Tài chính quốc tế

Nga muốn dành 80% lượng dầu xuất khẩu năm 2023 cho các nước 'thân thiện'

(VNF) - Phó thủ tướng Nga Aleksandr Novak tiết lộ Moscow dự định chuyển xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của mình sang các quốc gia "thân thiện" trong năm nay, tăng tỷ trọng của các nước này trong tổng nguồn cung được vận chuyển ra nước ngoài lên 75-80%.

Nga muốn dành 80% lượng dầu xuất khẩu năm 2023 cho các nước 'thân thiện'

Lượng xuất khẩu dầu và khí đốt trong năm 2022 có sự đối nghịch rõ rệt.

"Đối với nguồn cung cho các quốc gia duy trì các hạn chế giá bất hợp pháp, quan điểm của chúng tôi không thay đổi: những quốc gia đó sẽ không nhận được dầu của Nga”, Phó thủ tướng Novak viết trong một bài báo cho tạp chí Chính sách Năng lượng.

Phó thủ tướng Nga cũng lưu ý rằng sản lượng dầu ở Nga lên tới 535,2 triệu tấn vào năm 2022, cao hơn 2% so với năm trước. Xuất khẩu dầu tăng 7,6% so với một năm trước đó, lên 242 triệu tấn.

Ông Novak nói rằng trong tương lai, Nga đang nỗ lực xoay trục xuất khẩu năng lượng của mình sang các quốc gia chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow hoặc chỉ trích cuộc chiến quân sự của Điện Kremlin ở Ukraine. 

"Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm thị trường mới. Năm nay, chúng tôi có kế hoạch xuất khẩu hơn 80% lượng dầu xuất khẩu và 75% sản phẩm dầu sang các quốc gia thân thiện", ông Novak chia sẻ trên tạp chí Chính sách Năng lượng.

Phó thủ tướng Nga nói thêm rằng năm ngoái, để định hướng lại nguồn cung dầu của Nga sang các nước thân thiện, một dự án đã được triển khai nhằm tăng cường vận chuyển qua cảng chính phía đông Kozmino. Kết quả là, việc giao hàng cho các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng lên 42 triệu tấn/năm.

Trong thời gian gần đây, Moscow đã và đang đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga, có hiệu lực vào ngày 5/2.

Theo lệnh này, EU đặt giới hạn giá 100 USD/thùng đối với dầu diesel, nhiên liệu máy bay và xăng từ Nga và mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu khác được giao dịch thấp hơn giá dầu thô, chẳng hạn như dầu nhiên liệu được sử dụng trong công nghiệp.

Giá trần, cùng với lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu Nga của EU, là một phần của thỏa thuận lớn hơn giữa các nước G7. Nó tuân theo mức giới hạn 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga mà G7 cùng với EU và Úc áp đặt vào ngày 5/12/2022. Biện pháp này cũng cấm các công ty phương Tây tài trợ, bảo hiểm, kinh doanh, môi giới hoặc vận chuyển hàng hóa dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga trừ khi chúng được mua ở mức giá trần hoặc dưới mức giá quy định.

Trong cùng bài chia sẻ với tạp chí Chính sách Năng lượng, Phó thủ tướng Novak tuyên bố rằng xuất khẩu khí đốt của nước này sẽ giảm mạnh 25% vào năm 2022 sau khi cuộc xung đột Ukraine gây bất ổn cho mối quan hệ của Moscow với những người mua chính ở châu Âu.

"Sản lượng khí đốt năm 2022 đạt tổng cộng 673,8 bcm. Xuất khẩu giảm 25,1% xuống 184,4 bcm", ông Novak cho biết, nói thêm rằng xuất khẩu khí đốt giảm là do "các nước châu Âu từ chối mua khí đốt của Nga" cũng như các vụ phá hoại đường ống khí đốt đã xảy ra với hệ thống Dòng chảy Phương Bắc 1&2 chạy dưới biển Baltic.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nói rằng trong khi việc cung cấp khí đốt cho châu Âu đã giảm mạnh, thì những người mua mới, đặc biệt là Trung Quốc, đang tăng lên nhanh chóng.

Ông Novak nói: "Lượng khí đốt Nga cung cấp mỗi ngày thông qua đường ống Power of Siberia liên tục lập kỷ lục mới. Kết quả là nguồn cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua Power of Siberia đã tăng 48% và đạt mức tối đa lịch sử là 15,4 bcm".

Xem thêm >> Dầu Nga 'một cổ nhiều tròng': EU áp thêm một án phạt mới

Tin mới lên