Mua đất nền 'ma', nhà đầu tư TP. HCM 'tiền mất tật mang'

Ninh Dương - 12/08/2022 15:45 (GMT+7)

(VNF) - Các sản phẩm đất nền ở TP. HCM ngày càng hiếm khiến nhiều đơn vị vẽ ra nhiều dự án “ma” để lôi kéo khách hàng. Người mua đất rơi vào tình trạng dở khóc, dở cười, “tiền mất tật mang” ngày càng nhiều hơn.

VNF
Người mua cần phối hợp nhiều phương pháp tìm hiểu kỹ lưỡng tính pháp lý trước khi mua đất dự án

“Tiền mất tật mang”

Chị Hà (một cư dân ngụ ở quận Bình Thạnh) cho biết, do môi giới đồn thổi Công ty Hoàng Huỳnh Gia ở TP. HCM có nhiều đất nền giá tốt, chị đã gom góp tiền tiết kiệm mua hai nền đất của công ty này ở khu dự án Huỳnh Gia City (Hàm Thuận Nam). Ai ngờ chị tá hỏa khi mới đây Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an TP. HCM công bố dự án này không có thật, chủ đầu tư lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có hàng trăm người cũng bị lửa đảo như chị Hà. Mặc dù chưa được bàn giao đất, chưa được cơ quan chức năng cấp phép đầu tư dự án nhưng giám đốc công ty vẫn sử dụng pháp nhân Công ty Hoàng Huỳnh Gia để tự lập bản vẽ phân lô nền đất, lập giả dự án mang tên khu đô thị Huỳnh Gia để huy động vốn. Công ty này đã chạy quảng cáo mở bán nhằm mục đích tạo niềm tin, rồi ký kết các hợp đồng đặt cọc và thanh toán, từ đó thu tiền của các khách hàng để chiếm đoạt, sử dụng cho mục đích cá nhân.

Trước đó, công an TP. HCM cũng công bố thông tin đề nghị truy tố ban giám đốc Công ty Angel Lina (Công ty Đất Vàng Hoàng Gia) tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì vẽ dự án “ma”. Có tới gần 400 người ký hợp đồng với công ty này, đã thanh toán 500 tỷ đồng, để mua đất nền tại 9 dự án "ma" tại quận 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức... Các dự án này được chủ đầu tư đặt tên là khu dân cư: Triều An, Tây Lân, Liên khu 5-6, Làng đại học phường Linh Trung, Đỗ Xuân Hợp, Phước Long B, Bùi Thành Khiết…. rồi rao bán.

Điều đáng nói là rất nhiều người mua đất nền hiện nay ở TP. HCM không có kiến thức về việc yêu cầu chủ đầu tư, người bán hàng, hay môi giới cung cấp những thông tin pháp lý.

Luật sư Lê Văn Thắng (Đoàn luật sư TP. HCM) cho biết, trước khi thành toán tiền mua đất, căn hộ dự án, người mua có thể yêu cầu chủ đầu tư cung cấp một số giấy tờ: giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng cấp, bản quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trên giấy tờ này có thể hiện rõ thiết kế dự án, mặt bằng, bố trí tiện ích, biên bản nghiệm thu hoàn thiện kết cấu móng công trình.

Theo pháp luật, dự án phải hoàn thiện phần móng trước khi được bán sản phẩm trên thị trường. Bên cạnh đó là giấy chứng nhận bảo lãnh của ngân hàng. Theo luật sư Thắng, giấy tờ này giúp đảm bảo việc chủ đầu tư sẽ thực hiện các nghĩa vụ tài chính với dự án trong tương lai. Nếu xảy ra rủi ro với chủ đầu tư, ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm này với khách mua.

1Nhiều người dân rơi vào hoàn cảnh "tiền mất tật mang" với dự án "ma"

Tuy nhiên, nhiều người mua nhà ở TP. HCM cho biết, một dự án mà cung cấp đủ các loại giấy tờ như trên thì giá đã cao... tới nóc. “Chủ đầu tư thường 'bán lúa non', huy động vốn trước để có tiền triển khai các hạng mục tiếp theo. Khi ấy, do chủ đầu tiên cần tiền nên giá vẫn còn mềm, giấy tờ bán cũng chỉ là dạng thỏa thuận góp vốn. Còn khi đã có giấy phép xây dựng hay đã làm xong móng, hạ tầng thì đừng hy vọng giá mềm và thu lời được”, chị Hương, một nhà đầu tư thứ cấp cho biết.

"Nhiều chủ đầu tư làm đúng cam kết là có thật, nghĩa là cứ mua trả tiền góp vốn trước đủ thủ tục pháp lý thì làm hợp đồng mua bán sau. Nhưng cũng nhiều chủ đầu tư ôm tiền chạy trốn, rủi ro đi kèm với lợi nhuận. Điều này vô hình trung đã để các dự án ma, các chủ đầu tư lừa đảo người mua có đất tái diễn”, anh Hưng, một môi giới bất động sản ở huyện Bình Chánh nói.     

Tra cứu tính pháp lý ở đâu?

Nhiều người mua nhà cẩn thận, thay vì yêu cầu chủ đầu tư trình giấy tờ, hồ sơ pháp lý (có trường hợp chủ đầu tư làm con giấu giả, giấy tờ giả) đã mày mò tra cứu tính pháp lý của dự án. Nhưng điều đáng nói là thông tin từ phía cơ quan quản lý rất mờ nhạt, thiếu tính cập nhật và hướng dẫn người mua.

Sở Xây dựng TP. HCM ra mắt ứng dụng SXD247 trên điện thoại thông minh, theo quảng cáo chỉ mất vài giây cài đặt ứng dụng này, người dân có thể dễ dàng tra cứu đầy đủ thông tin dự án bất động sản bao gồm: tên chủ đầu tư, địa chỉ chủ đầu tư, quy mô đầu tư, thông tin về diện tích dự án, pháp lý dự án, tiến độ dự án và hình ảnh thực tế.

"Nhưng tôi tìm đỏ mắt mà không thấy việc cập nhật rất sơ sài, nhiều dự án đang mở bán trên thị trường mà ứng dụng trên hoàn toàn không có", anh Hồ Văn Hưng nhà ở quận Bình Thanh, phản ánh.

"Nghe nói ứng dụng SXD247 còn giúp người dùng tra cứu được hàng loạt thông tin hữu ích như: tình trạng giải quyết các hồ sơ, giấy phép xây dựng. Khi có nhu cầu về phản ánh góp ý, người dùng chỉ mất vài phút để gửi nội dung, hệ thống sẽ thông báo đến đơn vị phụ trách thông qua ứng dụng và tin nhắn văn bản gửi đến điện thoại di động (SMS). Nhưng thực tế là tra cứu tình trạng cấp phép xây dựng của dự án bất động sản chỉ thấy khoảng thời gian từ năm 2020 trở về trước. Còn lãnh đạo Sở Xây dựng cũng không phản hồi các góp ý của người dùng qua ứng dụng và đôn đốc giải quyết kịp thời các vấn đề người dân gửi đến", ông Trần Văn Vui, cán bộ hưu trí ở quận 7, cho biết.

Gần đây nhất, Công an TP. HCM khởi tố bị can, bắt tạm giam tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ Nhà Đất Việt để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công ty này mua nhiều lô đất ở Củ Chi, chưa xong thủ tục mua bán đã tự lập dự án, vẽ phân lô mỗi nền đất từ 80 m2 đến 100 m2 với tên gọi “Dự án Khu dân cư Lộc Phát Garden” và “Dự án Khu dân cư Nhuận Đức” bán đất nền cho nhiều người dưới dạng thổ cư và sử dụng hình thức “Hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất” rồi chiếm đoạt tiền.

VietnamFinance cũng cố gắng tìm hiểu thông tin tính pháp lý của những dự án ở Củ Chi tại Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện và cổng thông tin của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, ứng dụng SXD 247 nhưng hoàn toàn vô vọng. Điều này cho thấy những lỗ hổng trong việc tuyên truyền, minh bạch thông tin dự án sạch cần phải lấp đầy. 

Cùng chuyên mục
Tin khác