Nga: Trung Quốc sẽ không để Mỹ ‘đe dọa, tống tiền’
(VNF) - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/6 nhấn mạnh rằng Mỹ không thể dùng cách “tống tiền và đe dọa” khi đối phó với một quốc gia “lớn, có chủ quyền và hùng mạnh” như Trung Quốc.
Ông Peskov đưa ra bình luận sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đe dọa trừng phạt Bắc Kinh vào đầu tuần này, tuyên bố rằng Washington sẽ không chấp nhận việc tăng cường xuất khẩu hàng hóa “lưỡng dụng” từ Trung Quốc sang Nga, vốn được cho là hỗ trợ sản xuất quân sự của Moscow.
Washington cáo buộc Trung Quốc cung cấp công nghệ cho lĩnh vực quốc phòng của Nga và cho rằng điều này rất quan trọng đối với Moscow trong cuộc xung đột với Ukraine.
Bà Yellen ngày 4/6 nói rằng Bộ Tài chính Mỹ đã nhận thấy Trung Quốc gia tăng xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng và rất lo ngại về điều đó.
“Tôi đã nói rất rõ ràng ở cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc rằng đây là điều chúng tôi sẽ không tha thứ và chúng tôi có ý định trừng phạt hoạt động này”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh thêm.
Trước đó, trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu về máy công cụ, vi điện tử, nitrocellulose vốn rất quan trọng để chế tạo đạn dược và bộ phóng tên lửa, và các mặt hàng lưỡng dụng khác mà Moscow đang sử dụng để tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng.
Đáp lại lời đe dọa từ các quan chức cấp cao của Mỹ, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi biết rõ rằng các đối tác Trung Quốc của chúng tôi không chấp nhận những ngôn từ như vậy, không chấp nhận những tin nhắn, những lời đe dọa như vậy, những hành vi tống tiền như vậy”.
Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc mạnh đến mức “ngay cả Mỹ cũng khó có thể nói với giọng điệu như vậy”, ông Peskov tuyên bố thêm.
“Chúng tôi biết chắc rằng Trung Quốc không thích điều này, và chúng tôi đoàn kết với Trung Quốc và xem giọng điệu như vậy, lời đe dọa như vậy là không phù hợp”, ông Peskov nêu rõ.
Chính quyền Mỹ cho tới nay đã trừng phạt hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc, cáo buộc họ bán hàng hóa và linh kiện cho Nga, bao gồm các thiết bị định vị và máy công cụ có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Cả Moscow và Bắc Kinh đều bác bỏ các cáo buộc và Điện Kremlin nhấn mạnh rằng họ chưa bao giờ yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ như vậy.
Nga và Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ thương mại song phương kể từ khi bắt đầu xung đột Ukraine vào năm 2022. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước đạt 240 tỷ USD.
EU gia hạn lệnh trừng phạt Nga do tác động từ Mỹ?
Tờ Financial Times (FT) mới đây trích dẫn một tài liệu thảo luận bị rò rỉ cho hay Mỹ sẵn sàng cho Ukraine vay 50 tỷ USD, được hoàn trả bằng lợi nhuận thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga, miễn là EU gia hạn vô thời hạn các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Theo FT, Mỹ muốn EU duy trì các biện pháp trừng phạt đối với các quỹ nhà nước của Nga cho đến khi xung đột Ukraine kết thúc. Các lệnh trừng phạt sẽ hết hiệu lực sáu tháng một lần trừ khi được gia hạn với sự đồng ý nhất trí, mục đích là để đảm bảo rằng Washington “không bị bỏ lại trong tình thế phải trả nợ”.
Tuy nhiên, quyết định như vậy cần có sự chấp thuận của các nhà lãnh đạo EU, bao gồm cả Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch trừng phạt của khối đối với Nga, FT lưu ý.
Bài báo cho biết Mỹ đang thúc đẩy một thỏa thuận trước hội nghị thượng đỉnh G7 vào tuần tới tại Ý, nơi cơ chế tài chính được hỗ trợ bởi lợi nhuận từ tài sản của Nga dự kiến sẽ là trung tâm của cuộc thảo luận.
Lựa chọn hàng đầu đang được xem xét là kế hoạch cấp cho Ukraine một khoản vay hợp tác với các thành viên G7 khác để phù hợp với khoản lợi nhuận bất ngờ dự kiến từ khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga bị phương Tây đóng băng. Khoản vay này có thể lên tới 50 tỷ USD, tờ báo này dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết.
Các vấn đề kỹ thuật khác nhau xung quanh khoản vay được đề xuất, chẳng hạn như thời hạn, lãi suất và liệu nó sẽ được cung cấp trực tiếp hay thông qua một bên trung gian như Ngân hàng Thế giới, vẫn chưa được giải quyết.
Theo tài liệu của EU, Washington coi bất kỳ khoản vay nào như vậy là “có điều kiện”. Nó phụ thuộc vào cách EU phân phối số tiền thu được từ quỹ để trả nợ và đảm bảo rằng “tài sản của ngân hàng trung ương Nga nắm giữ ở EU vẫn cố định cho đến khi Nga đồng ý bồi thường thiệt hại gây ra cho Ukraine”, tờ báo cho biết.
FT lưu ý rằng cam kết như vậy rất quan trọng bởi vì phần lớn tài sản của Nga bị khóa trong kho lưu ký chứng khoán Euroclear có trụ sở tại Bỉ, tạo ra lợi nhuận hàng năm ước tính khoảng 3 tỷ euro (hơn 3,25 tỷ USD).
Bài báo lập luận rằng nếu lợi nhuận không đáp ứng được yêu cầu hoàn trả hoặc nếu EU không đồng ý gia hạn các biện pháp trừng phạt, thì Mỹ có thể sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Tuy nhiên, một số chính phủ EU lo ngại về tác động tài chính của động thái như vậy. Một nguồn tin cho biết Mỹ sẽ phải chấp nhận rằng EU không thể đảm bảo những tổn thất.
Tổng thống Nga Putin: Chúng ta phải đi trước kẻ thù một bước
- Châu Âu tụt lại phía sau Mỹ và Trung Quốc, có thể bắt kịp không? 05/06/2024 03:24
- Thu nhập của các CEO cao gấp 200 lần lương nhân viên 05/06/2024 01:28
- Úc yêu cầu các quỹ liên kết với Trung Quốc bán cổ phần đất hiếm vì 'lợi ích quốc gia' 04/06/2024 12:44
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.