Nga liên tục phá kỷ lục cung cấp dầu khí cho Trung Quốc

Quang Đăng - 02/08/2023 15:35 (GMT+7)

(VNF) - Việc khối lượng dầu thô và khí đốt mà Nga xuất khẩu sang Trung Quốc liên tục phá kỷ lục cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của hai quốc gia khi cuộc xung đột ở Ukraine đã kéo dài sang năm thứ hai.

VNF
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Thông báo ngày 1/8 của Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom cho hay nguồn cung cấp khí đốt của Nga thông qua đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) đến Trung Quốc trong ngày 31/7 một lần nữa vượt khối lượng được quy định theo hợp đồng hàng ngày và lập kỷ lục mới.

Cũng theo Gazprom, nguồn cung này nằm trong thoả thuận mua bán khí đốt dài hạn song phương giữa Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC).

Việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Sức mạnh Siberia là một phần của thỏa thuận 30 năm trị giá 400 tỷ USD giữa Gazprom và CNPC được ký kết vào năm 2014.

Theo Phó thủ tướng Nga Alexander Novak, tính đến cuối năm 2022, Nga xuất khẩu 15,5 tỷ m3 khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia. Dự kiến, nguồn cung khí đốt của Nga cho Trung Quốc thông qua đường ống này vào năm 2023 sẽ lên tới 22 tỷ m3.

Không chỉ khí đốt, Nga cũng nhập khẩu lượng dầu thô khổng lồ từ Nga. Theo dữ liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 20/7, lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Nga vào tháng trước đã đạt mức cao kỷ lục kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022.

Cụ thể, lượng dầu chảy từ Nga đến Trung Quốc đạt 10,5 triệu tấn trong tháng 6, tăng khoảng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu trung bình 2,13 triệu thùng dầu thô Nga/ngày, giúp Nga vượt lên Arab Saudi, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, để trở thành nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho Bắc Kinh.

Cũng theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nước này mua dầu giá rẻ của Nga nhiều hơn các nước khác trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra.

Nga mới đây đã sử dụng tuyến đường mới vận chuyển một lô hàng dầu thô qua biển Bắc Cực đến Trung Quốc nhằm giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, mặc dù động thái này gây ra những lo ngại về môi trường.

Không chỉ dầu mỏ, khối lượng than nhiệt và than luyện cốc mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nga đã tăng lên 10,6 triệu tấn trong tháng 6, cao hơn tổng nhập khẩu từ các nhà cung cấp hàng đầu khác của Trung Quốc là Indonesia và Mông Cổ.

Đi vào hoạt động từ đầu tháng 12/2019, Power of Siberia được xem như một biểu tượng cho chính sách của Tổng thống Nnga Vladimir Putin về xoay trục sang các nền kinh tế phát triển nhanh ở khu vực châu Á, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Moscow với phương Tây giảm xuống mức thấp.

Điểm xuất phát của Power of Siberia là "vựa" khí đốt của Nga ở vùng phía Đông Siberia. Chạy qua khu vực rộng 3.000km trên lãnh thổ nước Nga và 5.111km trên lãnh thổ Trung Quốc, đường ống này sẽ góp phần thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ năng lượng to lớn của Trung Quốc.

Nga và Trung Quốc dự kiến bắt đầu thi công đường ống dẫn khí đốt thứ hai có tên Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) vào năm 2024.

Đường ống này sẽ cho phép hợp nhất các hệ thống vận chuyển khí đốt ở phía đông và phía tây của Nga. Gazprom sẽ có thể cung cấp tới 50 tỷ m3 khí đốt qua lãnh thổ Mông Cổ tới Trung Quốc thông qua đường ống này, đồng thời cung cấp khí đốt cho một số khu vực của Nga.

Theo Moscow Times, đường ống này sẽ lần đầu tiên cung cấp khí đốt chuyển hướng khỏi châu Âu từ các mỏ ở phía tây Siberia tới Trung Quốc, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2030.

>> Ông Trump bị truy tố lần 3, đối mặt án phạt tù 50 năm

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác