Tài chính quốc tế

Nga dọa kiện phương Tây nếu bị ‘chèn ép tới vỡ nợ’

(VNF) - Lần đầu tiên đối mặt với sức ép vỡ nợ trong hơn 100 năm, Nga tuyên bố sẽ thực hiện các hành động pháp lý cần thiết nếu bị dồn tới kịch bản tồi tệ này.

Nga dọa kiện phương Tây nếu bị ‘chèn ép tới vỡ nợ’

Nga dọa kiện phương Tây nếu bị ‘chèn ép tới vỡ nợ’.

Trả lời phỏng vấn báo Izvestia ngày 11/4, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã thể hiện lập trường cứng rắn của Moscow trong cuộc chiến tài chính với phương Tây.

"Nga chắc chắn sẽ kiện vì chúng tôi đã triển khai mọi bước đi cần thiết để đảm bảo các nhà đầu tư nhận được các khoản thanh toán. Chúng tôi sẽ trình lên tòa án hóa đơn xác nhận nỗ lực chi trả bằng cả đồng ruble và ngoại tệ”, ông Siluanov nêu rõ.

Dù vậy, vị bộ trưởng cũng thừa nhận rằng đây không phải là một quy trình dễ dàng, Nga sẽ phải rất tích cực để chứng minh hành động của mình, bất chấp mọi khó khăn

"Một cuộc chiến tài chính và kinh tế được phát động chống lại đất nước của chúng tôi. Chúng tôi buộc phải hành động trong khi nỗ lực hoàn thành mọi nghĩa vụ của mình. Nếu chúng tôi không được phép trả nợ bằng đơn vị tiền tệ nước ngoài, chúng tôi sẽ làm điều này bằng đồng ruble", Bộ trưởng Siluanov tuyên bố.

Bộ trưởng Tài chính Nga cáo buộc dù Nga đang rất thiện chí trả nợ nhưng các nước phương Tây đang bằng mọi cách gây ra một vụ vỡ nợ.

Theo ông Siluanov, tổng nợ của Nga là khoảng 21 nghìn tỷ ruble (261,7 tỷ USD), trong đó các khoản nợ nước ngoài của Nga hiện chiếm khoảng 20%, tương đương khoảng 4,5-4,7 nghìn tỷ ruble (khoảng 53 tỷ USD).

Hồi đầu tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã ngăn Nga thanh toán hơn 600 triệu USD cho các chủ sở hữu trái phiếu từ nguồn dự trữ trong các tài khoản ngân hàng của Mỹ, đồng thời nói rằng Điện Kremlin phải lựa chọn giữa việc rút hết dự trữ USD hoặc vỡ nợ.

Phản ứng trước động thái này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định “Nga có mọi nguồn lực cần thiết để giải quyết các khoản nợ của mình”, vì vậy, việc lập luận rằng Nga sắp vỡ nợ là không đúng, vì Nga có đủ tiền để trả nợ, chỉ là không thể tiếp cận được số tiền này, ám chỉ đến nguồn dự trữ vàng và ngoại tệ trị giá khoảng 640 tỷ USD nhưng có một nửa đã bị đóng băng vì các lệnh trừng phạt.

Đại diện Điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng nếu phương án thanh toán bằng đồng ruble cho trái phiếu ngoại tệ không được chấp nhận, thì “về lý thuyết, tất nhiên, một tình huống vỡ nợ có thể xảy ra nhưng đây sẽ là một tình huống hoàn toàn nhân tạo” và "không có căn cứ cho một vụ vỡ nợ thực sự".

Lần gần đây nhất Nga vỡ nợ nội địa là khi đất nước rơi vào khủng hoảng tài chính do giá hàng hóa sụt giảm vào năm 1998. Vụ vỡ nợ ngoại tệ gần đây nhất xảy ra vào năm 1918 khi nhà lãnh đạo Bolshevik Vladimir Lenin từ chối trái phiếu do Chính phủ Nga hoàng phát hành.

Xem thêm >> EU cam kết thúc đẩy quá trình kết nạp Ukraine nhanh nhất có thể

Tin mới lên