Nếu Mỹ thắng kiện chống phá giá, máy giặt Samsung, LG có rời Việt Nam?

An Lan - 16/07/2017 21:22 (GMT+7)

(VNF) - Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ vừa khởi xướng điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ với máy giặt nhập khẩu vào Mỹ. Nếu bị áp dụng thuế tự vệ, máy giặt của Samsung và LG sản xuất tại Việt Nam sẽ gặp khó.

Máy giặt Samsung, LG Việt Nam bị kiện

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ vừa khởi xướng điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ với máy giặt nhập khẩu vào Mỹ. Nguyên đơn khởi kiện là Tập đoàn Whirlpool (Mỹ).

Theo đó, Whirlpool đã cáo buộc các sản phẩm máy giặt nhập khẩu vào Mỹ đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012 - 2016, từ 1,6 triệu chiếc lên 3,21 triệu chiếc. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất máy giặt của Mỹ.

Whirlpool cáo buộc rằng, Samsung và LG đã xuất khẩu theo đường vòng bằng cách chuyển cứ điểm sản xuất của mình sang Thái Lan và Việt Nam, nhằm tránh bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với máy giặt được sản xuất tại Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 5/2017, tập đoàn Whirlpool đã nộp đơn kiện lên Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đề nghị khởi xướng vụ việc. Theo đó, sản phẩm bị điều tra là máy giặt dân dụng cỡ lớn và một số bộ phận đi kèm có mã HS 8450.20 (đối với máy giặt), và 8450.11.00, 8450.90.20, 8450.90.60 (đối với các bộ phận đi kèm).

Được biết, mức thuế nhập khẩu hiện tại của Mỹ với máy giặt là 1%, với các bộ phận đi kèm là 2,6%.

Năm 2011, Whirlpool đã nộp đơn kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm máy giặt của Samsung và LG có xuất xứ từ Hàn Quốc và Mexico. Cuộc điều tra sau đó của Bộ Thương mại Mỹ xác nhận các máy giặt Samsung và LG được sản xuất ở Hàn Quốc và Mexico được bán dưới giá thành ở Mỹ và được hưởng những khoản trợ cấp không công bằng. Sau đó, các công ty Hàn Quốc sau đó đã chuyển hoạt động sản xuất cho thị trường Mỹ sang Trung Quốc.

Mỹ đánh thuế nặng máy giặt LG, Samsung sản xuất tại Trung Quốc.

Đến năm 2016, Whirlpool đã đề nghị ITC áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với máy giặt Hàn Quốc được sản xuất tại Trung Quốc và điều này đã được Chính phủ Mỹ chấp thuận. Mức thuế được áp dụng lần lượt là 52,5% và 32,1% tương ứng với các sản phẩm máy giặt của Samsung, LG.

Tuy nhiên, các hãng Samsung Electrics và LG Electronics hầu hết đã chuyển hoạt động sản xuất cho thị trường Mỹ khỏi Trung Quốc sang Thái Lan và Việt Nam.

Trên báo chí nước ngoài, đại diện của LG phản bác rằng, Công ty Whirlpool do không thể cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu như LG tại thị trường Mỹ, nên đã lợi dụng quy chế của Chính phủ nhằm giới hạn sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, không chỉ Samsung hay LG, mà cả Panasonic, Sanyo Aqua đều có các nhà máy sản xuất máy giặt, để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

LG khánh thành tổ hợp công nghệ LG Electronics tại Hải Phòng, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD từ tháng 3/2015, nhưng thực tế đã sản xuất máy giặt tại Việt Nam từ nhiều năm trước. Trong khi đó, nhà máy của Samsung tại Khu công nghệ cao TP. HCM, có vốn đầu tư 2 tỷ USD, bắt đầu đi vào hoạt động vào giữa năm ngoái.

Dự kiến, ITC sẽ ra kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vòng 122 ngày kể từ khi đơn kiện được nộp (dự kiến vào 5/10/2017), và sẽ nộp báo cáo lên Tổng thống Mỹ để ra quyết định về việc có áp dụng biện pháp không trong vòng 180 ngày kể từ ngày đơn kiện được nộp (dự kiến vào 4/12/2017).

