Giá dầu Nga ‘vượt lằn ranh đỏ’, Mỹ ‘đứng ngồi không yên’
Minh Đăng -
28/07/2023 17:22 (GMT+7)
(VNF) - Việc dầu thô Urals của Nga tăng hơn 60 USD/thùng, vượt qua mức giới hạn do các nước thuộc Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) áp đặt đã khiến chính quyền Mỹ “đứng ngồi không yên”, lập tức ra tay can thiệp để điều chỉnh giá.
Giá dầu Nga “vượt lằn ranh đỏ”
Theo công ty dữ liệu hàng hóa Argus Media, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, giá dầu loại Urals hàng đầu của Nga vượt qua giới hạn giá 60 USD/thùng mà Liên minh châu Âu (EU) và G7 đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Động thái này của phương Tây nhằm một mặt siết chặt doanh thu của của Moscow, một mặt vẫn duy trì dòng chảy nhằm tránh cú sốc nguồn cung toàn cầu.
Tuy nhiên, theo hãng tin TASS của Nga, Điện Kremlin đã thành công, ít nhất là một phần, trong cuộc chiến giành ảnh hưởng đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu. Dầu Urals của Nga đang được giao dịch ở mức giá cao nhất trong năm nay và với mức chiết khấu ngày càng nhỏ đối với thị trường quốc tế.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết giá cao hơn có thể thúc đẩy doanh thu xuất khẩu dầu mỏ của Nga, vốn đã giảm xuống chỉ còn hơn một nửa so với một năm trước.
Giá dầu tăng trong bối cảnh OPEC+ giảm sản lượng giao hàng, xuất khẩu dầu Nga cũng bắt đầu giảm gây thêm áp lực lên giá.
Dầu Urals được thúc đẩy thêm từ nhu cầu cao ở châu Á, nơi các nhà sản xuất Nga đang chiếm ưu thế trước nguồn dầu mỏ của Saudi Arabia.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp của Nga và các đối tác đã thích nghi với hoàn cảnh mới thiết lập hậu cần, trả cước vận chuyển và bảo hiểm.
Theo công ty theo dõi tàu Vortexa, trong quý II năm nay, số lượng tàu chở dầu làm việc với các nhà sản xuất bị trừng phạt nhiều gấp 5 lần so với cuối năm 2021. Gần 80% số tàu đó đã đi qua thị trường Nga.
Mỹ “thận trọng” can thiệp
Trong bối cảnh giá dầu Urals của Nga vẫn tăng bất chấp lệnh trừng phạt và nhu cầu giảm, Mỹ đã cân nhắc tiến hành các chiến thuật mềm mỏng nhằm khuyến khích người mua tuân thủ mức trần 60 USD/thùng.
Theo Reuters, sở dĩ Mỹ không tác động một cách cứng rắn là vì điều đó có thể tạo ra những gợn sóng trong thị trường - động thái có thể đẩy giá dầu toàn cầu tăng cao àm đảo lộn thị trường năng lượng.
Theo đó, các quan chức Mỹ có thể sẽ tăng cường liên lạc với các công ty thương mại, chủ tàu chở dầu, công ty bảo hiểm và những người khác, nhắc nhở họ rằng nếu sử dụng các dịch vụ hàng hải của phương Tây thì phải lưu giữ các bằng chứng cho thấy dầu của Nga được mua dưới 60 USD, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ cho biết các cá nhân hoặc công ty trốn tránh hoặc vi phạm giới hạn giá có thể phải đối mặt với các hành động thực thi dân sự hoặc hình sự, bao gồm cả tiền phạt và cơ quan này sẽ làm việc với các quốc gia khác để chia sẻ thông tin liên quan.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết cơ quan này đang "giám sát chặt chẽ tất cả các tàu tham gia vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, cũng như khả năng trốn tránh hoặc không tuân thủ, bao gồm cả việc sử dụng các hành vi lừa đảo để tiếp cận các dịch vụ của liên minh đối với dầu được giao dịch vượt giới hạn".
Theo Reuters, nếu giá Urals tiếp tục tăng cao hơn mức trần, Washington có thể thúc giục các nước G7 và EU nâng mức trần, nhưng đó sẽ là một cam kết chính trị và ngoại giao có khả năng vấp phải sự phản đối từ các nước Đông Âu và các nhà lập pháp Mỹ.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone