Nâng hạng chứng khoán: Muốn đi dài, đi xa, chơi lớn phải minh bạch

Thái Hà - 03/07/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Không có bất cứ doanh nghiệp niêm yết nào duy trì sự xuất hiện liên tục trong danh sách đạt chuẩn công bố thông tin trong hơn 10 năm. Điều này cho thấy việc tuân thủ yêu cầu minh bạch thông tin không hề dễ dàng.

Minh bạch là “bàn tay vô hình” giám sát thị trường

Chia sẻ tại Tại hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán” mới đây, PGS.TS Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng khẳng định, trong 2 năm trở lại đây, đã có nhiều cam kết mạnh mẽ, quyết liệt hơn từ các cơ quan quản lý để tháo gỡ nút thắt, giúp nâng hạng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, vấn đề minh bạch thông tin vẫn đang là một hạn chế cần cải thiện.

PGS.TS Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng

Theo PGS. TS Trần Việt Dũng, việc nâng cao tính minh bạch thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trong nước không chỉ chờ đến nâng hạng thị trường mà đây là vấn đề then chốt. Ông Dũng lý giải, minh bạch thông tin nhằm mục đích giảm thiểu bất cân xứng thông tin - một trong những tiêu chí đánh giá trình độ, mức độ phát triển của thị trường. Bởi lẽ, thông tin luôn xảy ra trong tất cả mối quan hệ xung quanh thị trường, là nguồn gốc của xung đột.

“Điều cần nhấn mạnh chính là tốc độ đầy đủ, kịp thời và chất lượng thông tin phải đáp ứng được những yêu cầu. Khi đạt được điều này, Việt Nam sẽ đáp ứng được “bàn tay vô hình” về thanh tra giám sát của thị trường. Khi có chất lượng thông tin, đảm bảo được cơ chế thực thi, giúp thị trường hoạt động trơn tru, thúc đẩy phát triển bền vững”, ông Dũng chia sẻ.

Về việc tuân thủ yêu cầu minh bạch, PGS. TS Trần Việt Dũng cho hay, hơn 10 năm qua, Việt Nam ghi nhận hoạt động công bố thông tin trên thị trường chứng khoán và tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin có xu hướng tăng dần theo thời gian. Tuy nhiên, đa phần đây đều là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành.

Đáng nói, không có bất cứ doanh nghiệp nào duy trì sự xuất hiện liên tục trong danh sách doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin trong hơn 10 năm. Điều này cho thấy việc tuân thủ theo yêu cầu minh bạch thông tin không hề dễ dàng, ông Dũng đặt vấn đề.

Theo ông Dũng, có 3 vấn đề chính thường gặp khi doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin.

Thứ nhất, đó là vấn đề về tính tuân thủ. Trong năm 2023, có rất nhiều doanh nghiệp công bố thông tin sai lệch, không công bố hoặc trễ hạn gửi thông tin...

Thứ hai, đó là yếu tố ngôn ngữ trong công bố thông tin.

PGS. TS Trần Việt Dũng cho biết, theo đánh giá của MSCI và FTSE, Việt Nam đã đạt được tuy nhiên vẫn cần cải thiện thêm về việc cập nhật thông tin bằng Tiếng Anh. Theo quy định hiện hành, ngôn ngữ công bố thông tin chính thức là tiếng Việt, trong khi công bố thông tin bằng tiếng Anh chỉ là điều kiện bắt buộc đối với Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, còn các đối tượng khác được khuyến khích và chỉ dành cho mục đích tham khảo.

Vị chuyên gia này cũng viện dẫn nghiên cứu thị trường của World Bank cho thấy, chỉ khoảng 10% trang chủ của các công ty niêm yết công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh và đa phần đều là công ty vốn hóa lớn.

Thứ ba, đó là mức độ dễ hiểu của thông tin, tiếp cận thông tin. Hiện nay, chỉ có khoảng có 50 - 60% doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng IFRS hoặc đang có kế hoạch chuyển đổi theo IFRS.

“Điều quan trọng chính là nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tuân thủ các quy định về minh bạch thông tin. Vấn đề khác là giáo dục ngôn ngữ, tăng cường AI”, ông Dũng nhấn mạnh.

Không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, để hướng tới mục tiêu nâng hạng, cần hết sức lưu tâm đến vấn đề minh bạch thông tin. Thứ trưởng cho rằng, trách nhiệm công bố thông tin đúng, đủ, kịp thời, chính xác trước hết thuộc về các doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính

“Muốn đi dài, đi xa, chơi lớn thì chúng ta phải minh bạch thị trường, minh bạch thông tin. Nhưng đường dẫn tới sân chơi này còn nhiều trở ngại. Chúng ta phải coi việc chuẩn xác là đương nhiên, ý thức của doanh nghiệp, trừ trường hợp bất khả kháng. Cơ quan quản lý đã có quy chuẩn, yêu cầu, đối với doanh nghiệp về công bố thông tin thì chúng ta cùng nhau giám sát, cơ quan quản lý, vận hành giám sát, nhà đầu tư giám sát, cơ quan báo chí giám sát, phát hiện trường hợp vi phạm từ đó xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Và chúng ta phải làm kiên quyết, không ngừng nghỉ cho vấn đề này vì thị trường không bao giờ nghỉ”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, đối với việc công bố thông tin bằng hai thứ tiếng, một số doanh nghiệp đã làm nhưng chưa đủ. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tài chính dự kiến sẽ sửa đổi một số quy định và đã có lộ trình. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi bày tỏ hy vọng, khi Bộ lấy ý kiến, các doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông thông tin chất lượng để ý kiến tham gia được tốt và kịp thời, vì mục tiêu nâng hạng thị trường.

“Để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính sẵn sàng giữ vai trò tiên phong để thực hiện quá trình này. Cơ quan quản lý Nhà nước đi đầu nhưng không đi một mình, thị trường chứng khoán không đi một mình mà UBCKNN, doanh nghiệp niêm yết, các đơn vị truyền thông… đều phải đi để hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán trong thời gian sớm nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu quan điểm.

Cùng chuyên mục
Tin khác