Tài chính quốc tế

Nga cảnh báo phương Tây: ‘Áp giá trần sẽ thành giá sàn’

(VNF) - Chủ tịch Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin cảnh báo rằng kế hoạch áp dụng giá trần với dầu và khí đốt của Nga của các nước phương Tây sẽ thất bại và giá sẽ tăng vượt mức giá trần mà họ kỳ vọng.

Nga cảnh báo phương Tây: ‘Áp giá trần sẽ thành giá sàn’

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin.

“Cái mà các quan chức nhà nước G7 gọi là giá trần sẽ trở thành giá sàn. Thị trường toàn cầu không giới hạn ở 7 quốc gia. Mức giá cận biên do phương Tây công bố sẽ trở thành ngưỡng thấp hơn”, ông Volodin viết trên kênh Telegram ngày 9/9.

Cũng theo Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, các nước liên quan đã nhận ra sự phụ thuộc của họ vào năng lượng của Nga và nỗ lực thay thế nhập khẩu dầu và khí đốt từ nước này đã thất bại và họ sẽ không thể mua nhiên liệu từ Nga “với giá rẻ”.

Trước đó, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 2/9 đã nhất trí thông qua quyết định áp trần giá dầu nhập khẩu của Nga với mục tiêu nhắm trực tiếp vào nguồn thu của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng thời vẫn duy trì dòng chảy dầu, tránh được việc đẩy giá giá dầu leo thang cao hơn.

Để thực hiện điều này, G7 muốn thiết lập một “liên minh quốc tế rộng rãi” và cấm cung cấp bất kỳ dịch vụ nào cho việc vận chuyển dầu bằng đường biển của Nga nếu bán với giá cao hơn mức trần mà “liên minh” này thống nhất.

Bà Elizabeth Rosenberg, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ về tội phạm tài chính và tài trợ cho khủng bố, cho rằng mức giá trần nên được ấn định cao hơn chi phí sản xuất biên của dầu mỏ Nga và cân nhắc đến các mức giá “lịch sử” đã được thị trường chấp nhận.

Được biết, trong những tuần tới G7 sẽ họp để ấn định mức giá trần được áp cho dầu xuất khẩu của Nga và “xúc tiến các chế tài” cụ thể về cách thức triển khai thực hiện.

Ở động thái liên quan, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ngày 7/9 đã đề xuất các nước thành viên chấp thuận áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga nhằm cắt bớt nguồn thu mà Nga sử dụng cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong một tài liệu mà tờ Financial Times có được, EC muốn các nước thành viên thực hiện áp đặt "trần giá bán buôn khẩn cấp" đối với khí đốt từ Nga và có 2 lựa chọn để triển khai việc này.

Phương án đầu tiên là hoặc áp giá trần đối với tất cả khí đốt nhập khẩu từ Nga, hoặc thành lập một bên mua khí đốt Nga duy nhất để tiến hành đàm phán về giá nhiên liệu này. Hai là đưa ra một hệ thống giá trần khác nhau ở mỗi nước thành viên, tùy thuộc vào mức tiêu thụ năng lượng.

Đề xuất trên của ban lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cần có sự thông qua của các quốc gia thành viên.

Trước đó, đề cập tới khả năng phương Tây áp giá trần với năng lượng Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định rằng: “Chúng tôi sẽ không cung cấp bất cứ thứ gì, khí đốt, dầu mỏ, than đá hay dầu sưởi ấm nếu nó mâu thuẫn với lợi ích của chúng tôi”.

Xem thêm >> Ấn Độ: Nhập khẩu dầu Nga là một phần trong chiến lược quản lý lạm phát

Tin mới lên