Nga: Mỹ 'đau đớn' vì các lệnh trừng phạt không hiệu quả
(VNF) - Đại sứ Nga cho biết Washington đã đưa ra rất nhiều biện pháp hạn chế đến nỗi Điện Kremlin không quan tâm đến những biện pháp mới.
Đòn giáng mới lên Nga
Mỹ vừa áp đặt lệnh trừng phạt toàn diện đối với 400 công ty ở Nga và khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông với cáo buộc những thực thể này hỗ trợ chuỗi cung ứng công nghiệp-quân sự của Moscow và giúp nước này lách lệnh trừng phạt.
Trong số những công ty bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt có 60 công ty công nghệ và quốc phòng có trụ sở tại Nga, bao gồm ba công ty công nghệ tài chính của Nga.
Ngoài ra một số công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Hồng Kông cũng nằm trong danh sách trừng phạt khi cung cấp các sản phẩm cho tập đoàn Promtekh có trụ sở tại Nga. Đây là một nhà phân phối bán buôn thiết bị vận tải và một mạng lưới mua sắm đạn dược kết nối với công dân Ý và Thổ Nhĩ Kỳ, những người cũng phải đối mặt với lệnh trừng phạt.
Đón giáng mới của Mỹ tiếp tục bổ sung thêm vào hàng nghìn lệnh trừng phạt của nước này với các công ty Nga và các nhà cung cấp của họ ở các quốc gia khác kể từ khi Nga đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắm tới những cá nhân và công ty có liên quan đến hoạt động xuất khẩu năng lượng, kim loại và khai khoáng của Nga; sản xuất máy bay không người lái; các công ty con của tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom…
Loạt động thái này thực hiện các cam kết mà Tổng thống Joe Biden đã đưa ra với những người đồng cấp thuộc nhóm G7 vào mùa hè này nhằm phá vỡ chuỗi cung ứng quân sự của Nga và ngăn guồn thu cho cỗ máy chiến sự của nước này.
"Nga đã biến nền kinh tế của mình thành công cụ phục vụ cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Điện Kremlin. Các công ty, tổ chức tài chính và chính phủ trên toàn thế giới cần đảm bảo rằng họ không hỗ trợ chuỗi cung ứng công nghiệp-quân sự của Nga", Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết trong một tuyên bố ngày 23/8.
Đầu năm nay, Mỹ đã thông qua một gói viện trợ cho Ukraine cho phép chính quyền tịch thu tài sản nhà nước của Nga tại Mỹ và sử dụng chúng vì lợi ích của Ukraine.
Ngay sau đó, các nhà lãnh đạo của nhóm G7 đã đồng ý thiết kế một khoản vay 50 tỷ USD để hỗ trợ Nga. Lãi suất kiếm được từ khoản lợi nhuận từ 300 tỷ USD trong tài sản Ngân hàng Trung ương Nga bị đóng băng chủ yếu ở châu Âu sẽ được sử dụng làm tài sản thế chấp.
Hiệu quả đến đâu?
Hiệu quả của các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga cho đến nay vẫn được đặt dấu hỏi, đặc biệt là khi Nga tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của mình bằng cách bán dầu và khí đốt trên thị trường quốc tế.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 24/8, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết các đòn trừng phạt của Mỹ là "vô ích và không hiệu quả”.
“Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang trong cơn đau đớn. Những đòn tấn công vô ích vào Nga đang gia tăng”, ông Antonov viết trong bài đăng trên Telegram.
Theo ông Antonov, các hạn chế "không chỉ gây hại cho người tiêu dùng Mỹ mà còn cho các đối tác của Mỹ ở các nước thứ ba”.
“Rõ ràng là để đạt được sự độc lập thực sự trong lĩnh vực kinh tế, đã đến lúc phải từ bỏ sự bá quyền của đồng USD trong hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế”, vị đại sứ nhấn mạnh thêm.
Mỹ và các đồng minh đã áp đặt kỷ lục 22.000 lệnh trừng phạt đối với Moscow kể từ năm 2014, khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea. Moscow coi các lệnh hạn chế là bất hợp pháp, đáp trả bằng lệnh cấm đi lại đối với các quan chức phương Tây và các động thái khác.
“Các lệnh trừng phạt đối với Nga quá đa dạng đến nỗi về cơ bản chúng tôi không quan tâm đến việc chính quyền sẽ đưa ra biện pháp gì khác để 'trừng phạt người dân Nga'”, vị đại sứ Nga nhấn mạnh thêm.
Theo ông Antonov, chính quyền Nga sẽ hành động “để đảm bảo rằng công dân của chúng tôi cảm thấy thoải mái và không cần chú ý tới các cuộc tấn công của Mỹ”.
Đầu năm nay, tờ Wall Street Journal cho biết "các lệnh trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay" đã không ngăn chặn được hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. Các quan chức phương Tây đã buộc phải thừa nhận rằng các hạn chế "có tác động chậm hơn họ mong đợi", tờ báo nhấn mạnh.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere Della Sera, ông trùm kim loại Alisher Usmanov cho rằng các đòn trừng phạt cho đến nay đã gây hại cho các nước Liên minh châu Âu nhiều hơn là cho Nga.
“Họ muốn gây tổn hại đến nền kinh tế Nga, kinh tế Nga đang phát triển. Họ muốn trừng phạt giới tinh hoa kinh doanh, và người Nga đã mang tiền về nước. Nền kinh tế Nga đang thích nghi với các lệnh trừng phạt, trong khi các thị trường lân cận đang phải chịu đựng. Châu Âu từ chối các nguồn năng lượng của Nga và buộc phải mua chúng với giá cao hơn nhiều”, ông nói với ấn phẩm.
Nền kinh tế Nga tăng trưởng 3,6% vào năm 2023 bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế do EU, Mỹ và các đồng minh áp đặt kể từ đầu năm 2022. Đức, cường quốc kinh tế của EU, đã trải qua suy thoái vào năm ngoái, trong khi các nền kinh tế lớn khác của khối là Pháp và Ý, chỉ ghi nhận mức tăng trưởng dưới 1%.
'Dòng chảy chiến lược' sang Trung Quốc suy giảm, tín hiệu đáng lo cho Nga
- Trung Quốc loay hoay đối phó khủng hoảng thừa thép 24/08/2024 09:15
- Sát cánh cùng con gái, ông Thaksin muốn 'giải cứu' Thái Lan khỏi bẫy nợ 24/08/2024 08:30
- Mexico phản đối nỗ lực ‘can thiệp’ của Mỹ trong giao thương với Trung Quốc 23/08/2024 01:08
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.