảo hiểm bình quân đầu người đạt 3 triệu đồng vào năm 2025, 5 triệu đồng vào năm 2030. Các mục tiêu trên chính là để lấp đầy khoảng trống thiếu hụt – Protection Gap, bảo đảm chính sách an sinh xã hội trước nguy cơ già hoá dân số Việt Nam được dự đoán vào năm 2050.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết Chính phủ đã và đang tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm phát triển đa dạng các dòng sản phẩm mới, lấy khách hàng làm trọng tâm.

Theo các chuyên gia, bảo hiểm là một giải pháp hữu hiệu cải thiện nguồn tài chính dự phòng đáp ứng các nhu cầu bảo vệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân Việt Nam chưa tận dụng tốt phương án này, với tỷ lệ người dân có tham gia bảo hiểm còn rất hạn chế (12% dân số) và tỷ lệ tổng phí bảo hiểm trên GDP (3% vào năm 2023), vẫn thấp hơn so với các nước trong cùng khu vực (khối ASEAN là 3,35%, châu Á là 5,37%).

Ông Sơn Trần, Phó Tổng Giám đốc Công nghệ của Prudential Việt Nam, cho biết thị trường bảo hiểm đang ngày càng mở rộng. Các công ty bảo hiểm đang đầu tư mạnh mẽ vào chiến lược chuyển đổi số, giúp nhiều người Việt Nam tiếp cận các giải pháp bảo vệ một cách dễ dàng và thuận tiện hơn. Khi ngày càng nhiều người được bảo vệ, khoảng thiếu hụt bảo vệ tài chính sẽ giảm, góp phần đạt được mục tiêu bền vững cho an sinh xã hội trong những thập kỷ tới.

Thực tế cho thấy, vai trò của các công ty bảo hiểm trong việc thẩm định và duyệt chi trả bồi thường là yếu tố quan trọng quyết định xem người dân có muốn lấp đầy khoảng thiếu hụt bảo vệ của mình bằng bảo hiểm hay không. Đối với các công ty bảo hiểm, một thách thức khác là cần đánh giá chính xác và đầy đủ các nhu cầu, mong muốn của khách hàng, đồng thời chuẩn hóa đội ngũ tư vấn viên để cung cấp những giải pháp bảo vệ phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.

Thạc sỹ Đặng Thuỳ Trang cho rằng, có 3 yếu tố quan trọng để lấp đầy khoản thiếu hụt bảo vệ, đó là nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm, thay đổi để bảo hiểm trở nên dễ tiếp cận hơn với người dân, sản phẩm bảo hiểm đa dạng có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

Nhằm thu hút nhiều khách hàng mới hơn nữa, các công ty bảo hiểm cần hướng đến cung cấp một hệ sinh thái toàn diện thông qua ứng dụng kỹ thuật số, các ứng dụng chăm sóc khách hàng... Nhìn chung, không hẹn mà gặp, hầu hết công ty bảo hiểm đều đang nỗ lực để thay đổi, làm mới, cũng như rút ngắn khoảng cách giữa nhà bảo hiểm và khách hàng.

Cũng theo bà Trang, sự “trông chờ” vào các tài sản sẵn có để trang trải cuộc sống (nếu rủi ro xảy ra) sẽ khiến người tiêu dùng bỏ lỡ các cơ hội đầu tư hiệu quả, toàn bộ kế hoạch dài hạn của gia đình có thể bị phá vỡ, và ở khía cạnh rộng hơn, đang tạo áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.

Trên thực tế, một vài quốc gia phát triển trong khu vực đã và đang tích cực phổ cập các khái niệm về bảo vệ trong toàn dân, đồng thời đặt ra mục tiêu cụ thể về việc thu hẹp các khoảng thiếu hụt bảo vệ như một tiêu chí đánh giá sự phát triển của toàn ngành.

“Một khi mọi người nhìn nhận được “mảnh ghép bảo vệ” vừa vặn và ý nghĩa như thế nào với bức tranh tài chính cá nhân của họ, là lúc ý nghĩa của bảo hiểm được phát huy nhất”, chuyên gia của FIDT nhấn mạnh.

DN bảo hiểm 'thay áo mới': Đổ nghìn tỷ chạy đua chuyển đổi số

DN bảo hiểm 'thay áo mới': Đổ nghìn tỷ chạy đua chuyển đổi số

Tài chính tiêu dùng
(VNF) - Để đặt được các mục tiêu tăng trưởng, chiếm lĩnh thị phần... các DN xác định không thể không cần đến vai trò chuyển đổi số. Vì thế, các doanh nghiệp bảo hiểm đang đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số một cách sâu và rộng hơn bao giờ hết
Cùng chuyên mục
Tin khác