Tài chính

Năm 2024 còn khó khăn, 'doanh nghiệp cần lập quỹ dự phòng rủi ro từ 3 – 5%'

(VNF) - Theo TS. Mạc Quốc Anh, doanh nghiệp nên có phương án để trích lập các quỹ dự phòng rủi ro từ 3 – 5%, phòng khi nếu năm 2024 không may thị trường bị khó khăn thì sẽ có một nguồn quỹ để bù vào.

Năm 2024 còn khó khăn, 'doanh nghiệp cần lập quỹ dự phòng rủi ro từ 3 – 5%'

Các chuyên gia tại Talkshow Phố Tài chính.

Nhiều ngành phục hồi, bất động sản vẫn khó khăn

Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show), TS. Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023 đã có 21.100 doanh nghiệp mới được thành lập với số vốn so với cùng kỳ của năm 2022 tăng gần 10%. Trong làn sóng đầu tư của FDI, Việt Nam đã thu hút được 16,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm. Đối với các ngành nghề, lĩnh vực gặp khó khăn trong các quý trước, đến quý III/2023 đã có sự phục hồi nhẹ.

Ông Quốc Anh cũng chỉ ra ngành đang dẫn đầu xu hướng là: điện, công nghiệp nặng, công nghiệp bán dẫn,  công nghệ thông tin, dệt may, da giày, dược phẩm,…. Đây là những ngành đã có đóng góp tích cực trong đà xuất khẩu trong quý III/2023. Đối với ngành bất động sản đã có sự phục hồi nhẹ, tuy nhiên vẫn chưa vượt qua được thời kỳ khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng kinh tế quý đạt 5,3%, cao hơn mức tăng 3,3% của quý I và 4,1% của quý II/2023. Tuy nhiên, mức độ hồi phục chưa mạnh và có sự phân hóa giữa các ngành nghề. Cụ thể, trong cấu phần tăng trưởng kinh tế quý 3, sự phục hồi đến từ khu vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo. Trong đó, đóng góp của khu vực FDI và xuất khẩu vào khu vực này tương đối lớn; đồng thời ghi nhận sự đảo chiều trong tăng trưởng từ âm sang dương của nhóm xuất khẩu như sản phẩm điện tử, máy vi tính, dệt may, kim loại… Bên cạnh đó, nhóm ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, hoá chất cũng cho thấy sự cải thiện…

Ở chiều ngược lại, ngành bất động sản vẫn tăng trưởng âm và chưa phục hồi. Các ngành xuất khẩu trọng yếu như điện tử, da giày, dệt may mặc dù tăng trưởng trở lại nhưng mức tăng vẫn tương đối thấp khi so với kết quả tăng trong quá khứ.

Theo đó, VDSC ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết có sự phục hồi nhưng khá yếu và có sự phân hóa. Ngoài ra, chỉ một số ít ngành duy trì được tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và quý II vừa qua như công nghệ, dược phẩm, thép và dầu khí.

“Chúng tôi cho rằng khó khăn của doanh nghiệp mang yếu tố chu kỳ kinh tế nhiều hơn, nghĩa là đang nhìn thấy thấp thoáng đâu đó vùng đáy của chu kỳ kinh tế đang hình thành, nhưng sự phục hồi mang dáng dấp hình chữ U hơn là chữ V. Trong diễn biến phục hồi như vậy sẽ là khó khăn lớn cho cả khối doanh nghiệp nội địa và FDI bi nhu cầu suy giảm ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài khó khăn kể trên thì doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đang thừa trong hệ thống ngân hàng thương mại, bởi nếu doanh nghiệp được giãn, hoãn nợ thì sẽ gặp khó để vay mới và do độ trễ của tác động từ giảm lãi suất huy động đến lãi suất cho vay hay thủ tục vay vốn còn phức tạp”, bà Lam cho hay.

Thị trường còn khó khăn, cần có quỹ dự phòng

Đánh giá về thị trường trong thời gian tới, bà Phương Lam cho hay trong quý cuối năm 2023, thị trường thế giới sẽ có những chuyển biến tích cực nhất định khi lượng hàng tồn kho cũ được các đối tác nước ngoài giảm bớt. Cùng với đó, nhu cầu được xoay vòng trở lại, doanh nghiệp cần thực hiện các chiến lược bán hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, đa dạng hóa thị trường, phát triển thị trường ngách, nâng cấp chất lượng và dịch vụ là một giải pháp cần liên tục triển khai trong bối cảnh kinh tế nhiều bất định như hiện nay. Cuối cùng, việc đầu tư đổi mới công nghệ là điều cần thiết, thời điểm hiện tại nên tận dụng cơ hội lãi suất giảm để đầu tư và nếu có nguồn lực thì đầu tư sớm, nỗ lực tối ưu hoá quy trình hoạt động và năng suất lao động càng sớm càng tốt.

Trong kịch bản cơ sở, vị chuyên gia ước tính đối với khoảng 54 doanh nghiệp niêm yết đầu ngành trong từng lĩnh vực kinh doanh, tăng trưởng lợi nhuận nửa cuối năm 2023 sẽ cao hơn mức tăng trưởng nửa đầu năm khoảng 11% và trong đó, trọng số tăng trưởng chủ yếu sẽ rơi vào quý IV/2023. Với kỳ vọng trọng số tăng trưởng kinh tế sẽ rơi vào quý IV như vậy, bà Lam cho hay mức VNIndex hiện tại thì P/E dự phóng đến cuối năm 2023 sẽ vào khoảng 13 - 14 lần, đây là mức hấp dẫn trong dài hạn.

“Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ không đảo chiều chính sách tiền tệ mà thay vào đó sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát và đồng thời với đó, các hoạt động kinh tế sôi động trở lại cũng sẽ giúp cho vòng quay tiền bắt đầu có sự cải thiện trong quý IV. Như vậy thị trường chứng khoán vẫn sẽ là nơi đầu tiên được hưởng lợi và đặc biệt khi mức định giá của thị trường sau nhịp điều chỉnh vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 đang trở lại vùng đầu tư hấp dẫn nếu nhìn dài hạn”, chuyên gia VDSC nhấn mạnh.

TS. Mạc Quốc Anh nhấn mạnh, “Với các giải pháp về mặt tài chính thì chúng ta cũng nên có phương án để trích lập các quỹ dự phòng rủi ro từ 3 – 5%, phòng khi nếu năm 2024 không may thị trường bị khó khăn thì chúng ta đã có một nguồn quỹ để bù vào”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Tin mới lên