Máy giặt Samsung, LG Việt Nam sẽ gặp khó khi vào Mỹ

Tháng 4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký hai sắc lệnh thương mại về chống bán phá giá và điều tra nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Hai sắc lệnh này đòi hỏi giới chức Mỹ phải hoàn tất một bản phân tích nghiên cứu nguyên nhân gây nên mất cân bằng thương mại với từng quốc gia và từng loại sản phẩm cụ thể . Báo cáo phải đưa ra trong 90 ngày, tập trung vào 15 nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại hàng hóa lớn năm 2016, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico, Ireland, Việt Nam, Italia, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Pháp, Thụy Sỹ, Indonesia, Canada, cộng thêm Đài Loan. 

Sắc lệnh đầu tiên tập trung vào việc cưỡng chế thi hành chống bán phá giá và tăng cường các hình thức xử phạt chống bán phá giá và "thuế đối kháng"- một cơ chế chống lại các Chính phủ nước ngoài trợ cấp cho các nhà sản xuất nội địa bán sản phẩm với giá thấp hơn thị trường.

Sắc lệnh thứ hai yêu cầu Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra một báo cáo toàn diện nhằm xác định "mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ". Thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước có thể do nguyên nhân chính sách, hoặc do nguyên nhân cơ cấu. Nguyên nhân thứ hai có thể không gây nhiều hậu quả nếu Mỹ đe dọa trả đũa. Theo ước tính của chính quyền ông Trump công bố vào ngày 31/3, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2000, lên 648 tỷ USD, mà lớn nhất là với Trung Quốc, ở mức 347 tỷ USD năm 2016.

Các quan chức chính quyền Mỹ coi các sắc lệnh thương mại này là bước đi mang tính đột phá. Đây được xem là dấu mốc cho sự bắt đầu một chương hoàn toàn mới trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và các đối tác nước ngoài. Peter Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của ông Trump, nói rằng hai sắc lệnh này sẽ thực hiện lời hứa của ông Trump là đưa việc làm trở về nước Mỹ.

Tháng 4/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký hai sắc lệnh thương mại về chống bán phá giá và điều tra nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ.

Tại Việt Nam, mặc dù Chính phủ chưa có phản ứng gì trực diện với hai sắc lệnh này, nhưng trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh nguy cơ này trong phát biểu của mình: "Nền kinh tế nước ta đang đối diện sức ép lớn, chủ yếu là từ các vấn đề dài hạn tồn tại nhiều năm nay chưa được giải quyết và cộng với tình hình quốc tế hết sức phức tạp, nhất là chính sách bảo hộ thương mại, chính sách thuế biên giới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump".

Với quyết định điều tra bán chống bán phá giá máy giặt nhập khẩu vào Mỹ của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC), Whirlpool - nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất thế giới - sẽ được 'người nhà' là ITC phán quyết trong tháng 10/2017 và quyết định cuối cùng sẽ do Tổng thống Donald Trump ký thành luật.

Nếu Whirlpool thắng kiện như các đợt thắng kiện trước đối với Trung Quốc thì câu hỏi đặt ra là có hay không việc Samsung và LG sẽ buộc phải di rời cơ sở sản xuất máy giặt của họ sang nước khác không chịu thuế.

Nếu điều đó xảy ra thì Việt Nam có thể sẽ bị thiệt hại lớn về xuất khẩu máy giặt này sang Mỹ, vì Samsung và LG đang chiếm lĩnh thị trường Mỹ.

Nếu như quý I năm ngoái, Whirlpool nắm giữ 19,7% thị phần, vẫn đứng đầu thị trường, thì sang quý I năm nay chỉ còn 17,3% và bị Samsung giành mất vị trí quán quân.

Trong khi đó, thị phần máy giặt tại Mỹ của Samsung đã tăng từ 16,2% quý I năm ngoái lên 19,7% trong quý I năm nay. Còn LG cũng tăng từ 16,6% lên 16,8%, giữ vị trí thứ ba. 

Một vấn đề nữa là không chỉ kim ngạch xuất khẩu, GDP bị thâm hụt mà hàng ngàn lao động về lĩnh vực sản xuất máy giặt tại Việt Nam sẽ có nguy cơ mất việc nếu cả Samsung và LG di chuyển nhà máy ra nước ngoài.

Xuất khẩu của Samsung Việt Nam chiếm tới 22,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2016. Số nhân công của Samsung tại các nhà máy ở Việt Nam đã lên tới khoảng 140.000 người.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.