Nam Việt lập công ty con 540 tỷ đồng, giao cho con trai tỷ phú Doãn Tới
Anh Mai -
11/11/2018 09:38 (GMT+7)
Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) của tỷ phú Doãn Tới, doanh nghiệp một thời từng được mệnh danh 'vua' thuỷ sản' và từng lao đao vì dự án DAP 2 - Vinachem ở Lào Cai, sẽ lập công ty Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú với vốn điều lệ 540 tỷ đồng.
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico, mã chứng khoán: ANV) vừa quyết định góp vốn thành lập Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú với vốn điều lệ 540 tỷ đồng và ANV sở hữu 100%.
Navico ủy quyền cho ông Doãn Chí Thiên (con trai ông Doãn Tới - Chủ tịch HĐQT Nam Việt) làm người đại diện toàn bộ phần vốn góp 540 tỷ đồng tại Công ty TNHH MTV Nam Việt Bình Phú.
Tính đến ngày 30/9, Navico chỉ còn 1 công ty con duy nhất là Công ty TNHH MTV Ấn Độ Dương hoạt động trong lĩnh vực gia công chế biến thủy sản, mua bán thực phẩm.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần ANV đạt 2.735 tỷ đồng, tăng 30%. Lợi nhuận sau thuế đạt 303,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 85,7 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Cổ phần Nam Việt - Navico tiền thân là Công ty TNHH Nam Việt thành lập năm 1993. Năm 2006 chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần. Navico hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu các sản phẩm cá sa, cá ba tra và cá lóc.
Ông Doãn Tới - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt - sinh năm 1954 tại Thanh Hóa, là một cử nhân luật. Với việc sở hữu gần 60 triệu cổ phiếu ANV (tương ứng 45,6% vốn ANV), ông Doãn Tới có số tài sản tương ứng trên sàn chứng khoán Việt là hơn 1.587 tỷ đồng. Hiện ông đứng ở vị trí thứ 26 trong danh sách người giàu sàn chứng khoán Việt.
Năm 2006, Nam Việt được đánh giá là "ông vua" ngành thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 165 triệu USD, bỏ xa Minh Phú và gấp 3 lần giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn hay Hùng Vương. Với vị thế đầu ngành và triển vọng phát triển trong tương lai, thương vụ IPO của Nam Việt được đánh giá là đình đám nhất trong nhóm doanh nghiệp tư nhân vào năm 2006.
ANV đã bán thành công 6 triệu cổ phần với giá 130.000 đồng/cp mang về cho công ty thặng dư 612 tỷ đồng. Tuy nhiên, có quá nhiều tiền cũng đã khiến cho Nam Việt sai lầm trong đầu tư ngoài ngành - xu thế của nhiều doanh nghiệp lắm tiền thời 2006 - 2008.
Sau khi có tiền, Nam Việt đã đầu tư vào ngành khai thác khoáng sản và ngành sản xuất phân bón.
DAP Lào Cai là một trong những dự án nằm trong danh sách các dự án thua lỗ của ngành công thương.
Thuyết minh báo cáo tài chính ANV cho biết, từ năm 2007, ANV bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Từ năm 2009, ANV bắt đầu góp vốn vào thành lập Công ty Cổ phần DAP số 2 - Vinachem; tiếp sau đó là Công ty Cổ phần Cromit Nam Việt, Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa…
Đến cuối năm 2015, giá trị đầu tư tài chính lên đến 772 tỷ đồng (chưa giảm trừ bởi khoản đã chi phí dự phòng đã trích lập). Trong đó, ANV đã đầu tư khoảng 613 tỷ đồng vào DAP2; 135 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank); 31,3 tỷ đồng còn nằm ở Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa và Công ty Cổ phần Cromit Nam Việt.
Với việc đầu tư gần 613 tỷ đồng vào công ty liên kết là DAP 2 – Vinachem, ANV sở hữu 60,75 triệu cổ phiếu của công ty này. Tính đến đầu năm 2016, giá trị khoản đầu tư này còn 546,6 tỷ đồng. Trong quý II/2016, do khoản lỗ 114 tỷ đồng từ DAP2 mà ANV đã phải lỗ thảm.
Công ty Cổ phần DAP 2 – Vinachem là công ty cổ phần nhà nước với 3 cổ đông chính là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chiếm 53,5%, Công ty TNHH Apatit Việt Nam 6%, Công ty Cổ phần Nam Việt chiếm 40,5%. DAP 2 – Vinachem thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Diamonphosphate (DAP) tại khu công nghiệp Tằng Loỏng – huyện Bảo Thắng – tỉnh Lào Cai. Đây là một trong những dự án nằm trong danh sách các dự án thua lỗ của ngành công thương.
Trong năm 2016, ANV đã chuyển nhượng phần vốn góp DAP 2 cho Công ty TNHH Đại Tây Dương với giá 433 tỷ đồng, lỗ 113,6 tỷ đồng.
Dù vậy, Công ty TNHH Đại Tây Dương cũng là công ty của ông Doãn Tới, do con trai ông là Doãn Chí Thanh làm người đại diện pháp luật.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone