Tài chính quốc tế

Nga cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel vô thời hạn, kinh tế châu Âu bị 'đe dọa'

(VNF) - Quyết định hạn chế xuất khẩu xăng và dầu diesel của Nga được đưa ra vào thời điểm không thể tệ hơn với châu Âu, đồng thời cũng gây nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung nhiên liệu trước mùa đông và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu.

Nga cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel vô thời hạn, kinh tế châu Âu bị 'đe dọa'

Ảnh minh hoạ.

Hạn chế xuất khẩu xăng và dầu diesel

Ngày 21/9, chính phủ Nga cho biết nước này đã đưa ra lệnh cấm tạm thời xuất khẩu xăng và dầu diesel sang tất cả các nước, ngoại trừ 4 nước thuộc Liên Xô cũ, nhằm ổn định thị trường nội địa.

Điện Kremlin cho biết lệnh cấm, có hiệu lực ngay lập tức, không áp dụng đối với nhiên liệu được cung cấp theo các thỏa thuận liên chính phủ cho các thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu do Moscow đứng đầu, bao gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.

Chính phủ Nga cho biết trong một tuyên bố: “Các hạn chế tạm thời sẽ giúp bão hòa thị trường nhiên liệu, từ đó sẽ giảm giá cho người tiêu dùng”.

Reuters sau đó trích lời người phát ngôn của Điện Kremlin ngày 22/9 cho biết lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu sẽ kéo dài trong thời gian cần thiết để đảm bảo sự ổn định của thị trường trong nước.

Trong những tháng gần đây, Nga đã phải chịu tình trạng thiếu xăng và dầu diesel. Giá nhiên liệu bán buôn đã tăng vọt, mặc dù giá bán lẻ được giới hạn để kiềm chế giá phù hợp với lạm phát chính thức.

Cuộc khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng ở một số khu vực vựa lúa mì phía nam nước Nga, nơi nhiên liệu là phần thiết yếu cho việc thu hoạch mùa màng. 

Các thương nhân cho biết thị trường nhiên liệu của Nga đã bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bao gồm bảo trì tại các nhà máy lọc dầu trong nước, sự suy yếu của đồng ruble, chính sách khuyến khích xuất khẩu nhiên liệu của nhà nước.

Theo các thương nhân và dữ liệu LSEG, Nga đã cắt giảm xuất khẩu dầu diesel và dầu gas bằng đường biển gần 30% xuống còn khoảng 1,7 triệu tấn trong 20 ngày đầu tháng 9, so với cùng kỳ tháng 8.

Các nhà phân tích năng lượng cho biết ngôn ngữ "mơ hồ" được sử dụng trong thông báo của Nga việc đánh giá chính xác lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong bao lâu trở nên khó khăn hơn, đồng thời không loại trừ khả năng Moscow có thể đang "vũ khí hoá" nguồn cung nhiên liệu trước mùa đông.

Châu Âu "đau đầu"

Dầu diesel là động lực kinh tế của châu Âu, cung cấp năng lượng cho phần lớn xe tải chở hàng hóa và nguyên liệu thô khắp lục địa. Nó cũng là nhiên liệu sưởi ấm chính ở một số quốc gia và mùa đông đang đến gần.

Vì vậy, động thái từ Moscow tiếp tục tạo ra mối đe doạ kinh tế lớn cho châu Âu. Vốn dĩ, giá năng lượng tại châu lục này đã tăng mạnh sau khi Nga và Arab Saudi tuyên bố tiếp tục hạn chế nguồn cung dầu thô cho tới cuối năm nay.

Giá bán buôn dầu diesel châu Âu đã tăng 5% vào ngày 21/9, sau thông báo về hạn chế xuất khẩu của Nga, đóng cửa ở mức 1.020 USD/tấn, dữ liệu từ Rystad Energy cho thấy. 

Ông Jorge León, phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy, chia sẻ với CNN: “Moscow đưa ra lệnh hạn chế vào thời điểm thực sự rất tệ, nhu cầu về dầu diesel rất lớn vào mùa đông,” ông nói, đề cập đến việc sử dụng dầu diesel để sản xuất dầu sưởi ấm cho các ngôi nhà cũng như trong công nghiệp.

Ông Henning Gloystein, giám đốc của Eurasia Group, lưu ý rằng các giới hạn xuất khẩu đã được đưa ra “gần như chính xác” trước mùa sưởi ấm ở châu Âu. 

“Không có gì ngạc nhiên khi Nga đang thực hiện một nỗ lực khác để gây ra tổn thất kinh tế cho phương Tây khi mùa đông đến gần”, ông Henning nhận định, hàm ý Moscow đang "vũ khí hoá" nguồn cung dầu, tương tự những cáo buộc năm ngoái khi nước này hạn chế xuất khẩu khí đốt sang EU.

Tuy nhiên, ông Gloystein kỳ vọng thiệt hại đối với châu Âu sẽ “hạn chế hơn nhiều” so với thiệt hại do Moscow cắt giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên vào năm ngoái.

Ông nói: “Vì châu Âu đã có một năm rưỡi để điều chỉnh trước các mối đe dọa của Nga và việc cắt giảm nguồn cung, nên nguy cơ thiếu năng lượng trong mùa đông này là rất thấp”.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung toàn cầu

Nga là một trong những nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu dầu thô lớn. Theo công ty dữ liệu Vortexa, Nga chiếm hơn 13% nguồn cung dầu diesel toàn cầu từ đầu năm đến nay.

Trước khi chiến sự Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, các nhà máy lọc dầu của Nga đã xuất khẩu khoảng 2,8 triệu thùng sản phẩm dầu mỗi ngày. Theo ING, con số đó đã giảm xuống còn khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày ở thời điểm hiện tại, nhưng Moscow vẫn là một nước đóng vai trò quan trọng trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Do đó, khi lệnh hạn chế mới được ban hành, những người tham gia thị trường đều bày tỏ lo ngại về tác động tiềm ẩn của lệnh cấm của Nga, đặc biệt vào thời điểm lượng tồn kho dầu diesel toàn cầu đã ở mức thấp. Giá dầu đã tăng tới 1 USD/thùng sau thông tin này.

Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế giao dịch cao hơn 0,9% ở mức 94,13 USD/thùng vào chiều 22/9 tại London, trong khi giá dầu thô tương lai WTI của Mỹ tăng 1,1% lên mức 90,62 USD.

Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING, cho biết trong một báo cáo nghiên cứu được công bố ngày 22/9 rằng lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga là một diễn biến lớn trước khi mùa đông kéo đến ở Bắc bán cầu, giai đoạn nhu cầu năng lượng tăng cao.

Ông Patterson cho biết: “Việc mất khoảng 1 triệu thùng dầu diesel của Nga mỗi ngày trên thị trường toàn cầu sẽ được cảm nhận một cách rõ rệt".

Các nhà phân tích cảnh báo rằng việc thắt chặt nguồn cung có thể làm tăng sự cạnh tranh toàn cầu về nhiên liệu trong những tháng tới, khiến giá nhiên liệu tăng cao ở mọi nơi, kể cả ở châu Âu.

Tuy nhiên, chính những khách hàng mới của Nga bên ngoài châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lệnh cấm.

Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một "nạn nhân" bất đắc dĩ từ lệnh cấm này.

Pamela Munger, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Vortexa, nói với CNN rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã mua “khối lượng lớn” dầu diesel của Nga kể từ đầu năm. Trước khi châu Âu áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, Nga đã cung cấp 40% lượng dầu diesel cho Ankara. Tỷ lệ này đã tăng lên tới 80% trong 9 tháng qua. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ khá "đau đầu" trong thời gian tới để tìm nguồn cung thay thế.

Xem thêm >> Giá dầu diesel tăng mạnh hơn 1.800 đồng/lít, giới kinh doanh lo sợ

Tin mới lên