'Dòng chảy chiến lược' sang Trung Quốc suy giảm, tín hiệu đáng lo cho Nga
(VNF) - Theo số liệu thống kê từ cơ quan hải quan Trung Quốc, nước này đã giảm mạnh lượng dầu nhập khẩu từ Nga trong những tháng gần đây, sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh vào tháng 5.
Xu hướng đáng lo ngại với Nga
Lượng dầu thô xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc, thông qua cả đường ống và vận chuyển, đã giảm mạnh xuống còn 1,76 triệu thùng mỗi ngày vào tháng trước, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất trong năm nay.
Con số này đánh dấu sự suy giảm liên tục. Lượng dầu chảy vào Trung Quốc của Nga trong tháng 7 đã giảm 22% kể từ cuối năm ngoái và giảm 30% kể từ tháng 3, tờ Moscow Times đưa tin.
Đây là xu hướng đáng lo ngại đối với kinh tế Nga, tiếp tục diễn ra ngay cả sau cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 5.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 tại Bắc Kinh, ông Putin và ông Tập đã cam kết tăng cường "hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, khí dầu mỏ hóa lỏng, than đá và điện" cũng như đảm bảo "vận chuyển các nguồn năng lượng không bị cản trở".
Năm ngoái, Nga đã vượt qua Arab Saudi để trở thành nguồn cung nhiên liệu hóa thạch số 1 của Trung Quốc, chiếm gần 1/5 lượng dầu tiêu thụ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngành công nghiệp năng lượng được coi là huyết mạch quan trọng đối với nền kinh tế của Nga, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc đã tăng cường mạnh mẽ việc mua dầu của Nga và gia tăng ảnh hưởng của mình với kinh tế Nga.
Dòng chảy thương mại của Nga với Trung Quốc đã tăng vọt hơn 26% lên mức cao kỷ lục 240 tỷ USD vào năm ngoái, trong đó dầu mỏ chiếm gần 2/3.
Tuy nhiên, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã tăng cường nhập khẩu dầu thô từ các đối thủ cạnh tranh của Nga ở các khu vực khác trong thời gian gần đây.
Theo Reuters, lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Arab Saudi trong tháng 7 vừa qua đã tăng 13%, tương đương 6,41 triệu tấn, so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng dầu nhập khẩu từ Malaysia, nguồn dầu lớn thứ ba của Trung Quốc, cũng tăng 61%.
Một nguồn thu lớn khác cho nền kinh tế chịu nhiều lệnh trừng phạt của Nga là nguồn khí đốt tự nhiên chảy tới đối tác "không giới hạn" là Trung Quốc, nơi được hưởng mức chiết khấu đáng kể.
Tuy nhiên, chuyến thăm của ông Putin diễn ra chỉ hai tuần sau khi tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom của Nga báo cáo đã thua lỗ vào năm ngoái, lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ.
Điều này đã gây thêm áp lực lên Điện Kremlin trong việc thúc đẩy dự án đường ống Power of Siberia-2, vận chuyển khí đốt tự nhiên từ khu vực Yamal ở miền bắc nước Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Bất chấp những nỗ lực của ông Putin, dự án này cho đến nay vẫn chưa đi đến thoả thuận cuối cùng.
Phát triển "các kế hoạch quy mô lớn"
Ngày 21/8, Tổng thống Nga Putin đã tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Điện Kremlin. Ông ca ngợi mối quan hệ thương mại đang phát triển khi Moscow ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh về hỗ trợ chính trị và kinh tế.
“Quan hệ thương mại của chúng ta đang phát triển và phát triển thành công... Sự quan tâm mà chính phủ hai nước dành cho quan hệ thương mại và kinh tế đang mang lại kết quả”, ông Putin phát biểu.
Ông cũng cho biết Nga và Trung Quốc đã phát triển "các kế hoạch quy mô lớn" cho các dự án kinh tế và các dự án khác.
“Quan hệ Trung Quốc-Nga đang ở mức cao chưa từng có”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định.
Cuộc họp diễn ra khi Nga đang vật lộn để đẩy lùi cuộc xâm nhập của Ukraine vào khu vực Kursk hiện đã bước sang tuần thứ ba. Moscow cũng vừa trải qua một trong những đợt tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất vào thủ đô Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine.
Trung Quốc đã cố gắng định vị mình là nước trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng nước này cũng có nhiều mâu thuẫn với phương Tây giống như Nga.
Kể từ đầu năm tới nay, hoạt động thương mại của Trung Quốc với Nga được cho là không ổn định do các vấn đề thanh toán. Xuất khẩu bằng đồng nhân dân tệ sang Nga đã giảm 3 % sau khi tăng nhẹ vào tháng 5 và tháng 6.
Trung Quốc chỉ trích mức thuế mới của EU lên xe điện, cảnh báo đáp trả
- Trung Quốc liên tiếp tung đòn đáp trả EU 22/08/2024 08:00
- Trung Quốc siết xuất khẩu kim loại hiếm và những ‘tác động tiềm ẩn’ 21/08/2024 04:49
- Vướng loạt trở ngại, thương mại Nga – Trung phải đi đường vòng 21/08/2024 10:30
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.