Tài chính

'Sóng' cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, bán lẻ dài bao lâu?

(VNF) - Nhà đầu tư cần lưu ý đến khả năng cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, bán lẻ chỉ dẫn sóng trong giai đoạn đầu chu kỳ. Đến khi chu kỳ chuyển sang giai đoạn giữa, nhóm ngành khác sẽ dẫn sóng.

'Sóng' cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, bán lẻ dài bao lâu?

'Sóng' cổ phiếu chứng khoán, BĐS, bán lẻ dài bao lâu?

Kể từ khi thị trường chứng khoán tạo đáy ngắn hạn vào tháng 11/2022, nhiều cổ phiếu đã phục hồi rất mạnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhóm ngành đều duy trì được “sóng” tăng trong thời gian dài. Trên thực tế, có 3 nhóm ngành điển hình dẫn dắt “sóng” tăng thời gian qua, đó là chứng khoán, bất động sản và bán lẻ. Mặc dù gần đây đã ghi nhận sự điều chỉnh đáng kể nhưng nhìn chung, mức sinh lời của các cổ phiếu này so với đáy vẫn tỏ ra vượt trội so với mặt bằng chung.

Điều gì đã khiến cổ phiếu chứng khoán, bất động sản và bán lẻ dẫn sóng tăng trong thời gian qua? Hiện tượng này có thể mới mẻ tại Việt Nam nhưng trên thế giới, đặc biệt là tại thị trường chứng khoán có lịch sử lâu đời như Mỹ, lại là điều khá quen thuộc.

Thống kê của hãng quản lý tài sản Fidelity cho thấy kể từ năm 1962 đến nay, trong giai đoạn đầu phục hồi của thị trường chứng khoán, có 3 nhóm ngành có thành tích vượt trội so với các nhóm ngành khác, đó là ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính và bất động sản. Giải thích thêm về hiện tượng này, Fidelity cho rằng đây là 3 nhóm ngành được hưởng lợi nhiều bậc nhất từ chính sách lãi suất thấp ở thời kỳ đầu chu kỳ - thời kỳ nền kinh tế có những dấu hiệu cải thiện đầu tiên và thu nhập doanh nghiệp từ vùng đáy đi lên.

Tại Việt Nam, mặt hàng chủ lực của các doanh nghiệp bán lẻ như MWG, FRT, DGW hiện vẫn là hàng tiêu dùng không thiết yếu. Do đó, 3 nhóm ngành dẫn sóng tăng trên TTCK Việt Nam thời gian qua gồm bán lẻ, chứng khoán và bất động sản hoàn toàn tương đồng với 3 nhóm ngành theo thống kê của Fidelity.

Tính đến đầu tháng 9, thị giá các cổ phiếu chứng khoán tiêu biểu chỉ còn cách mức đỉnh chưa tới 60%, sau khi đã tăng hàng trăm phần trăm từ đáy hồi quý IV/2022. Cụ thể, thị giá VIX cách đỉnh khoảng 11%, VCI cách 23%, BSI cách 29%, FTS cách 38%, HCM cách 44%, SSI cách 47%, VND cách 49%, MBS cách 52%, SHS cách 56%.

Với cổ phiếu bất động sản, dư địa so với đỉnh còn cách khá xa bởi ở thời kỳ trước, nhiều cổ phiếu bất động sản tăng cực mạnh, tạo ra những đỉnh cao khó phá vỡ. Theo đó, tính đến đầu tháng 9, thị giá NVL còn cách đỉnh khoảng 350%, DIG còn cách đỉnh 242%, PDR còn cách đỉnh 194%, DXG còn cách đỉnh 111%. Một số mã vốn hóa lớn cách đỉnh gần hơn có thể kể đến NLG cách đỉnh 62%, KDH cách đỉnh 41%.

Còn với cổ phiếu bán lẻ, cùng thời điểm trên, DGW còn cách đỉnh khoảng 50%, MWG cách đỉnh khoảng 47% trong khi FRT chỉ còn cách đỉnh 16% trong cùng khoảng thời gian. Thậm chí trong nhịp điều chỉnh mạnh gần đây, cổ phiếu FRT vẫn vượt đỉnh lịch sử.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, bán lẻ có thể sẽ sớm không còn dẫn sóng khi thị trường chứng khoán bước qua giai đoạn đầu tăng giá.

Theo ước tính của Fidelity với dữ liệu từ nước Mỹ, một chu kỳ kinh tế kéo dài khoảng 6 năm, trong đó giai đoạn đầu chu kỳ (phục hồi) kéo dài khoảng 1 năm, giai đoạn giữa chu kỳ (bành trướng) kéo dài khoảng 3 năm, giai đoạn cuối chu kỳ (đạt đỉnh) kéo dài khoảng 1,5 năm, giai đoạn suy thoái kéo dài dưới 1 năm.

Ước tính của Fidelity về thời gian diễn ra từng pha trong chu kỳ cần cẩn trọng khi áp dụng vào thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên cũng có ý nghĩa tham khảo, nhất là khi dù ở Mỹ hay ở Việt Nam cũng đều chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ chính trị (chu kỳ bầu cử) với thời gian khoảng 4-5 năm. Như vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, bán lẻ có thể chỉ dẫn sóng trong giai đoạn đầu chu kỳ. Đến khi chu kỳ chuyển sang giai đoạn giữa, nhóm ngành khác sẽ dẫn sóng. Dấu hiệu nhận biết chu kỳ chuyển từ giai đoạn đầu sang giai đoạn giữa, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trở lại quỹ đạo tăng vừa phải, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ đi kèm với chính sách tiền tệ ngày càng trở nên trung lập (thay vì có xu hướng nới lỏng như giai đoạn trước), lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng tương đối tốt.

Trong giai đoạn giữa của chu kỳ, các đợt điều chỉnh xảy ra thường xuyên hơn. Điểm đáng chú ý là không có nhóm ngành nào tỏ ra vượt trội hơn hẳn nhóm ngành khác, ngoại trừ cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin (theo nghiên cứu tại thị trường chứng khoán Mỹ). Dẫu vậy, xu hướng dòng tiền ưa thích chạy theo các nhóm ngành, doanh nghiệp có khả năng mở rộng mạnh mẽ. Hay nói cách khác, dòng tiền có xu hướng chuyển từ xu hướng “đầu tư giá trị” sang “đầu tư tăng trưởng”.

Không nhiều nhà đầu tư tận dụng được cơ hội trong thời kỳ đầu chu kỳ. Lý do là nền kinh tế thường có cảm giác không chắc chắn vào đầu chu kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, tăng trưởng cũng có thể không đồng đều trong các khu vực khác nhau của nền kinh tế, điều này khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi rằng liệu nền kinh tế có thực sự thoát ra khỏi suy thoái hay không. Trên thực tế, kỳ vọng về việc lợi nhuận doanh nghiệp được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp giảm và lãi suất thấp thường đẩy thị trường chứng khoán lên cao hơn trước khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn. Các nhà đầu tư cố gắng đợi cho đến khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn có thể bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán mà giai đoạn này thường mang lại.

Tin mới lên