DN bảo hiểm 'thay áo mới': Đổ nghìn tỷ chạy đua chuyển đổi số
(VNF) - Để đặt được các mục tiêu tăng trưởng, chiếm lĩnh thị phần... các DN xác định không thể không cần đến vai trò chuyển đổi số. Vì thế, các doanh nghiệp bảo hiểm đang đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số một cách sâu và rộng hơn bao giờ hết
“Kẻ tám lạng, người nửa cân”
PJICO là một trong các doanh nghiệp bảo hiểm có được kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 khá ấn tượng. Cụ thể, tổng doanh thu ước đạt 2.546 tỷ đồng, hoàn thành 53,4% kế hoạch năm 2024. Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc ước đạt 2.154 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 53,6% kế hoạch năm 2024, lợi nhuận trước thuế ước đạt 190 tỷ đồng, hoàn thành 65,8% kế hoạch cả năm.
“Để đạt được kết quả này, có sự đóng góp rất to lớn của việc chuyển đổi số được thực hiện từ những năm 2019”, ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT PJICO cho biết.
Theo đại diện của PJICO, DN đã tiến hành các công tác số hóa dữ liệu, quy trình, xây dựng văn hóa và phát triển nhân lực số để nâng cao trải nghiệm khách hàng trong môi trường kỹ thuật số từ năm 2019.
Cụ thể, các ứng dụng nền tảng và công cụ phục vụ cho tác nghiệp toàn mạng lưới đã được triển khai đồng bộ, nổi bật là Hệ thống App PJICO Seller và website baohiem.pjico.com.vn cho đại lý xăng dầu, bancas; nâng cấp hệ thống App My PJICO đem lại sự tiện lợi cho khách hàng trong theo dõi các hợp đồng bảo hiểm và yêu cầu bồi thường.
“Những công nghệ mới cũng được nghiên cứu áp dụng giúp tự động hóa các hoạt động quản trị nội bộ, an toàn thông tin khách hàng, an toàn hệ thống, giúp khách hàng an tâm khi sử dụng dịch vụ trực tuyến”, đại diện PJICO nói thêm.
Tương tự, bảo hiểm MIC cũng “chi đậm” cho số hoá trong những năm gần đây. Cụ thể, trong năm 2023 MIC đã tăng tốc chuyển đổi số đưa công nghệ vào trong hoạt động kinh doanh, ứng dụng công nghệ tiên tiến ECM, BPM, Microservices làm nền tảng chuyển đổi hoạt động phục vụ kinh doanh. APP MIC tích hợp các công nghệ hiện đại như AI, OCR (nhận diện ký tự quang học), chụp ảnh realtime, đồng thời cũng ra mắt tính năng khai báo bồi thường Online với nhóm sản phẩm Xe cơ giới và sức khỏe ngay trên ứng dụng (APP MIC).
Nhờ đó, kết thúc Quý II/2024, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.575 tỷ đồng, tăng 6,1%. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 135 tỷ đồng, đạt 1.467 tỷ đồng, giúp lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ 9,49% lên 161,2 tỷ đồng so với nửa đầu năm 2023.
Theo ông Sơn Trần, CIO – Phó Tổng Giám đốc của Prudentila Việt Nam, chuyển đổi số là một trong những kênh được ưu tiên hàng đầu cho chiến lược lấy khách hàng làm trọng tâm của Prudential. Đồng thời, ông Sơn cũng đánh giá hiện nay chuyển đổi số trong ngành bảo hiểm đang diễn ra rất sâu và rộng, hầu hết các công ty bảo hiểm đang “đổ tiền” rất nhiều cho mục tiêu quan trọng này.
“Việc áp dụng công nghệ sẽ đóng góp trên 80% sự thành công của việc triển khai các quy định mới của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022, giúp thị trường bảo hiểm thay “áo mới””, ông Sơn nhấn mạnh.
Sắp tới đây, Prudential là một trong những DN bảo hiểm đầu tiên ứng dụng Generative AI (AI tạo sinh) vào việc ghi âm và kiểm tra chất lượng tự động cho quá trình tư vấn, từ đó rút ngắn thời gian chờ đợt của khách hàng, nhiều ngày giảm xuống chỉ còn 1 vài phút.
Nhờ đầu tư có trọng điểm như vậy, năm 2023 ghi nhận 82% giao dịch đã được thực hiện trực tuyến, khách hàng tiện lợi kênh nào, công ty hỗ trợ chỗ đó. 77% được xử lý ngay trong ngày, tỷ lệ chấp thuận với quyền lợi chăm sóc y tế là 94% và rủi ro nghiêm trọng là 70%.
Các chuyên gia bảo hiểm cho rằng, do yêu cầu từ thị trường, người tiêu dùng thay đổi rất nhiều và theo thời gian thực, khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đồng thời các doanh nghiệp ngày càng cạnh tranh khốc liệt giành thị phần, chuyển đổi số chính là chất xúc tác để các DN bảo hiểm tự nâng cấp mình, giữ chân khách hàng, hướng đến phát triển bền vững. Cuối cùng, việc áp dụng Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2022 chính là một bước ngoặt pháp lý của thị trường bảo hiểm, đặc biệt là sau những khủng hoảng của năm 2023.
Đặc biệt, Luật quy định nhiều nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số như: định rõ nguyên tắc bán bảo hiểm online đảm bảo minh bạch, công bằng, bảo mật thông tin khách hàng…Tất cả những yếu tố trên lại càng khiến cho câu chuyện chuyển đổi số trong các DN bảo hiểm diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Số hoá là “con đường” lấy lại niềm tin
Theo báo cáo PwC, từ 2018 – 2021, số người chuyển đổi nhà cung cấp bảo hiểm do thiếu cổng thông tin khách hàng thân thiện với người dùng đã tăng 80%. Khách hàng luôn mong muốn các yêu cầu dễ dàng thao tác và nhanh chóng xử lý. Cũng theo báo cáo, 53% khách hàng ở độ tuổi 18-24 cho biết sẽ sử dụng kênh kỹ thuật số để tương tác với công ty của họ trong vòng 90 ngày tới. Và hơn hết, nhờ sự phổ biến của các kênh kỹ thuật số, ứng dụng di động, giờ đây khách hàng mong muốn có thể tự làm được nhiều việc hơn mà không cần tương tác với đại diện CSKH. Đó chính là xu hướng chuyển đổi số của ngành bảo hiểm.
Trao đổi với VietnamFinance, ông Đàm Hữu Hậu, Giám đốc tư vấn FPT Digital cho biết, để có được kết quả tốt nhất trong quá trình quan trọng này, các công ty bảo hiểm cần phải có lộ trình chuyển đổi toàn diện, vừa khai thác và phát huy tối đa nền tảng có sẵn, đồng thời áp dụng các công nghệ mới với 4 mục tiêu chính.
Thứ nhất, nâng cao trải nghiệm tương tác khách hàng, đem đến trải nghiệm tốt hơn trên tất cả các quy trình, mọi điểm tương tác từ tìm kiếm thông tin, mua sản phẩm dịch vụ, hỗ trợ giải thích thông tin và đặc biệt là khiếu nại bồi thường bảo hiểm.
Thứ hai, tập trung công nghệ vào việc tối ưu hoạt động kinh doanh, ưu tiên việc giải quyết quyền lợi bồi thường trên nền tảng số giúp giảm bớt thời gian tác nghiệp, nâng cao độ chính xác và nhanh chóng kịp thời.
Thứ ba, số hoá hoạt động quản trị nội bộ của các công ty bảo hiểm, giúp tăng cường hiệu quả trong vận hành, phối hợp xử lý các thủ tục nội bộ, tối ưu các hoạt động kinh doanh, xử lý bồi thường.
Cuối cùng, tăng cường năng lực công nghệ và thúc đẩy văn hoá đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, đây là yếu tố cơ bản, trọng yếu để triển khai các trụ cột chuyển đổi số thành công.
“Ưu tiên việc khách hàng tìm thấy chính xác, đầy đủ những thông tin về sản phẩm dịch vụ, theo dõi cập nhật về hợp đồng bảo hiểm của mình. Đồng thời khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, có thể chủ động thông báo yêu cầu bồi thường và theo dõi được tiến trình xử lý”, ông Hậu nói thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, thành viên hội Luật gia Việt Nam, Ông Trần Nguyên Đán cho rằng, việc chuyển đổi số sẽ là “con đường” giúp ngành bảo hiểm lấy lại niềm tin của khách hàng. Đặc biệt là bùng nổ xu hướng Insurtech giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận đến các loại hình bảo hiểm vi mô.
Việc bán bảo hiểm bằng công nghệ, sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm mở rộng tệp khách hàng của mình, bằng các sản phẩm phục vụ đúng đến nhu cầu. Ông Đán ví dụ, thay vì các loại bảo hiểm sức khoẻ đắt tiền vài triệu đồng, các doanh nghiệp có thể phát triển bảo hiểm sức khoẻ kết hợp cùng với bảo hiểm y tế với một mức giá vừa phải từ 300.000 – 400.000 đồng, tính ra chưa đến 1.000 đồng/ ngày, để kết hợp chi trả cùng với bảo hiểm y tế, hướng đến nhiều đối tượng khách hàng qua kênh số, ở các vùng nông thôn, giúp mọi người dân dễ dàng tham gia và nhận thấy lợi ích của bảo hiểm.
“Xu hướng này sẽ làm thay đổi kỳ vọng của khách hàng và tạo đà bứt phá cho ngành bảo hiểm phát triển toàn diện hơn”, ông Đán nhấn mạnh.
Ông Sơn Trần, CIO - Phó Tổng Giám đốc của Prudentila Việt Nam cho biết, việc số hoá giúp cho sản phẩm và dịch vụ đến với khách hàng gần như ngay tức thì, thân thiện, dễ tiếp cận. Một DN muốn bền vững thì phải xuất phát từ cả 2 phía, đó là từ chính mỗi DN và khách hàng. Ví dụ, khi dịch vụ đến với khách hang phát sinh vấn đề, số hoá giúp cho doanh nghiệp nhận phản hồi ngay lập tức, chính sự tương tác kịp thời đó giúp DN lắng nghe để cải tiến, tinh chỉnh, bền vững và đi xa hơn.
Cũng theo ông Sơn, quy mô thị trường ngày càng lớn, với sự trợ giúp của nền tảng số ngày càng nhiều người Việt được bảo vệ, khoảng trống bảo vệ tài chính (Protection Gap) được giảm xuống, đạt được mục tiêu bền vững trong an sinh xã hội trong vài thập niên tới. Và theo đó, DN bảo hiểm cũng sẽ trường tồn nhiều thế hệ giống như cách các DN bảo hiểm đa quốc gia đã phát triển và tồn tại gần 400 năm trên thế giới.
Mỗi tháng tốn vài chục triệu viện phí, bố mẹ lo 'săn' bảo hiểm sức khoẻ cho con
- Các DN bảo hiểm trả quyền lợi cho khách gần 41.300 tỷ đồng 26/07/2024 05:42
- Đóng bảo hiểm y tế đắt hơn mua bảo hiểm sức khoẻ: Chọn loại nào? 05/07/2024 09:30
- DN bảo hiểm lớn nhất Việt Nam thoái vốn nhà nước, tập đoàn ngoại chờ thâu tóm? 28/06/2024 08:30
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.