Được Nga giải cứu thành công, giá đồng ruble vượt mức trước chiến sự Ukraine

Minh Đăng - 08/04/2022 13:37 (GMT+7)

(VNF) - Sau khi Nga tiến hành loạt biện pháp nhằm giải cứu đồng nội tệ, đồng ruble của Nga đã ghi nhận sự trở lại mạnh mẽ, thậm chí vượt ngưỡng giá trị trước thời điểm cuộc xung đột tại Ukraine diễn ra.

VNF
Được Nga giải cứu thành công, giá đồng ruble vượt mức trước chiến sự Ukraine.

Theo hãng tin RT của Nga, tỷ giá của đồng ruble đang giao dịch ở mức 76 ruble/1 USD và 82 ruble/1 euro, bật tăng lên mức mạnh nhất so với các tiền tệ lớn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2.

Trước đó, sau khi Nga động binh với Ukraine, Mỹ và đồng minh đã tung loạt đòn trừng phạt khắc nghiệt nhắm vào nền kinh tế của nước này, thậm chí ngắt kết nối một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

Loạt đòn trừng phạt đã khiến đồng ruble rơi tự do, thậm chí xuống đến mốc thấp kỷ lục gần 140 ruble/1 USD. Tuy nhiên, đồng ruble đã hồi sinh mạnh mẽ sau khi Nga tung ra loạt biện pháp nhằm giải cứu đồng nội tệ.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) vào cuối tháng 2 đã tăng lãi suất từ 9,5% lên 20% để hạn chế đà rút tiền của khách hàng đồng thời lên kế hoạch giải phóng hàng trăm tỷ ruble trong dự trữ của các ngân hàng địa phương nhằm tăng tính thanh khoản.

CBR cũng giới hạn số lượng ngoại tệ mà người dân nước này có thể rút từ tài khoản ngân hàng ở mức 10.000 USD trong vòng 6 tháng, số còn lại sẽ được trả bằng ruble; cũng như yêu cầu các công ty xuất khẩu đổi 80% doanh thu từ ngoại tệ thành ruble.

Tiếp đến, ngành dầu mỏ và khí đốt cũng đóng vai trò đòn bẩy hỗ trợ đồng ruble. Một số nước phương Tây đã tung các biện pháp nhằm hạn chế khả năng thu ngoại tệ của Nga, đặc biệt là USD và euro. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục mua khí đốt từ Nga vì đã bị phụ thuộc quá sâu và không có đủ nhà cung cấp thay thế để đáp ứng nhu cầu.

Đặc biệt, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã ban hành sắc lệnh yêu cầu các nước phải thanh toán bằng đồng ruble khi mua khí đốt của nước này.

Để làm được điều này, các quốc gia phải mở tài khoản tại ngân hàng được ủy quyền của Nga là Gazprombank. Sau đó, người mua sẽ chuyển các khoản thanh toán khí đốt đến ngân hàng, ngân hàng sẽ đổi thành đồng ruble, rồi chuyển vào tài khoản đồng ruble của người mua và chuyển sang cho nhà cung cấp khí đốt.

Với Nga, việc đó sẽ cung cấp cho họ dòng chảy ngoại tệ mạnh, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với đồng ruble.

Điện Kremlin gọi cơ chế thanh toán mới này là “hệ thống nguyên mẫu” trong việc thanh toán bằng đồng ruble, đồng thời nói thêm khí đốt sẽ không phải là mặt hàng xuất khẩu duy nhất của Nga được thanh toán bằng phương thức như trên.

Xem thêm >> Giáng loạt đòn trừng phạt, mỗi ngày EU vẫn chi hơn 1 tỷ USD nhập khẩu năng lượng Nga

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác