Tài chính quốc tế

Nắm ‘con át chủ bài’, xe điện Trung Quốc gây bão toàn cầu

(VNF) - Giá thành rẻ được xem là “con át chủ bài” của xe điện Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu Jato Dynamics, giá ô tô Trung Quốc rẻ hơn khoảng 30% so với các sản phẩm có cùng chất lượng ở châu Âu và Mỹ.

Nắm ‘con át chủ bài’, xe điện Trung Quốc gây bão toàn cầu

Khách tham quan gian hàng xe điện của tập đoàn Trung Quốc BYD tại Triển lãm Ô tô Quốc tế tại Munich, Đức.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, khoảng 50 nhà sản xuất ô tô, bao gồm cả những “ông lớn” như BYD và những công ty mới nổi như Xpeng, đã đến thành phố Munich của Đức để tham dự Triển lãm Ô tô Quốc tế (Internationale Automobil-Ausstellung - IAA). Con số này nhiều gấp đôi so với sự kiện diễn ra lần trước và cũng là phái đoàn Trung Quốc đông nhất từ ​​trước đến nay tham dự một triển lãm ô tô quốc tế.

Ô tô điện Trung Quốc với mức giá phải chăng đang xâm nhập vào châu Âu, Australia và Đông Nam Á. Các đối thủ cạnh tranh lo ngại rằng các thương hiệu Trung Quốc sớm muộn gì cũng sẽ thống trị thị trường xe điện toàn cầu.

“Rõ ràng là họ có tính cạnh tranh rất cao trong chuỗi giá trị ô tô điện. Chúng ta cần phải bắt kịp rất, rất nhanh”, Giám đốc điều hành Renault, ông Luca de Meo, nói với hãng tin RTL.

Một chiếc xe điện Cyberster của MG tại triển lãm IAA Mobility ngày 6/9.

Theo một bài đăng trên trang web của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, nước này đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới trong quý đầu năm nay, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Nga và nhu cầu xe điện ngày càng tăng trên toàn cầu .

Hiệp hội này cũng cho biết Bắc Kinh vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong quý II khi các công ty Trung Quốc xuất khẩu 1,07 triệu xe, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tấn công thị trường châu Âu

Tại châu Âu, điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu ô tô của Trung Quốc, doanh số bán xe điện của Trung Quốc đang bùng nổ.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội xe chở khách Trung Quốc, các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu gần 350.000 xe điện sang 9 nước châu Âu trong nửa đầu năm nay, nhiều hơn lượng xuất khẩu của cả năm 2022. Và trong 5 năm qua, lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc của Liên minh Châu Âu (EU) đã tăng gấp 4 lần.

Theo ước tính gần đây của UBS, đến năm 2030, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể chứng kiến ​​thị phần của họ trên thị trường toàn cầu tăng gấp đôi từ 17% lên 33%, trong đó các công ty châu Âu bị mất thị phần lớn nhất.

Các chuyên gia cho biết một số nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang nổi lên như “những nhà vô địch toàn cầu mới”.

Ô tô điện Trung Quốc thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng châu Âu.

Ông Dylan Khoo, nhà phân tích ngành xe điện tại ABI Research có trụ sở tại New York, cho biết: “Công suất dư thừa, kinh tế suy thoái và thị trường ô tô cạnh tranh cao trong nước đang khiến các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đẩy mạnh doanh số ở nước ngoài. Tại châu Âu, họ nhận thấy một thị trường sinh lợi với nhu cầu lớn về xe điện và ít biện pháp bảo hộ”.

Các nhà sản xuất Trung Quốc phải trả thuế nhập khẩu 10% để xuất khẩu xe sang EU, thấp hơn nhiều so với mức 27,5% mà Mỹ yêu cầu.

Bên cạnh mức thuế thấp, điều khiến châu Âu trở nên hấp dẫn các công ty Trung Quốc là lộ trình cấm bán ô tô động cơ đốt trong mới vào năm 2035.

Theo báo cáo được Deloitte công bố cuối năm ngoái, hầu hết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đều có kế hoạch tập trung vào các thị trường lớn ở châu Âu, như Đức và Pháp, trong vòng 3 đến 5 năm tới. 75% các công ty được Deloitte khảo sát cũng có ý định thâm nhập thị trường Bắc Mỹ. Và 88% dự định xuất khẩu chủ yếu là xe điện.

BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng đối tác đại lý ở châu Âu lên 200 trong năm nay, phát ngôn viên của BYD Li Yunfei nói với các phóng viên ở Munich hồi đầu tuần qua.

Công ty có kế hoạch tăng tổng doanh số bán hàng ở nước ngoài lên 250.000 xe vào năm 2023, tăng gần 5 lần so với con số 55.916 vào năm 2022.

Về phần mình, hãng xe mới nổi Xpeng đã ra mắt các mẫu xe mới tại triển lãm và thông báo sẽ gia nhập thị trường Đức vào năm 2024. Hãng cũng có kế hoạch tăng số lượng trung tâm bán hàng và dịch vụ tại châu Âu vào cuối năm nay.

Con át chủ bài

Một chuyên gia của ABI Research cho biết các tập đoàn ô tô lớn của Trung Quốc cung cấp cho khách hàng châu Âu những chiếc xe điện có giá cạnh tranh và chất lượng cao ở các phân khúc giá khác nhau.

“Chuỗi cung ứng ô tô châu Âu sẽ bị gián đoạn từ hai hướng: Các thương hiệu Trung Quốc tiến vào châu Âu và các nhà sản xuất ô tô phương Tây đẩy mạnh sản xuất tại Trung Quốc để xuất khẩu sang châu Âu”, vị chuyên gia cho hay.

Ô tô Trung Quốc cũng ngày càng phổ biến ở các nơi khác trên thế giới. Trong nửa đầu năm 2023, doanh số bán ô tô Trung Quốc tại Úc, bao gồm cả xe điện, đã tăng gần gấp đôi so với một năm trước, đạt thị phần hơn 16%.

Theo công ty nghiên cứu Jato Dynamics, ô tô Trung Quốc rẻ hơn khoảng 30% so với các sản phẩm cùng chất lượng ở châu Âu và Mỹ.

Giá trung bình của một chiếc xe điện ở Trung Quốc là 31.829 euro (34.096 USD) trong nửa đầu năm 2022. Trong khi ở châu Âu là 55.821 euro (59.797 USD) và ở Mỹ là 63.864 euro (68.429 USD), công ty cho biết trong một báo cáo năm ngoái .

Các nhà nghiên cứu của Jato Dynamics cho hay thành công của Trung Quốc trong việc thúc đẩy việc sử dụng xe điện rộng rãi chủ yếu là nhờ vào việc cung cấp các sản phẩm với giá cả phải chăng cho các đối tượng khách hàng khác nhau.

MG, một nhà sản xuất ô tô trước đây của Anh hiện do SAIC của Trung Quốc kiểm soát, đã đạt doanh số kỷ lục tại Vương quốc Anh trong quý đầu tiên của năm nay.

Ở Trung Quốc, với nhu cầu rộng rãi, sự khuyến khích mạnh mẽ của chính phủ và công nghệ mới phát triển nhanh chóng, xe điện đã trở thành lựa chọn hàng đầu.

Các nhà nghiên cứu của Jato Dynamics cho biết: “Trọng tâm của Trung Quốc là đảm bảo rằng xe điện có thể tiếp cận được với đại chúng và họ đã đạt được thành công lớn”.

Một yếu tố chính góp phần giúp giá xe điện Trung Quốc thấp hơn so với các đối thủ là sự thống trị của quốc gia này trong chuỗi cung ứng pin xe điện.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn SNE Research của Hàn Quốc, thị phần pin EV toàn cầu của các nhà sản xuất Trung Quốc ở mức 60% vào năm 2022. Nước này cũng kiểm soát việc sản xuất nguyên liệu pin, bao gồm niken, coban và lithium. Ước tính Trung Quốc chiếm hơn một nửa nguồn cung lithium toàn cầu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, căng thẳng địa chính trị có thể cản bước nỗ lực thâm nhập toàn cầu của các công ty xe điện Trung Quốc.

Các nhà phân tích của Moody's cho biết: “Mỹ và châu Âu ngày càng tìm cách giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc, điều có thể tạo ra rào cản đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ngay cả khi chi phí sản xuất thấp hơn”.

Xem thêm >> ShopeeFood thách thức 'ngôi vương' của GrabFood

Tin mới lên