Tài chính quốc tế

Mỹ điều tra 'đế chế' của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, nghi ngờ hối lộ quan chức

(VNF) - Theo Bloomberg, các công tố viên Mỹ đã mở rộng cuộc điều tra với Tập đoàn Adani do nghi ngờ thực thể này có liên quan tới việc hối lộ các quan chức Ấn Độ, đồng thời xem xét vai trò của người đứng đầu tập đoàn Gautam Adani trong vụ việc.

Mỹ điều tra 'đế chế' của tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, nghi ngờ hối lộ quan chức

Tỷ phú Gautam Adani, người đứng đầu "đế chế" Adani của Ấn Độ.

Điều tra do nghi ngờ hối lộ

Nguồn tin của Bloomberg cho biết các nhà điều tra đang tìm hiểu xem liệu một thực thể của Tập đoàn Adani, hoặc những người có liên quan đến công ty, bao gồm cả tỷ phú Gautam Adani, có liên quan đến việc trả tiền cho các quan chức ở Ấn Độ để giành lợi thế trong một dự án năng lượng hay không.

Ngoài thực thể thuộc Adani, được biết các nhà điều tra cũng xem xét công ty năng lượng tái tạo Azure Power Global Ltd. của Ấn Độ. Cuộc điều tra đang được xử lý bởi Văn phòng Luật sư Mỹ tại Quận phía Đông New York và đơn vị chống gian lận của Bộ Tư pháp ở Washington.

Tập đoàn Adani và Azure Power là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng xanh của Ấn Độ và trong những năm gần đây, cả hai đều giành được hợp đồng cho các dự án thuộc cùng một chương trình năng lượng mặt trời do nhà nước điều hành.

Mặc dù việc hối lộ diễn ra tại Ấn Độ, nhưng luật pháp Mỹ cho phép các công tố viên liên bang theo đuổi các cáo buộc tham nhũng ở nước ngoài nếu chúng liên quan đến một số mối liên hệ nhất định với các nhà đầu tư hoặc thị trường Mỹ.

Các cuộc điều tra này, được gọi là CFPA, tuân theo Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ, trong đó quy định việc một công ty hoặc cá nhân có liên kết với Mỹ - chẳng hạn như niêm yết công khai, nhà đầu tư Mỹ hoặc liên doanh - là phạm tội nếu hối lộ quan chức chính phủ khác để được đối xử đặc biệt.

Tập đoàn Adani không giao dịch ở Mỹ nhưng có các nhà đầu tư Mỹ, đây được cho là nguyên nhân khiến tập đoàn này bị điều tra CFPA.

Các cuộc điều tra FCPA có thể mất nhiều năm, có tính chất phức tạp do cần phải thu thập bằng chứng và phỏng vấn các nhân chứng có thể ở bên ngoài Mỹ. Tuy nhiên, các vụ việc này thường có quy mô lớn và có thể dẫn đến những khoản tiền phạt khổng lồ cho các công ty và thắng lợi lớn cho các công tố viên.

Các quan chức Washington dường như đang tìm cách điều hướng các vụ kiện FCPA chống lại các giám đốc điều hành thay vì một thực thể, mặc dù việc người đứng đầu một công ty lớn bị buộc tội là điều hiếm khi xảy ra.

Đại diện Bộ Tư pháp ở Brooklyn và Washington từ chối đưa ra bình luận về thông tin này. Tương tự, đại diện công ty Azure cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong khi đó, Adani Group cho biết trong một tuyên bố gửi qua email: “Chúng tôi không biết về bất kỳ cuộc điều tra nào chống lại chủ tịch của chúng tôi. Là một tập đoàn kinh doanh hoạt động với các tiêu chuẩn quản trị cao nhất, chúng tôi phải tuân thủ và tuân thủ đầy đủ luật chống tham nhũng và chống hối lộ ở Ấn Độ và các quốc gia khác”.

Mới vực dậy từ lùm xùm bán khống

Ngoài việc hiện diện vững chắc ở quê nhà với các cảng, sân bay, đường dây điện và phát triển đường cao tốc, Tập đoàn Adani còn thu hút vốn từ khắp nơi trên thế giới.

Tập đoàn này đang tìm cách khẳng định mình là công ty năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới vào thời điểm Thủ tướng Narendra Modi, một đồng minh thân cận của Chủ tịch Gautam Adani, đang thúc đẩy các sáng kiến ​​​​xanh lớn.

Trước đó, Đế chế rộng lớn của tỷ phú Adani đã bị rung chuyển vào đầu năm ngoái bởi những tuyên bố từ công ty bán khống Hindenburg Research rằng tập đoàn này đã thao túng giá cổ phiếu và phạm tội gian lận kế toán. Tập đoàn đã phủ nhận mạnh mẽ những cáo buộc đó và cổ phiếu phần lớn đã tăng trở lại sau đợt lao dốc ban đầu.

Sau những tuyên bố ban đầu của người bán khống, cổ phiếu hàng đầu của Adani Enterprises Ltd. đã tăng hơn 70% trong năm 2023. Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của Gautam Adani một lần nữa tăng lên 100 tỷ USD, đưa ông trở thành người giàu thứ 14 thế giới.

Tuy nhiên, báo cáo của Hindenburg cũng đã thúc đẩy Bộ Tư pháp cũng như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) để mắt tới tập đoàn Ấn Độ này, theo Bloomberg.

Năm ngoái, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ cho biết họ sẽ cung cấp khoản tài trợ 553 triệu USD cho đơn vị của Adani để xây dựng một bến cảng ở thủ đô Sri Lanka, đánh dấu khoản đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất của cơ quan chính phủ này ở châu Á.

Xem thêm >> Tài sản của 'ông trùm' châu Á Gautam Adani lại chạm mốc 100 tỷ USD

Tin mới lên