Mỹ bổ sung 5 quốc gia vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ
Minh An -
29/05/2019 16:10 (GMT+7)
(VNF) - Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra danh sách 9 quốc gia cần giám sát về chính sách tiền tệ bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Italy, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam, trong một báo cáo mà bộ này vừa gửi lên Quốc hội Mỹ.
Trong số 9 nước mà Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách theo dõi, có 4 nước đã có tên trong báo cáo hồi tháng 10 năm ngoái, gồm Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Còn lại là 5 nước mới được bổ sung, gồm Ireland, Italy, Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Trong báo cáo nói trên, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định không đối tác thương mại nào của Mỹ, kể cả Trung Quốc, thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, bộ này vẫn kêu gọi Trung Quốc tránh để đồng Nhân dân tệ tiếp tục yếu đi.
Theo tiêu chí quy định đã được điều chỉnh của Mỹ, một đối tác thương mại bị coi là thao túng tiền tệ nếu thặng dư thương mại ít nhất 20 tỷ USD với Mỹ, thặng dư tài khoản vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP và thị trường ngoại hối luôn chịu sự chi phối một chiều.
Bộ Tài chính Mỹ cho hay Hàn Quốc chỉ thỏa mãn một trong ba tiêu chí về thao túng tiền tệ và nước này có thể được đưa ra khỏi danh sách trong 6 tháng tới.
Trong khi đó, theo Bloomberg, Việt Nam có nguy cơ đáp ứng cả ba tiêu chí mới của Bộ Tài chính Mỹ về thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ không gắn mác Việt Nam là thao túng tiền tệ, cơ quan này cho biết Việt Nam thực hiện cả mua vào và bán ra ngoại tệ và việc mua ròng ngoại tệ vì "lý do hợp lý" nhằm tăng dự trữ ngoại hối.
Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam còn có Singapore và Malaysia bị đưa vào danh sách theo dõi lần này. Bloomberg trích lời ông Kim Hwan, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Investment & Securities tại Seoul cho biết động thái này của Mỹ là nhằm gây sức ép với Trung Quốc vì 3 nước Việt Nam, Singapore và Malaysia đều có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc.
Singapore lọt vào danh sách này vì thặng dư tài khoản vãng lai lớn và có mức mua ngoại tệ ròng ít nhất 17 tỷ USD trong năm 2018, tương đương 4,6% GDP, theo Bộ Tài chính Mỹ. Malaysia và Việt Nam đã bị đưa vào danh sách vì có thặng dư thương mại song phương lớn với Mỹ và thặng dư tài khoản vãng lai.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết Singapore nên tiến hành cải cách nhằm hạ thấp tỷ lệ tiết kiệm đang ở mức cao và thúc đẩy tiêu thụ nội địa vốn đang ở mức thấp, đồng thời cố gắng đảm bảo tỷ giá hối đoái thực sự phù hợp với nền tảng kinh tế. Cơ quan này cũng hoan nghênh Singapore cam kết báo cáo thêm dữ liệu can thiệp, đồng thời thừa nhận rằng các điều chỉnh tiền tệ là công cụ chính sách tiền tệ chính của nước này.
Ngân hàng trung ương Singapore cho biết trong một tuyên bố rằng, nước này không thao túng tiền tệ vì lợi ích xuất khẩu. Cơ quan tiền tệ Singapore sử dụng tỷ giá hối đoái để đảm bảo sự ổn định về giá và không sử dụng nó để đạt được lợi thế xuất khẩu hoặc đạt thặng dư tài khoản vãng lai.
Malaysia đã được đưa vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ vì thặng dư thương mại song phương với Mỹ là 27 tỷ USD vào năm ngoái và thặng dư tài khoản vãng lai là 2,1% GDP. Bộ Tài chính Mỹ lưu ý Malaysia đã can thiệp vào thị trường ngoại tệ theo cả chiều trong quá khứ và bán ròng ngoại tệ, tương đương 3,1% GDP năm ngoái, để chống lại sự mất giá của đồng ringgit.
Ngân hàng trung ương Malaysia cho biết nước này hỗ trợ thương mại tự do và công bằng, đồng thời khẳng định việc bị đưa vào danh sách không có hậu quả đối với nền kinh tế của đất nước. Tỷ giá Ringgit được xác định theo thị trường và không phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh xuất khẩu, Ngân hàng Negara Malaysia cho biết trong một tuyên bố.
Theo Bloomberg, các quốc gia bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ không phải chịu hình phạt ngay lập tức nhưng có thể làm "rung chuyển" thị trường tài chính.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone